Làm thế nào để không bị “ sập bẫy" lừa đảo khi mua nhà đất"?

 Dù nhiều người mua BĐS đã được cảnh báo nhưng việc dính bẫy các CĐT bán dự án “ma” vẫn diễn ra trên thị trường BĐS, nhất là ở phân khúc đất nền. Người mua BĐS cần làm gì để tránh những “bẫy lừa đảo” từ phía người bán?

 Dù nhiều người mua BĐS đã được cảnh báo nhưng việc dính bẫy các CĐT bán dự án “ma” vẫn diễn ra trên thị trường BĐS, nhất là ở phân khúc đất nền. Người mua BĐS cần làm gì để tránh những “bẫy lừa đảo” từ phía người bán?

Bà Nguyễn Thị Vân Khanh - Giám đốc cấp cao thị trường vốn JLL Việt Nam cho rằng, để không rơi vào bẫy lừa đảo thì thứ nhất, những người mua BĐS vùng ven nên thận trọng tính thanh khoản của thị trường. Vì đối với người mua nhà để đầu tư, sau thời gian họ cần bán để thu hồi vốn, chốt lời do đó, tính thanh khoản rất quan trọng.

Những dự án ở vùng ven có quy mô tương đối lớn lên đến hơn 100ha, nguồn cung tham gia thị trường rất là nhiều. Ở những đợt ra hàng kế tiếp, người mua hàng ở đợt đầu bán lại trên thị trường thứ cấp phải cạnh tranh với chính nhà đầu tư. Các chủ đầu tư thường có xu hướng mở bán đợt sau các căn hộ có vị trí đẹp hơn, giá bán cao hơn, trên thị trường thứ cấp sẽ cạnh tranh rất khốc liệt.

Thứ hai là các cá nhân đầu tư nên yêu cầu chủ đầu tư cung cấp đầy đủ pháp lý dự án, đảm bảo về tính minh bạch của thị trường. Mua đất tự xây nhà thì cần đảm bảo có đủ pháp lý để xây, sau đó được cấp sổ. Ngoài ra cũng cần lựa chọn chủ đầu tư có tiềm lực tài chính, uy tín,… để đầu tư.

Nhiều khách hàng mất ăn mất ngủ vì mua phải dự án ma. Ảnh: Nguồn Vietnamnet
Nhiều khách hàng mất ăn mất ngủ vì mua phải dự án ma. Ảnh: Nguồn Vietnamnet

Cùng quan điểm, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Quản lý cấp cao, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam nhấn mạnh, nếu mua đất nền thì thực sự phải am hiểu về phân khúc này, quy trình pháp lý của một dự án như thế nào. Thực tế có rất nhiều khách hàng hiện nay không hình dung được chuỗi quy trình về pháp lý của một dự án ra sao, không hiểu rõ pháp lý dự án đó đang ở mức độ nào, giai đoạn nào… khiến dễ bị dính vào bẫy pháp lý mà CĐT cố tình "giăng ra". Vì thế, theo ông Kiệt, NĐT khi mua bất động sản cần trang bị kỹ kiến thức về tính pháp lý của dự án.

Bên cạnh đó, hầu hết trên thị trường hiện nay là xuất hiện tâm lý đầu tư theo đám đông, thậm chí có những người không hiểu rõ đầu tư vào cái gì, sẽ được cái gì… đó là những đối tượng dễ bị các đơn vị làm ăn chụp giật lừa đảo.

"Khi không trang bị đủ kiến thức hệ lụy xảy ra là các CĐT lợi dụng để tạo ra những sản phẩm ảo, bán cho khách, chưa kể hệ lụy liên quan đến pháp lý", ông Kiệt nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, trước khi tìm hiểu mua bất động sản, người mua cần tìm hiểu CĐT đó là ai , năng lực tài chính đó như thế nào, đặc biệt không đầu tư theo đám đông, những NĐT nhỏ lẻ, tài chính kém chắc chắn sẽ bị bỏ lại sau cùng vì kiểu đầu tư này.

Còn theo ông Trần Khánh Quang, Chuyên gia bất động sản, đầu tư bất động sản muốn thắng phải có tầm nhìn. Bất động sản đi theo một quy luật, 10 năm tăng gấp 3 lần, tức khi bỏ vốn vào bất động sản sản phải xác định đầu tư dài hạn và bài bản chứ không phải mua theo phòng trào.

Nói về những khu đô thị ma sau thời gian bán ra, ông Quang cho rằng, đô thị ma nơi nào trên thế giới cũng có chứ không chỉ là ở Việt Nam. Các chủ đầu tư có xu hướng làm nhỏ thành công rồi làm lớn hơn. Thành ra nhiều bất động sản không có người ở. Theo ông Quang, hiện nay có 20% các khu đô thị trên 20ha ở Long An, Đồng Nai, Bình Dương,… là không có ai ở.

Việc này là do nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố khi mua người mua kỳ vọng hạ tầng sẽ tạo động lực tăng giá. Chẳng hạn từ khi khu Đông phát triển bất động sản tăng giá mạnh thì Nhơn Trạch trở thành điểm đến vì nhiều nhà đầu tư kỳ vọng khi có cây cầu nối qua giá sẽ tăng mạnh. Thế nhưng, cầu khi nào xây thì chưa rõ.

Theo Reatimes
Link gốc

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/lam-the-nao-de-khong-bi-sap-bay-lua-dao-khi-mua-nha-dat-a52972.html