Vì sao BĐS không giảm mà còn tăng nhẹ trong dịch Covid-19?

Thị trường bất động sản vẫn tồn tại các khó khăn khi vướng mắc về mặt pháp lý trong việc phát triển dự án mới chưa được giải quyết, nguồn cung sản phẩm ra thị trường tiếp tục khan hiếm khiến giá bất động sản khó giảm ngay cả khi giao dịch ảm đạm.

Vì sao BĐS không giảm mà còn tăng nhẹ trong dịch Covid-19?

Thị trường bất động sản vẫn tồn tại các khó khăn khi vướng mắc về mặt pháp lý trong việc phát triển dự án mới chưa được giải quyết, nguồn cung sản phẩm ra thị trường tiếp tục khan hiếm khiến giá bất động sản khó giảm ngay cả khi giao dịch ảm đạm.

Bất động sản vẫn tăng trưởng trong khó khăn

Đợt dịch Covid-19 lần thứ nhất xuất hiện từ tháng 2-4 đã khiến thị trường bất động sản kém sôi động hơn so với giai đoạn trước. Đặc biệt, đợt giãn cách xã hội tại Việt Nam hồi tháng 4 và tình hình dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng trên toàn thế giới khiến nhiều nhà đầu tư có tâm lý gom hàng và đợi chờ khi thị trường "chạm đáy" trong quý 2.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy dù bị tác động mạnh mẽ từ dịch Covid-19 nhưng giá nhà đất nói chung và bất động sản cao cấp không hề giảm mà mà thậm chí còn đi lên. Thị trường không hề có đáy như nhiều người lầm tưởng. Bằng chứng là báo cáo thị trường BĐS 6 tháng đầu năm của Bộ Xây dựng khẳng định mặc dù đại dịch Covid-19 gây ra những khó khăn cho thị trường BĐS nhưng giá bán nhà ở trên thị trường không có xu hướng giảm mà vẫn tăng so với cuối năm 2019. 

Cụ thể, tại Hà Nội giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,16% so với quý I. Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,01% so với Quý I/2020. Tại TP. Hồ Chí Minh, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,25% so với quý I/2020 (trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá tăng khoảng 0,04%). Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,15% so với quý I/2020. Đối với bất động sản công nghiệp.

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết mặc dù đại dịch Covid-19 gây ra những khó khăn tạm thời cho các doanh nghiệp, tuy nhiên bất động sản công nghiệp nói chung vẫn thu hút khách thuê, giá thuê bất động sản công nghiệp tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm trước. Phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Bộ Xây dựng cho biết lượng mới mở bán rất ít, giá bất động sản du lịch vẫn không thay đổi so với năm 2019. 

"Mặc dù còn có một số khó khăn, nhưng thị trường bất động sản vẫn có nhiều cơ hội hồi phục và phát triển, giá vẫn tiếp tục tăng, được thể hiện ở các yếu tố như nhu cầu về các loại bất động sản nhà ở, cơ sở sản xuất kinh doanh, trong các khu công nghiệp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng… vẫn còn lớn", báo cáo của Bộ Xây dựng nêu rõ.

Quan sát cho thấy, trong quý 2/2020 thị trường bất động sản đã chứng kiến sức bật mạnh mẽ của các dự án bất động sản được mở bán ngay trong thời điểm dịch bệnh. Đơn cử như tại Lễ Công bố dự án Sky Oasis Ecopark được diễn ra hôm Chủ nhật (24/05), hàng nghìn khách hàng tập trung tại KĐT Ecopark để đăng ký tham gia sự kiện.

Một số dự án cao cấp như Vinhomes Ocean Park (Gia Lâm, Hà Nội) thậm chí còn lập kỷ lục gần 300 căn giao dịch thành công ngay trong sự kiện mở bán tháng 6/2020. Dự án The Origami (Vinhomes Grand Park, quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh) lập tức trở thành "bom tấn" mới của thị trường bất động sản phía Nam khi 2.400 căn hộ được đăng ký đặt mua chỉ vỏn vẹn trong 3 ngày.

Nguồn cung sụt giảm 70%

Lý giải nguyên ngân BĐS cao cấp vẫn hút khách mạnh mẽ, thậm chí tăng giá ngay giai đoạn khó khăn của thị trường, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM nhận định thị trường bất động sản hiện nay thực tế về bản chất không hề xấu.

"Bằng chứng là tổng cầu có khả năng thanh toán rất lớn. Tất cả các dự án nhà ở từ cao cấp đến bình dân khi đưa ra thị trường đạt tỷ lệ hấp thụ rất cao, đến 99 - 100% ở phân khúc nhà ở xã hội. Phân khúc nhà ở thương mại giá trị từ 2 tỉ đồng trở xuống đạt tỉ lệ 100% tiêu thụ và nhà ở cao cấp đạt 70 - 80%, có những dự án tiêu thụ tới 100%. Nhà đầu tư thứ cấp thời gian qua cũng được hưởng lợi nhờ khan hiếm sản phẩm", ông Châu cho biết.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM: "Khó khăn lớn nhất chính là khan hiếm dự án, sản phẩm. Cụ thể, nếu trong năm 2018, nguồn cung chỉ giảm ở mức 20% thì đến 2019 đã sụt giảm tới 70%. Cả năm 2019 chỉ có 1 dự án được "chạy". Điều này là nguyên nhân chính khiến dù khủng hoảng do đại dịch nhưng giá bất động sản thời gian qua không vẫn không giảm. Giá chỉ xuống ở thị trường thứ cấp vì nhà đầu tư không chịu được áp lực dòng tiền. Còn ở thị trường sơ cấp, các nhà đầu tư dự án bất động sản uy tín vẫn duy trì hoạt động với mức giá phù hợp" - ông Châu khẳng định.

Đánh giá về thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc cao cấp trong thời gian tới ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam cũng khẳng định, việc nguồn cung hạn chế đang góp phần đẩy giá nhà đất tăng thêm đặc biệt khi tình trạng nguồn cung khan hiếm sẽ còn kéo dài trong 1 thời gian nữa do vướng mắc pháp lý, trong khi nguồn cầu vẫn rất lớn.

Ông Đính cũng cho biết thêm, giai đoạn kinh tế khó khăn do dịch bệnh hiện nay cũng là thời điểm tốt cho người mua nhà, nhà đầu tư bất động sản có kinh nghiệm, có tầm nhìn tìm kiếm cơ hội từ việc tranh thủ các ưu đãi kích cầu của chủ đầu tư. "Nếu chờ đến khi tan dịch mới "vào cuộc" thì thời điểm vàng đã trôi qua", ông Đính khẳng định.

Lan Nhi - Theo Nhịp sống kinh tế

Link gốc

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/vi-sao-bds-khong-giam-ma-con-tang-nhe-trong-dich-covid-19-2-a50645.html