Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vàng bạc Đá quý SJC Phú Thọ, phân tích chiều 11-8, giá vàng thế giới đã xuống dưới ngưỡng tâm lý 2.000 USD/ounce sau thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump ký các sắc lệnh hỗ trợ người dân nước này bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng mạnh hướng đến mức đỉnh kỷ lục trước đó… "Có điều là giá vàng thế giới từ cuối tuần qua đến nay chỉ giảm khoảng 3%, trong khi giá vàng SJC đã giảm tới khoảng 10%. Cũng trong chiều 11-8, lần đầu tiên từ tháng 7 đến nay, giá vàng SJC bán ra mới ngang bằng giá thế giới quy đổi. Điều này phản ánh nhu cầu bán vàng nhiều hơn buộc doanh nghiệp (DN) vàng phải giảm mạnh giá mua - bán. Xu hướng chốt lời khi giá vàng SJC tăng mạnh lên vùng 60 triệu đồng/lượng cũng khiến loại tài sản này lao dốc" - ông Trần Thanh Hải đánh giá.
Giá vàng đã biến động nhiều trong thời gian gần đây .Ảnh: TẤN THẠNH
Thông tin từ các DN và thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM cho thấy lượng giao dịch, doanh số mua bán vàng những ngày qua - kể cả khi giá vàng ở đỉnh trên 62 triệu đồng/lượng - cũng không quá đột biến. Vậy sao giá vàng lại lao dốc mạnh, thậm chí "bốc hơi" cả chục triệu đồng chỉ trong vòng 1 tuần?
Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Đối tác mới, lý giải chính vì lượng giao dịch trên thị trường không tăng đột biến, cung - cầu vàng SJC trên thị trường chủ yếu là mua đi bán lại nên khi nhu cầu bán ra tăng mạnh hơn sẽ tạo áp lực lên thị trường, buộc DN phải hạ giá. "Cuối tuần vừa rồi, có thời điểm người dân đi bán vàng quá nhiều khiến một vài DN phải ngưng mua vào" - ông Nguyễn Ngọc Trọng nói.
Giám đốc một chuỗi cửa hàng vàng lớn tại TP HCM cũng thừa nhận kể từ cuối tuần qua đến nay, đặc biệt trong ngày 11-8, nhu cầu bán vàng tăng mạnh, DN phải chuẩn bị lượng tiền mặt lớn để mua vào nên cũng chịu áp lực. Giá vàng càng giảm càng kích thích nhu cầu bán ra vì người dân sợ giá còn giảm thêm, buộc lòng DN phải điều chỉnh giá giảm sâu.
Tính đến cuối ngày 11-8, giá vàng SJC rớt chỉ còn hơn 53 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và trên 55 triệu đồng/lượng ở chiều bán, giảm tổng cộng 2,7 triệu đồng/lượng so với hôm qua và giảm tới hơn 7 triệu đồng mỗi lượng ở chiều bán ra so với mức đỉnh 62,45 triệu đồng/lượng thiết lập hôm 7-8. Những ai đã mua vàng ở mức này nếu bán ra vào chiều 11-8 có thể lỗ tới gần 9 triệu đồng/lượng.
Do thị trường vàng trong nước hiện không liên thông với thế giới (từ năm 2012 đến nay, Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép nhập khẩu vàng để gia công, sản xuất vàng SJC cho DN nào) nên khi giá biến động mạnh, không chỉ nhà đầu tư, người dân mà cả DN vàng lớn cũng chịu nhiều rủi ro.
Với diễn biến tăng giảm thất thường, biến động cả 2-3 triệu đồng/lượng mỗi ngày, các chuyên gia khuyến cáo người dân chỉ nên mua để dành như một tài sản an toàn, còn lướt sóng thì rất rủi ro và có ít cơ hội. Bởi rất khó để giá vàng tăng trở lại 5-7 triệu đồng/lượng trong thời gian ngắn.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc theo dõi sát biến động giá vàng thế giới và trong nước để kịp thời thông tin, khuyến cáo người dân, ổn định tâm lý thị trường, không để ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô.
Vì sao giá vàng SJC cao hơn thế giới?
Giải thích về việc vàng trong nước bị đẩy giá quá cao so với thế giới tới 5-6 triệu đồng/lượng, một số công ty vàng cho hay ở những thời điểm giá vàng biến động quá mạnh, nhu cầu mua bán vàng đều tăng, DN phải nới rộng khoảng cách giữa giá mua và giá bán để phòng rủi ro cho chính mình khi giá vàng đang ở mức cao và có thể quay đầu sụt giảm bất cứ lúc nào. Từ đó dẫn đến sự chênh lệch cung - cầu và khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới bị nới rộng.
Đại diện Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI cho rằng về bản chất, giá vàng trong nước vẫn phải đi theo xu hướng của thế giới nên giá khi tăng mạnh tới một giai đoạn nào đó sẽ phải điều chỉnh để giảm về tương đương với thế giới.
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/cu-soc-gia-vang-a49287.html