Nếu quay lại 10 năm trước, liệu bạn có còn lựa chọn như cũ?
Có người sẽ nói: Tôi sẽ ngoan ngoãn và nghiêm túc tập thể dục thể thao, giờ đỡ phải dăm bữa nửa tháng lại phải vào viện, tốn không biết bao nhiêu tiền.
Có người sẽ nói: Tôi sẽ dũng cảm hơn, tỏ tình với cô gái mà mình thích, vậy thì có lẽ giờ này chúng tôi đã về chung một nhà.
Có người sẽ nói: Tôi sẽ mua nhà, mua thật nhiều nhà, để giờ chỉ việc ngồi nhà thu tiền cho thuê, làm một phú bà nhàn rỗi.
Đáng tiếc là không có nếu như…
Nhưng, quả thực là không có nếu như ư?
Có câu nói như này: thời điểm tốt nhất để trồng một cái cây là 10 năm trước, và tốt nhì là hiện tại.
Nếu quá khứ đã không thể thay đổi, vậy thì tại sao không bắt đầu từ ngày hôm nay, một lần nữa xuất phát, thiết kế cho mình một cuộc đời mới! Vậy cụ thể là nên làm thế nào? Tôi cho rằng, hãy bắt đầu tư 3 phương diện.
01
Chủ động, mới có quyền chủ động
Có câu: tiên phát chế nhân, hậu phát nhi chế vu nhân.
Ý muốn nói, kẻ ra tay trước sẽ nắm thế chủ động, còn kẻ chậm hơn một bước sẽ phải chịu thế bị động.
Có một câu chuyện như này:
Ngày xưa, có một giáo đồ vô cùng sùng bái và tin tưởng vào Thượng đế, anh ta luôn tin rằng Thượng đế sẽ luôn giúp đỡ nếu mình gặp khó khăn. Một ngày nọ, nhà của anh ta bị cháy, lúc bị kẹt ở bên trong, anh ra không ngừng cầu nguyện Thượng đế sẽ tới giúp mình, nhưng Thượng đế không tới, chỉ có nhân viên cứu hỏa tới.
Nhưng dù nhân viên cứu hỏa có khuyên ra sao thì anh ta cũng không chịu đi, tin rằng lát nữa thôi Thượng đế sẽ tới cứu mình, Nhân viên cứu hỏa bất lực đành đi ra ngoài, sau đó kêu một chiếc trực thăng tới cứu anh ta, nhưng anh ta vẫn ngoan cố ngồi đợi Thượng đế tới.
Kết quả là anh ta bị lửa thiêu chết. Sau khi chết, anh ta lên gặp Thượng đế, vừa gặp đã chất vấn Thượng đế: "Con tin tưởng ở Ngài như vậy, vì sao Ngài không tới cứu con?"
Thượng Đế đáp: Lần thứ nhất ta phái nhân viên cứu hỏa tới, lần thứ hai ta phái trực thăng tới, nhưng con đều từ chối đó thôi.
Người giáo đồ trong câu chuyện vốn dĩ đã có hai lần cơ hội, nhưng lại không chủ động đi nắm lấy, Thượng đế dù có muốn tiếp tục hành hiệp trượng nghĩa thì cũng không thể cứu được anh ta.
Bất kể là làm gì, tính chủ động luôn là điều rất quan trọng, phải luôn trong trạng thái chủ động, tích cực tìm cách giải quyết vấn đề, chứ không phải ngồi đó bị động chịu trói.
Trước khi Jack Ma sáng lập ra Alibaba tại Trung Quốc rồi trở nên phổ biến trên khắp thế giới như hiện nay, thực ra đã có rất nhiều công ty thương mại điện tử đã sụp đổ tại đất nước tỷ dân này.
Điển hình là một công ty có tên là 8848, sau khi công ty này sụp đổ, CEO của công ty đã nói rằng, Trung Quốc không phải là mảnh đất thích hợp cho thương mại điện tử.
Vì khi đó không có thanh toán qua mạng, không có hệ thống tín dụng, cũng không có vận chuyển tiện lợi, hay sự tin cậy giữa các bên trong giao dịch… nên việc tạo nên một đế chế thương mại điện tử thành công là điều rất khó khăn.
Nhưng khi tất cả mọi người đều không nhìn ra được viễn cảnh hứa hẹn trong lĩnh vực này thì Jack Ma lại thành công trong việc tạo nên Alibaba, ông chủ động đi tìm phương pháp giải quyết các vấn đề còn tồn tại, tạo ra hệ thống tín dụng, phương pháp thanh toán và hợp tác với các doanh nghiệp vận chuyển của riêng mình.
Cùng là một cơ hội bày ra trước mắt, có người phàn nàn, không tích cực tìm cách giải quyết vấn đề, có người lại không ngừng cầu tiến, chuyển thế bị động sang chủ động. Còn bạn, bạn muốn là kẻ trước hay kẻ sau?
02
Kiên trì, mới không gục ngã
Có người nói, nếu một người vẫn luôn kiên cường dù đã trải qua rất nhiều khó khăn, vấp ngã, vậy thì không có gì là họ không thể thành công.
Jon Krakauer trong cuốn "Into Thin Air: Death on Everest" có viết: "Có một kiểu người, càng là việc khó hoàn thành, càng có sức hút với họ.
Quyết tâm và ý niệm là vũ khí mạnh mẽ nhất của họ, nói khách khí một chút, thì kiểu người này gọi là quái nhân, nói khó nghe thì chính là kẻ điên… Everest chính là thứ rất hấp dẫn với kiểu người này, ở họ có 3 đặc trưng: tự tin, quyết tâm và bền bỉ."
Giám đốc công nghệ của Alibaba, Wang Jian, đã phải hứng chịu rất nhiều sự nghi ngờ từ những người khác trong quá trình phát triển Alibaba Cloud (hay còn gọi là Aliyun, chuyên cung cấp dịch vụ điện toán đám mây cho các doanh nghiệp trực tuyến và hệ sinh thái thương mại điện tử của chính Alibaba), thậm chí có người còn công khai cho rằng ông là kẻ nói dối, rằng công việc nghiên cứu của ông sẽ chẳng thể đi tới đâu, thậm chí tới 80% nhân viên đã rời nhóm nghiên cứu giữa chừng.
Trong một lần, tại cuộc họp thường niên của Ali, Wang Jian đã không kìm được nước mắt, nghẹn ngào nói: "Những năm gần đây là những năm tôi nhận được nhiều lời mắng mỏ nhất trong cuộc đời mình, nhưng tôi không hối hận". Ông đã bị mắng trong trọn vẹn 4 năm trời.
Vào năm 2013, Wang Jian cuối cùng đã dùng sự kiên trì của mình để đổi lấy sự thành công của Aliyun, chặn đứng mọi nghi ngờ và chế nhạo, đưa ra một câu trả lời thỏa đáng cho những kẻ mắng mỏ mình suốt 4 năm trời.
Jon Krakauer, trải qua vô vàn vất vả, thậm chí có lúc còn rơi vào cảnh sinh tử, nhưng cuối cùng vẫn leo lên được tới đỉnh Everest.
Còn Wang Jian, mặc dù không leo lên đỉnh Everest, nhưng trong trận chiến này, ông cũng đã phải gánh chịu những áp lực nặng nề tới từ thế giới bên ngoài, tuy nhiên, bất chấp mọi lời đồn đại, mọi sự hoài nghi, ông vẫn luôn kiên trì và kiên quyết tiến lên, tới cuối cùng, mở ra cánh cửa chiến thắng.
03
Có phúc cùng hưởng, mới có thể đi được xa
Mạnh Tử nói: độc lạc lạc bất như chúng lạc lạc.
Một người vui làm sao mà bằng được người người vui, và cách để khiến mọi người cùng vui đó là giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau hưởng thụ thành quả, chia sẻ lợi ích, có phúc cùng hưởng.
Trong cuốn sách mang tên "tầm nhìn", tác giả Wu Jun có chia sẻ một một chuyện rằng, trong khoảng thời gian đi du học ở nước ngoài, anh đã gặp được một giáo viên hướng dẫn, thầy ấy cùng hướng dẫn anh và một bạn học khác viết luận, sau đó, bài luận của cả hai đều được lựa chọn để phát biểu.
Trong quá trình này, Wu Jun cũng từng thảo luận về bài luận với bạn học kia, vì vậy, giáo sư hướng dẫn đã gợi ý rằng bạn học kia ở phần cảm ơn và trích dẫn nên đưa thêm mục "Cùng Wu Jun thảo luận riêng" vào, người bạn học kia không hiểu bèn hỏi lại giáo viên hướng dẫn.
Giáo viên hướng dẫn trả lời rằng: "Chia sẻ lợi ích là phẩm chất cơ bản mà ai cùng phải có khi trở thành một người chuyên nghiệp trong tương lai, vì vậy, hãy phát triển thói quen này ngay từ bây giờ."
Trong cuộc sống, có những người không hiểu cái gọi là chia sẻ lợi ích, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, kết quả là đường càng đi càng hẹp, cuối cùng đâm vào ngõ cụt.
Chỉ khi giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau chia sẻ lợi ích, mới có thể đi được lâu dài.
Lưu Bang, người sáng lập ra nhà Hán của Trung Quốc, từng hỏi Trần Bình, tướng của Hạng Vũ về quy hàng cho mình rằng: "Ta và Hạng Vương khác nhau ở đâu?"
Trần Bình đáp: "Hạng Vương khoan hòa, Ngài lại hoang dã ngạo mạn."
Lưu Bang lại hỏi: "Thế vì sao người lại bỏ Hạng Vương về đầu quân cho ta?"
Trần Bình đáp: "Hạng Vương không nỡ phong thưởng cho người có công, còn Đại vương ngài lại không keo kiệt trong việc ban thưởng."
Nhân tài có giỏi giang tới đâu nhưng nếu không biết cách chia sẻ lợi ích, vậy thì tới cuối cùng cũng sẽ chỉ có một kết cục "anh ở đầu sông, em cuối sông".
Dù thời gian không thể quay trở lại, nhưng ai cũng có thể thiết kế lại cuộc đời mình: nắm thế chủ động, kiên trì không ngừng nghỉ, biết cách hợp tác và chia sẻ lợi ích với người kể vai sát cánh cùng mình, rồi cuối cùng, bạn sẽ với tới được bến bờ mà mình mong muốn.