"Dở khóc dở cười" cảnh bán nhà thời dịch: Siêu khó vì tâm lý... chờ!

Nhiều người muốn mua được nhà giá rẻ. Trong khi nhiều người bán chỉ cắt lời chứ không chịu lỗ. Cuộc giằng co về giá khiến nhiều giao dịch bất thành.

Nhiều người muốn mua được nhà giá rẻ. Trong khi nhiều người bán chỉ cắt lời chứ không chịu lỗ. Cuộc giằng co về giá khiến nhiều giao dịch bất thành.

do khoc do cuoi canh ban nha thoi dich sieu kho vi tam ly cho
Ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 lại cộng thêm tháng Ngâu, từ thị trường sơ cấp đến thứ cấp, việc bán được căn hộ là khá chật vật trong bối cảnh hiện nay.

Rao nửa năm vẫn chưa bán được nhà

Tác động của dịch bệnh khiến thị trường bất động sản khó khăn hơn. Đặc biệt lại đúng vào thời điểm tháng Ngâu, tính thanh khoản trên thị trường lại càng không cao.

Một số chủ nhà treo biển rao bán từ đầu mùa dịch đến nay vẫn chưa bán được. Đến tháng Ngâu lại càng tỏ ra uể oải vì đến khách xem nhà vắng bóng.

Tại phố Giảng Võ, Hà Nội, một căn nhà có 2 mặt tiền được rao bán. Tấm biển rao bán hoặc cho thuê ngắn hạn được treo khá lâu nhưng đến nay vẫn chưa “chốt” được khách.

Chủ nhà cho biết anh đang rao 48 tỷ đồng, diện tích sổ đỏ là 105m2. Khi được hỏi mức giá trên có giảm nhiều so với trước đó do ảnh hưởng của Covid-19 hay không, anh nói hoàn toàn không tính đến.

Không rao bán nhà mặt phố giá trị lớn, chị H.N (Hà Đông, HN) muốn chuyển nhượng căn hộ ở chung cư Season Avenue nhưng 3 tháng nay vẫn chưa có khách mua. Mức giá chị H.N đưa ra khoảng 33 triệu đồng/m2 đã bao gồm nội thất.

“Cũng có một số khách đến xem nhưng đến nay chưa chốt được giá, họ đưa ra mức giá thấp hơn quá nhiều so với kỳ vọng của tôi. Thậm chí nhiều khách bớt vài trăm triệu đồng vì nghĩ dịch Covid-19, nhà phải rớt giá lắm”, chị Nga cho biết.

Một khách hàng khác mua căn hộ tại dự án ở Hà Đông cũng muốn sang nhượng lại do tài chính khó khăn, không thể tiếp tục đóng theo tiến độ. Tuy nhiên vị này cho biết việc tìm khách mua khá khó khăn, dù đã đăng tải ở nhiều trang và có nhờ phía môi giới quảng bá.

Rất nhiều người đang trong tình cảnh “dở khóc dở cười” vì mãi không bán được nhà. Lý do việc thanh khoản ở một số phân khúc còn chậm thì có nhiều. Bỏ qua vấn đề về tháng Ngâu chỉ mang tính thời điểm trong thời gian ngắn, các chuyên gia cho biết, tâm lý chờ đợi bất động sản giảm giá để mua là nguyên nhân rất lớn.

Điều đáng nói, mặc dù người đi mua thì có tâm lý đợi giảm giá, nhưng theo diễn biến thực tế của thị trường hiện nay thì việc giảm giá gần như không có. Thậm chí ngay trong cao điểm dịch Covid-19, giá bất động sản vẫn tăng nhẹ, bất chấp nhu cầu mua giảm.

Theo báo cáo thị trường tháng 7/2020 của Batdongsan.com.vn, nhu cầu tìm mua đã giảm gần 7% so với tháng trước. Tuy nhiên bất chấp khó khăn thị trường, giá rao bán chung cư tại TP.HCM và Hà Nội vẫn duy trì mức độ ổn định. Đơn vị nghiên cứu không ghi nhận biến động nào đáng kể về giá chung cư.

Trao đổi với Dân trí, bà Đỗ Thị Thu Hằng - Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư Vấn, Savills Hà Nội cho rằng, trước tác động làn sóng Covid-19 thứ hai, lượng giao dịch được dự đoán sẽ có giảm sút so với thời gian phục hồi gần đây vào tháng 5, tháng 6 năm 2020.

Tuy nhiên theo bà Hằng, giá bất động sản trên thị trường thứ cấp tại các đô thị này được đánh giá là sẽ ổn định. Trong khi đó, tại thị trường sơ cấp (người mua có thể mua trực tiếp từ chủ đầu tư), tốc độ bán hàng chậm hơn trước đây; thời gian xây dựng có thể bị ảnh hưởng do Covid-19; sự không chắc chắn về diễn biến của dịch này; kỳ vọng gia tăng của khách hàng về chất lượng, tiện ích dự án cùng một số nguyên nhân khách quan khác khiến chi phí vốn có thể tăng lên.

"Đây là cơ sở cho thấy giá nhà ở trên thị trường sơ cấp này khó có thể giảm so với mặt bằng chung", bà Hằng nói.

Khách chờ mua rẻ, người bán lại không chịu lỗ

Nhiều người mua kỳ vọng vào việc sẽ mua được nhà giá rẻ dịp Covid-19. Trong khi đó, đa phần người bán vẫn muốn bán được mức giá tốt mà họ kỳ vọng. Chỉ trừ một số trường hợp chịu áp lực tài chính quá lớn, cần bán gấp mới chịu giảm giá. Cuộc giằng co về giá khiến nhiều giao dịch bất thành.

Lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc tại Hà Nội cho biết, động thái rao bán hiện nay của nhà đầu tư thứ cấp vẫn chủ yếu là cắt lời chứ không bán lỗ. Vậy nên theo vị này, dù thị trường thứ cấp có xuất hiện việc giảm giá cũng rất khó xảy ra hiện tượng giảm mạnh và cũng chỉ mang tính cục bộ.

Nói với Dân trí, ông Vũ Sinh Nhật - Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Housing Xinh cho biết có hai yếu tố cần lưu ý để giúp tăng tính thanh khoản trên cả thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp. Đó là yếu tố pháp lý và giá cả.

“Nếu bạn muốn bán nhanh căn hộ thời điểm này, đáng lý định bán 2 tỷ thì chỉ nên kỳ vọng thu về khoảng 1,8 tỷ thôi chạ hạn”, ông Nhật nói.

Dù nhận định giá nhà đất sẽ hiệu chỉnh sụt giảm ở thị trường thứ cấp nhưng hầu hết các chuyên gia cho rằng quy mô sẽ không lớn một phần do những thông tin tích cực về vacxin điều trị cũng như việc kiểm soát dịch bệnh tốt ở Việt Nam.

Thêm nữa, trong bối cảnh giá vàng biến động khó lường, tỷ giá, lãi suất không còn hấp dẫn, bất động sản vẫn là kênh an toàn để lựa chọn thời điểm này. Với những sản phẩm đảm bảo chắc chắn về pháp lý, có tính thanh khoản cao vẫn chiếm ưu thế nhất định.

Báo cáo mới đây của Công ty cổ phần chứng khoán SSI dự báo giá bất động sản dân cư tại Hà Nội sẽ tăng 2-3%, TP HCM tăng 7-10% trong năm 2020. Sang năm 2021, giá tăng tiếp ở hai thị trường lần lượt là 1-2% và 5-7%.

Còn số liệu từ Bộ Xây dựng đầu tháng 8 cho thấy, trong quý II, giá căn hộ chung cư tại Hà Nội tăng 0,16% so với quý I, giá nhà riêng lẻ tăng 0,01%. Ở TP HCM, các mức tăng lần lượt là 0,25% và 0,15%.

Theo Nguyễn Mạnh/Dantri.com.vn

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/do-khoc-do-cuoi-canh-ban-nha-thoi-dich-sieu-kho-vi-tam-ly-cho-a52532.html