Tìm “đầu ra” cho trái cây trong đại dịch Covid-19

Những ngày gần đây, việc xuất khẩu trái cây sang thị trường Mỹ bị “ách tắc” vì thiếu nhân viên kiểm dịch.

Những ngày gần đây, việc xuất khẩu trái cây sang thị trường Mỹ bị “ách tắc” vì thiếu nhân viên kiểm dịch.

tr22.jpg
Không có kiểm dịch viên để kiểm tra hàng trước khi chiếu xạ, nhiều lô hàng xoài sang Mỹ bị tồn kho.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, khi trái cây không xuất được sang Mỹ, sẽ bị thiệt hại rất nhiều vì đã ký hợp đồng với đối tác, ký hợp đồng bao tiêu nhà vườn… và ngay cả nông dân, HTX trồng trái cây xuất khẩu cũng “đứng ngồi không yên”.

Doanh nghiệp “ngồi trên lửa”

Là đơn vị xuất khẩu nhiều trái cây sang Mỹ, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T, cho biết, xuất khẩu trái cây sang Mỹ bị gián đoạn vì Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ làm việc tại Việt Nam hiện không có kiểm dịch viên để kiểm tra hàng trước khi chiếu xạ. Điều này gây khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp tới Vina T&T cũng như nhiều doanh nghiệp khác.

Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cũng cho hay, tình trạng trái cây tắc đường sang Mỹ kéo dài hơn một tuần nay. “Hiện các đơn hàng của công ty bị đứng lại nhưng chưa ảnh hưởng nhiều. Chúng tôi vẫn đang đợi xem hai bên giải quyết như thế nào để có tính toán kịp thời”.

Theo ông Tùng, bắt đầu từ tháng 3 năm nay, khi dịch Covid-19 bùng phát, Mỹ yêu cầu nhân viên bản xứ phải quay về nước, trong đó có nhân viên của APHIS.

Không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu trái cây lo lắng khi APHIS không có nhân viên làm việc do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ngay cả nông dân, HTX trồng trái cây xuất khẩu cũng “đứng ngồi không yên” khi trái cây không thể xuất khẩu.

Về vấn đề này, đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, có sự việc trái cây xuất khẩu sang Mỹ bị ách tắc. Tình trạng này mới diễn ra gần đây. Hiện Bộ đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp Mỹ giải quyết.

Ông Nguyễn Đình Tùng cho biết, trung bình mỗi tuần doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ khoảng 100 tấn trái cây, giờ đây do ảnh hưởng của dịch Covid-19, toàn bộ số trái cây này chuyển sang tiêu thụ tại thị trường nội địa, hoặc thị trường khác cũng chỉ giải quyết được 20%, do vậy, phải xử lý đông lạnh khoảng 80%.

Để tránh bị động trong việc xuất khẩu trái cây, các doanh nghiệp nên tìm kiếm thị trường trong nước, đa dạng hóa thị trường nước ngoài.

Để giải quyết khó khăn trên, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị Đại sứ quán Mỹ hỗ trợ tiếp tục cử cán bộ của APHIS đến cơ sở chiếu xạ để làm việc. Theo thông tin mới nhất, hiện nay mọi thủ tục đưa cán bộ của APHIS đã hoàn tất, chỉ chờ có chuyến bay sang Việt Nam.

Tìm chỗ đứng cho trái cây

Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, đây không phải lần đầu tiên trái cây xuất ngoại gặp khó xuất phát từ yếu tố thiếu nhân lực kiểm dịch. Câu chuyện tương tự cũng từng diễn ra với xuất khẩu vải thiều tươi lần đầu tiên sang Nhật Bản. Theo kế hoạch, vào giữa tháng 4, phía Nhật Bản sẽ cử chuyên gia sang Việt Nam để kiểm tra các cơ sở xử lý và trực tiếp giám sát công tác kiểm dịch, xử lý lô vải xuất sang Nhật Bản. Tuy nhiên, từ cuối tháng 3, các chuyên gia Nhật Bản lần lượt về nước và phía Nhật Bản cũng không cho phép xuất cảnh vào Việt Nam.

tr23.jpg
Nhân viên kiểm dịch thực vật của Mỹ kiểm tra trái cây trước khi xuất khẩu tại một công ty.

Trải qua nhiều khâu liên lạc, trao đổi, đến cuối tháng 5, sau khi nghe tin có một chuyến bay chở hàng của Vietnam Airlines từ Nhật Bản về Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Bộ Nông nghiệp và PTNT, tỉnh Bắc Giang đã hoàn thiện thủ tục để chuyên gia Nhật Bản có thể lên máy bay sang nước ta chỉ trong vài ngày. Chuyên gia Nhật Bản chính thức lên máy bay chở hàng, sang Việt Nam vào ngày 3/6. Quả vải Việt xuất sang Nhật được trong năm nay chính là nhờ sự nỗ lực, vào cuộc của tất cả ngành chức năng cũng như cộng đồng doanh nghiệp.

Câu chuyện tìm giải pháp để giải quyết nhân sự về kiểm dịch cho quả vải có lẽ là kinh nghiệm cho vấn đề vướng mắc mà trái cây Việt đang gặp phải khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Từ đầu năm đến nay, khi xuất khẩu sang thị trường lớn nhất của rau quả Việt Nam là Trung Quốc giảm sút nghiêm trọng, chúng ta đã gia tăng xuất sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc…, dù không thể thay thế được thị trường Trung Quốc nhưng cũng phần nào bù đắp được thiệt hại. Bởi vậy, sự nỗ lực từ nhiều phía để không làm tắc nghẽn thêm bất kỳ thị trường nào, đặc biệt là thị trường giàu tiềm năng như Mỹ lại càng trở nên quan trọng.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết, hiện nay ngoài Mỹ, một số thị trường khác cũng yêu cầu chiếu xạ trước khi xuất khẩu như Úc, New Zealand. Đáng chú ý, việc chiếu xạ trái cây xuất khẩu sang Mỹ hiện chỉ do một công ty tại TP.HCM đảm nhận.

Vì chỉ có một nhà máy chiếu xạ duy nhất nên giá cả chưa cạnh tranh. Ví dụ, các mặt hàng như nhãn, xoài… ở tận Sơn La muốn xuất đi Mỹ cũng phải vận chuyển vào TP.HCM hiếu xạ mới xuất khẩu được. Trong khi đó,  Thái Lan có 3-4 nhà máy chiếu xạ nên giá cả rất cạnh tranh.

“Mỹ là thị trường lớn và là một trong những thị trường chính của xuất khẩu trái cây Việt Nam. Do vậy, chúng tôi kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT cố gắng sắp xếp làm sao để có 2-3 nhà máy chiếu xạ trái cây”, ông Nguyên đề xuất.

Bên cạnh việc chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng để xuất khẩu trở lại, các công ty xuất khẩu trái cây đang triển khai nhiều phương án để tiêu thụ sản phẩm trong thời gian chờ nhân viên kiểm dịch của Mỹ sang. Đơn cử như hạ giá bán, mở rộng thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh bán tại thị trường nội địa... Riêng những loại trái cây đông lạnh như sầu riêng hoặc dừa vẫn xuất khẩu bình thường vì không phải thực hiện kiểm dịch thực vật.

Mặt khác, vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy rõ nguồn gốc xuất xứ, thực hiện các biện pháp khoa học hữu cơ trong trồng trọt cũng là một trong những biện pháp để nâng chất lượng và giá trị của trái cây Việt Nam trên thị trường quốc tế. Có như vậy, trái cây của Việt Nam mới có chỗ đứng bền vững và thu nhập của người làm vườn mới không ngừng được nâng cao.

 Ngọc Thủy - Theo kinh te tieu dung

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/tim-dau-ra-cho-trai-cay-trong-dai-dich-covid-19-a51653.html