Khát vọng muôn đời

Hẳn bà tôi thấy nó, thứ được gọi là chữ mà tôi thường viết như rắc tấm cho gà ấy, phải cao sang, phải thiêng liêng lắm. Nó là niềm hy vọng không thể diễn tả thành lời được của bà hướng về tôi.

Hẳn bà tôi thấy nó, thứ được gọi là chữ mà tôi thường viết như rắc tấm cho gà ấy, phải cao sang, phải thiêng liêng lắm. Nó là niềm hy vọng không thể diễn tả thành lời được của bà hướng về tôi.

Bà nội tôi hoàn toàn mù chữ. Cả đời bà không có một ngày học cái thứ được gọi là chữ. Ấy thế mà suốt thời bé con, tôi luôn luôn bị bà giám sát chặt chẽ việc học. Từ giờ giấc học bài, đi ngủ, tập thể dục, sách vở, góc học tập đến thái độ khi nói về thầy cô, bạn bè... đều không lọt khỏi ánh mắt quanh năm kèm nhèm vì căn bệnh lông quặm của bà. Thỉnh thoảng bà lại bắt tôi bỏ sách ra để bà... kiểm tra. Tôi không bao giờ dám thoái thác, bởi khi đó bà đã là một người khác: Nghiêm khắc và không biết khoan nhượng!

Mặc tôi tần ngần nhìn lũ sách vở, có cả nỗi sợ ngộ nhỡ bị bà phát hiện sai sót nào đó, bà cứ chậm chạp sờ tay vào từng quyển sách, quyển vở rồi lần theo từng hàng chữ như cách nhà nông lão luyện kiểm tra độ mẩy của hạt giống. Bà ngây dại nhìn từng dòng chữ, từng hàng con số to tướng tôi viết bằng mực tím, cái thứ, với bà, chứa tất cả phép huyền diệu của sự sống. Đừng hòng đánh lừa được bà khi tôi định khỏa lấp đi một sự cẩu thả nào đó. Hồi ấy (và cho đến tận bây giờ), tôi cứ tự hỏi mình: Không biết khi nhìn chữ bà thấy nó thế nào? Bà thấy gì trong những nét kí tự loằng ngoằng và vô cùng bí hiểm ấy?

Nào ngờ, càng trưởng thành, càng phiêu lưu vào bể học mênh mông, nơi chữ như rừng rậm, càng đi càng không thấy bến bờ, tôi mới hiểu điều tôi thắc mắc về bà nội thực sự là một câu hỏi lớn. Muốn trả lời nó phải lội ngược hàng ngàn năm qua vô số bi kịch, qua hàng trăm hàng ngàn ước vọng, qua những miền quê mưa thối đất thối cát, qua giặc giã đói nghèo, qua những đận đói vàng cả mắt… để tìm căn nguyên của cơn thèm chữ truyền từ đời này sang đời khác của những người như bà nội.

Bà tôi (Ảnh sưu tầm)

Hẳn bà tôi thấy nó, thứ được gọi là chữ mà tôi thường viết như rắc tấm cho gà ấy, phải cao sang, phải thiêng liêng lắm. Nó là niềm hy vọng không thể diễn tả thành lời được của bà hướng về tôi. Bà không cần biết chính nó, thứ được gọi là chữ ấy, sẽ đem đến cho tôi cái gì. Bà chỉ biết chắc một điều: Không có nó, tôi sẽ không thể thành người tử tế được. Không có nó, tôi sẽ mãi mãi không thể thấu được lẽ trời đất. Không có nó, đời tôi mò mẫm trong vô vọng? Và cũng chỉ cần ngần ấy thôi là đủ cho bà có thể vì tôi mà hy sinh tất thẩy. Chỉ cần ngần ấy thôi khiến giấc mơ bà đem theo không bao giờ có bóng dáng của ác mộng.

Ở nhà quê, nơi nỗi sợ nghèo đói luôn ngự trị ngay cả khi no đủ, kì lạ thay, lại không thứ gì có thể so sánh được với chữ. Tiền bạc, nhà cửa, của cải, ruộng cả ao liền... quá lắm chỉ tạo ra sự giầu có là cùng. Nhưng giầu có hóa ra không bao giờ là cái đích cuối cùng. Nơi tất cả mọi khát vọng đều hướng tới, mặc dù nó được giấu kín, được nén chặt đến độ người ta không tự biết, ấy là sự cao sang. Sự cao sang bao hàm những cấp giá trị siêu phàm mà chỉ đến được đó mới mong giải thoát khỏi nỗi tự ti về cái sự hèn luôn bám theo như một nghiệt án. Ở đó con người mới hy vọng tìm thấy sự hãnh diện về bản thân mình. Điều này chưa bao giờ thôi cháy rát trong tâm thức người nhà quê vừa đơn giản vừa bí ẩn. Mà cái duy nhất giúp họ dám mong đạt điều đó chỉ là CHỮ.

Bạn có để ý thấy người nhà quê rất hay nói chữ không? Đừng vội mỉa mai họ. Bởi vì nói chữ, về hình thức, là một lối làm dáng cao cấp, nhưng từ sâu xa, là cái cớ để những người ít chữ được hãnh diện (thoát khỏi mặc cảm) với người có học. 

Link gốc

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/khat-vong-muon-doi-a53146.html