Bất động sản vẫn chưa qua hết “vận đen": Tiếp tục đối mặt khó khăn lớn

Đang thấm đòn vì Covid-19, giới địa ốc lại vật vã vì sắp tháng "cô hồn"; Nỗi sợ tháng “cô hồn": Mua bán BĐS ế ẩm, có môi giới “đá" thêm chạy Grab... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.

Đang thấm đòn vì Covid-19, giới địa ốc lại vật vã vì sắp tháng "cô hồn"; Nỗi sợ tháng “cô hồn": Mua bán BĐS ế ẩm, có môi giới “đá" thêm chạy Grab... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.

Nỗi sợ tháng “cô hồn": Mua bán BĐS ế ẩm, có môi giới “đá" thêm chạy Grab

Ông Vũ Sinh Nhật - Sàn giao dịch bất động sản Housing Xinh cho biết, giao dịch bất động sản trong tháng Ngâu thường bị ảnh hưởng rất nhiều.

“Người ta quan niệm tháng Ngâu là tháng “cô hồn”, tháng 7 là tháng “thất bát”... nên hay kiêng kỵ mua những tài sản lớn như nhà cửa, bất động sản đầu tư”, ông Nhật nhận xét.

Về câu chuyện nhiều môi giới “chơi dài" những tháng Ngâu, ông Nhật cho biết, cũng tuỳ từng người. Theo vị này, nếu là đội ngũ chuyên viên tư vấn, họ thường tận dụng thời điểm này đi học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm, tìm thêm các sản phẩm. Còn đối với các môi giới đơn thuần, đặc biệt những người không sâu sát với nghề, không có nhiều kinh nghiệm, ít khách thì có người “đá" thêm chạy Grab hoặc làm việc gì đó khác lúc thời gian rảnh.

Đang thấm đòn vì Covid-19, giới địa ốc lại vật vã vì sắp tháng "cô hồn"

Trao đổi với Dân trí, ông Bùi Văn Doanh - Viện trưởng Viện nghiên cứu bất động sản cho biết, nói chung nhiều người cũng không còn quá câu nệ về tháng Ngâu trong việc mua nhà.

“Nhưng vì là tháng mưa nên cũng có gây trở ngại cho thực hiện giao dịch về bất động sản, nhất là khi mua nhà xong thường phải sửa chữa lại thì mưa gió rõ ràng là một trở ngại”, ông Doanh nói.

“Đặc biệt tháng 7 âm lịch lại là tháng có lễ xá tội vong nhân, dân gian gọi là tháng cô hồn nên nhiều người cũng kiêng mua nhà vào tháng này. Vì vậy giao dịch bất động sản tháng này bao giờ cũng trầm lắng”, ông Doanh cho biết thêm.

Một giám đốc sàn bất động sản ở Hà Nội cho biết, Covid-19 khiến thị trường bất động sản suốt trong những tháng đầu năm chịu cảnh trầm lắng, vô số sàn phải đóng cửa. “Độ 1,2 tháng này khách lại rục rịch quay trở lại xem, số lượng bán chưa phải là nhiều thì thời điểm này cùng lúc chúng tôi phải xác định khó khăn cả từ làn sóng Covid-19 thứ hai, cả tháng cô hồn", vị giám đốc chia sẻ.

Làn sóng Covid-19 thứ hai ập đến, bất động sản lại bật chế độ “nghe ngóng"

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, bước sang năm 2020, đại dịch Covid-19 xuất hiện, thị trường bất động sản đón nhiều tín hiệu xấu.

Đến thời điểm đầu tháng 5/2020, khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh thành công, các dự án khắp cả nước lại sôi động trở lại. “Giao dịch diễn ra rất sôi động, nhộn nhịp. Dấu hiệu hồi phục của thị trường bất động sản rất nhanh, rất mạnh”, ông Đính nhận xét.

Theo quan sát của vị chuyên gia này, cho đến sát thời điểm xuất hiện làn sóng Covid-19 thứ hai, thị trường vẫn đang tốt. Nhưng cho đến thời điểm này khi Covid-19 chính thức tái bùng phát, theo ông Đính, nhiều dự án phải tạm ngưng để “nghe ngóng” và “xem xét”.

“Đất vàng" mặt phố Hà Nội, TP.HCM tiếp tục "mất giá", giảm tới 16%

Theo Bộ Xây dựng, trong quý 2/2020, đối với phân khúc mặt bằng cho thuê, không chỉ ở Hà Nội mà cả TP. HCM đều đang gặp khó khăn.
Theo đó, giá thuê nhà mặt phố, nhà riêng tiếp tục giảm tại nhiều quận huyện ở cả hai thành phố. Trong đó, ở Hà Nội giá chào thuê nhà phố, nhà riêng giảm từ 2-7%. Còn tại TP. HCM giảm tới 5-16% so với quý trước.

Thị trường mặt bằng bán lẻ là phân khúc bất động sản chịu ảnh hưởng rất lớn khi đại dịch bắt đầu. Trong báo cáo quý 1/2020, Bộ Xây dựng cho biết, do ảnh hưởng từ đại dịch, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp gặp khó khăn, nhiều mặt bằng bị trả lại hoặc các bên có sự đàm phán, điều chỉnh giảm khoảng 10-30% so với giá thuê trước đây.

Bộ Ngoại giao muốn giữ lại "đất vàng" để liên kết làm tổ hợp cao ốc

Việc Bộ Ngoại giao xin giữ lại 3 cơ sở nhà, đất sau khi có trụ sở mới hơn 4.000 tỷ đồng ở vị trí đắc địa đường Lê Quang Đạo (quận Nam Từ Liêm) đang khiến dư luận xôn xao, đặc biệt là đề xuất được hợp tác với các đối tác bên ngoài để xây dựng tổ hợp căn hộ, văn phòng cho thuê và khách sạn 5 sao tại cơ sở nhà, đất số 2 ngõ 294 Kim Mã, quận Ba Đình (Hà Nội).

Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Ngoại giao tại Tờ trình số 1682/TTr-BNG- CPVNGĐ cơ sở nhà, đất số 2 ngõ 294 Kim Mã có tổng diện tích khu đất là 9.563 m2 (trong đó, diện tích xây dựng nhà là 4.000m2, diện tích còn lại được bố trí làm sân vườn, sân tennis, bể bơi); Khu đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thời hạn sử dụng là 70 năm (1993-2063) và nộp tiền thuê đất hàng năm khoảng 6,5 tỷ đồng.

Nguyễn Khánh (Tổng hợp) - Theo Dân Trí

Link gốc

 

 

 

 

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/bat-dong-san-van-chua-qua-het-van-den-tiep-tuc-doi-mat-kho-khan-lon-a49058.html