Nhìn chung thì thị trường bất động sản đang đi ngang nhưng cơ hội vẫn dành cho các nhà đầu tư
Thị trường đi ngang, giá không giảm
Tại buổi tọa đàm “Bất động sản thời kỳ mới: Đầu tư vào đâu” mới được tổ chức tại TP.HCM sáng nay (4/9), các chuyên gia đều có chung nhận định rằng, thị trường bất động sản hiện đang đi ngang, và tình hình này sẽ kéo dài đến hết năm 2020, đến năm 2021 thì sẽ có hiện tượng “sao đổi ngôi”.
Cụ thể, TS.Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính cho biết, thị trường đang có chiều hướng đi ngang, vì giá bất động sản đã tăng quá mạnh trong giai đoạn 2008 - 2009, giai đoạn từ 2010 - 2013, giá có chững lại, nhưng đến giai đoạn 2014 - 2015 thì thị trường bắt đầu hồi phục và tăng giá trở lại.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2016 - 2018, giá đã tăng rất nhanh từ phân khúc căn hộ, đất nền đến biệt thự, nhà phố. Sang năm 2019, thị trường bắt đầu có dấu hiệu chững lại về giá sau giai đoạn tăng quá cao, trừ một số khu vực, dự án được đầu tư bài bản, quy hoạch đồng bộ.
“Tôi nghĩ thị trường hiện nay đang trong giai đoạn đi ngang và sẽ duy trì mặt bằng này một thời gian nữa do giá đã ở mặt bằng cao và ảnh hưởng của Covid-19. Qua năm 2021, thị trường mới bắt đầu khởi sắc hơn”, ông Hiển nói.
Nguồn cung trên thị trường bất động sản giảm mạnh nhưng giá không giảm. |
Đồng quan điểm, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, quản lý cấp cao - Giám đốc bộ phận Nhà ở CBRE Việt Nam cho biết, “Vì sao thị trường bị ảnh hưởng bởi dịch covid-19 nhưng giá nhà không giảm?” là câu hỏi ông nhận được rất nhiều từ phía khách hàng, người mua nhà.
Lý giải về vấn đề này, đại diện CBRE Việt Nam chia sẻ, tình trạng giá không giảm là bởi nguồn cung của thị trường từ năm 2019 đã có dấu hiệu giảm mạnh. Đến đầu năm 2020, nguồn cung tiếp tục giảm vì lý do chủ yếu liên quan đến việc vướng pháp lý.
Sau đó là dịch bệnh xảy ra thì nhiều dự án lại không triển khai thi công, cũng như không bán hàng được. Trong khi đó, nguồn cầu luôn tăng, nên chủ đầu tư vẫn duy trì mức giá bán cao.
Mặc khác, giá đất trong thời gian gần đây không giảm, nên khi phát triển các dự án mới, chủ đầu tư phải cộng thêm các chi phí phát sinh, nên giá bán luôn tăng, xu hướng giảm là không thể.
“Dù dịch bệnh kéo dài, nhưng các dự án vẫn có mức độ hấp thụ cao. Chúng tôi nhận thấy khả năng bán hết căn hộ trong đợt mở bán đầu tiên khoảng 70%, nhu cầu cao đã thúc đẩy thị trường phát triển. Theo tôi, ở thị trường sơ cấp, khó có sự giảm giá mạnh, trong thời gian tới có thể giá tăng, nhưng mức tăng chậm hơn so với các năm trước”, ông Kiệt nói.
Còn theo báo cáo của JLL, trong 2 quý đầu năm, nguồn cung căn hộ trên thị trường TP.HCM chỉ đạt khoảng 6.000 căn, giảm rất nhiều so với cùng kỳ năm trước và thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Tại phân khúc nhà liền thổ cũng rất hạn chế, nguồn cung chỉ có khoảng hơn 1.000 sản phẩm.
JLL dự báo, thị trường sẽ đón nhận thêm 1.500 - 2.000 căn nhà liền thổ được mở bán trong 6 tháng tới. Tuy nhiên, nguồn cung này vẫn thấp hơn mức trung bình hàng năm trong giai đoạn 2016-2018, vì các vấn đề phê duyệt pháp lý vẫn còn kéo dài. Thực trạng khan hiếm này có thể tiếp tục đẩy mặt bằng giá tiến lên một nấc thang mới.
Cơ hội vẫn có cho nhà đầu tư
Mặc dù thị trường đi ngang, nguồn cầu giảm, giá bán tăng…, nhưng theo các chuyên gia trong ngành, đây lại là lúc đầu tư tốt nhất. Bởi khi mua bất động sản lúc này, nhà đầu tư sẽ dễ dàng lựa chọn được sản phẩm ưng ý, thậm chí còn được hưởng nhiều ưu đãi từ chủ đầu tư và giá cũng tốt hơn.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa chia sẻ, vì tác động của dịch bệnh nên thị trường bất động sản có phần nào khựng lại, nhưng thực ra các doanh nghiệp lớn đã có chuẩn bị. Bởi họ đã có sự chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư dài hạn, cùng với đó là việc nhà nước đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Theo đó, thị trường bất động sản trong thời gian tới sẽ trụ vững hơn.
“Dưới góc độ là nhà đầu tư, tôi cho rằng trong nguy luôn có cơ. Việt Nam là nước đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Hơn nữa, làn sóng dịch chuyển của các nhà máy khỏi Trung Quốc sang các nước khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam đang là những cú huých giúp thị trường trụ vững hơn”, ông Quang nói và cho biết thêm, đến năm 2021, sẽ có hiện tượng “sao đổi ngôi”. Top 5 doanh nghiệp bất động sản lớn sẽ thay đổi.
“Ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp muốn tồn tại thì phải đồng hành cùng với người mua với các chính sách bán hàng, ưu đãi. Vì vậy, đây là cơ hội lớn để người mua có thể sở hữu được những sản phẩm ưng ý, giá tốt”, ông Quang nhấn mạnh.
Tương tự, TS. Đinh Thế Hiển cũng cho rằng, đối với nhà đầu tư cá nhân thì luôn có cơ hội. Bởi với những nhà đầu tư trung hạn trong khoảng thời gian từ 3 - 5 năm sẽ chọn lúc thị trường khó khăn để bỏ tiền đầu tư. Còn với những nhà đầu tư lướt sóng, lại chọn “xuống tiền” lúc thị trường đang đi lên.
Nhìn trong dài hạn, ông Hiển cho rằng, tiềm năng bất động sản phía Nam vẫn rất tốt. Bởi nguyên tắc bất động sản đi sau nền kinh tế, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, nhưng lạm phát vẫn ở mức 3%, tỷ giá không biến động mạnh, xuất khẩu dù giảm nhưng vẫn tốt so với các nước, dự trữ ngoại hối thặng dư 8 tỷ USD, xu thế công nghiệp hóa mạnh, kéo theo làn sóng dân cư và thương mại…, nên bất động sản trong thời gian tới sẽ tốt.
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/bat-dong-san-trong-thoi-ky-binh-thuong-moi-co-hoi-danh-cho-nha-dau-tu-trung-dai-han-a53044.html