Thực trạng về những biến tướng trên đất nông nghiệp cần được ‘dọn sạch’

Những mảnh đất có nguồn gốc là đất nông nghiệp vẫn luôn là ‘miếng bánh ngọt’ được các doanh nghiệp ‘ngó đến’. Hàng nghìn m2 đất nông nghiệp chốc lát biến thành khu du lịch lộng lẫy hay xây dựng nhà xưởng…

Đã đến lúc ngành chức năng cần nhìn vào thực trạng và có giải pháp xử lý phù hợp.

Xưởng gỗ trái phép nằm trên đất nông nghiệp suốt 7 năm trời

Đã nhiều năm qua, xưởng gỗ lớn với quy mô hơn nghìn m2 hoạt động trái phép trên đất nông nghiệp và vi phạm hành lang an toàn đê điều tại thôn Mạch Lũng, xã Đại Mạch (huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) nhưng cho đến nay vẫn chưa bị cơ quan chức năng xử lý?

Theo thông tin người dân phản ánh và ghi nhận của PV trên tuyến đê sông Hồng, đoạn đi qua địa phận thôn Mạch Lũng, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội mọc lên một xưởng sản xuất gỗ với quy mô lớn nằm “chễm chệ” ngay dưới chân đê.

Xưởng gỗ thuộc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Chế biến Lâm sản Thăng Long. (Nguồn: PhapluatNet)

Được biết, xưởng sản xuất gỗ này thuộc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Chế biến Lâm sản Thăng Long, do ông Đàm Văn Chuyền (trú cùng địa phương) làm chủ. Xưởng gỗ hoạt động từ năm 2011 cho đến nay, với diện tích khoảng 1274m2.

Theo tìm hiểu của phóng viên, xưởng gỗ xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp này được cho là có nhiều sai phạm liên quan đến đất đai và hành lang an toàn đê điều. Song không hiểu vì sao, suốt 7 năm trời xưởng gỗ này vẫn mặc nhiên hoạt động mà không hề bị cơ quan chức năng và chính quyền các cấp cưỡng chế, tháo dỡ?

Xưởng gỗ xây dựng trên đất nông nghiệp nằm to “chềnh ềnh” dưới chân đê. (Nguồn: PhapluatNet)

Bên cạnh những sai phạm trên, hoạt động của xưởng gỗ thuộc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Chế biến Lâm sản Thăng Long còn không đủ điều kiện An toàn Phòng cháy chữa cháy.

Phải chăng chính quyền huyện Đông Anh bao năm nay không hề nhìn thấy xưởng gỗ to “chềnh ềnh” này?

Qua đây có thể thấy được công tác quản lý đất nông nghiệp đang bị thờ ơ trong công tác quản lý của các lãnh đạo địa phương. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng huyện Đông Anh cần sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý đúng quy định pháp luật đối với doanh nghiệp này, đồng thời xử lý thật nghiêm người đương nhiệm lãnh đạo địa bàn này từ nhiệm kỳ trước.

Tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp?

Một khu du lịch mang tên Baria Garden được chủ đầu tư cho xây dựng nhiều hạng mục công trình trên hàng nghìn m2 đất nông nghiệp. Nhưng điều mà người dân “buồn và giận” nhất có lẽ không phải là dự án này bị UBND huyện Châu Đức chỉ đạo xử phạt và khôi phục tình trạng ban đầu. Buồn và giận ở đây là sự “thờ ơ” thiếu trách nhiệm trong quản lý đất đai, quản lý địa bàn, bởi một dự án xây dựng với một quy mô như vậy mà người được giao quản lý lại không kịp thời nắm bắt, xử lý kịp thời…để đến khi người dân và cơ quan báo chí lên tiếng thì mới “kéo nhau” đến lập biên bản xử phạt, yêu cầu xử lý “trên giấy”.

Cụ thể, ngày 12/5/2020, ông Lê Thanh Liêm – Phó chủ tịch UBND huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã ban hành văn bản số 1872 chỉ đạo xử lý việc sử dụng đất tại khu đất đã được xây dựng dự án mang tên Khu du lịch Baria Garden.

UBND huyện Châu Đức yêu cầu UBND xã Bàu Chinh lập biên bản và xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai đối với các cá nhân đứng tên trên khu đất và buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu của khu đất.

Trước đó, ngày 26/2/2020, UBND xã Bàu Chinh đã có báo cáo số 75 gửi các cơ quan chức năng huyện Châu Đức báo cáo về tình hình sử dụng đất không đúng mục đích sử dụng đất ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp tại xã Bàu Chính.

Qua kiểm tra, UBND xã Bàu Chính phát hiện và lập biên bản hiện trạng 1 trường hợp đang điến hành đầu tư xây dựng hạng mục công trình vui chơi, giải trí trên đất nông nghiệp thuộc thửa đất số 131 tờ bản đồ số 14, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất số BU 710143 cho ông Nguyễn Công Cường và bà Nguyễn Thị Kim Ngân.

Mục đích sử dụng được ghi theo giấy chứng nhận thể hiện: đất ở 300 m2, đất trồng cây hàng năm khác 7.356 m2.

Hiện trên khu đất có các hạng mục đầu tư xây dựng công trình gồm: khu nhà ở nghỉ dưỡng với diện tích 300 m2, đang xây dựng; khu nhà dịch vụ ăn uống với diện tích 75 m2, đã thi công xong;

5 căn nhà lục giác dùng để nghỉ chân (mỗi căn 13 m2, trong đó một căn đã thi công xong, 4 căn đang thi công phần móng); 3 căn nhà gỗ tổng diện tích 52 m2, đã thi công xong);

Khu du lịch Baria Garden với nhiều hạng mục được xây dựng trên đất nông nghiệp

Khu hồ bơi diện tích 150 m2 và hồ nuôi cá với diện tích 126 m2, đã thi công xong và đang nuôi cá. Ngoài ra khu đất trên đã xây dựng đường nội bộ đi tham quan có diện tích 1.290 m2, khu vui chơi thiếu nhi…

Thông tin báo chí, ông Nguyễn Công Cường – UBND xã Bàu Chinh đã đồng ý với hành vi sử dụng đất trên là không đúng với quy định của pháp luật về đất đai, cụ thể là hành vi chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất phi nông nghiệp (thương mại, dịch vụ) với tổng diện tích 1.706 m2.

Về việc này, Phòng TNMT huyện Châu Đức cũng đã có văn bản kiến nghị UBND huyện Châu Đức giao trách nhiệm cho UBND xã Bàu Chinh lập thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với ông Nguyễn Công Cường và bà Nguyễn Thị Kim Ngân vì đã có hành vi “chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất phi nông nghiệp không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép”.

Được biết, ông Nguyễn Công Cường và bà Nguyễn Thị Kim Ngân từng là chủ Công ty cổ phần Địa ốc Kim Phát và Công ty cổ phần Đầu tư Việt Hưng Phát. Hai công ty này từng vướng một số lùm xùm với khách hàng liên quan tới một số dự án tại Đồng Nai và Long An.

Khai thác trái phép hàng vạn khối đá, doanh nghiệp bị phạt 240 triệu

Ngày 29/7, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cho biết, UBND tỉnh vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 240 triệu đồng đối với Công ty TNHH Xây dựng Tín Thái, chủ mỏ đá thôn Gần Reo (xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng).

Công ty này đã có hàng loạt vi phạm như khai thác ngoài ranh giới cấp phép với diện tích 1.600m2; ước khối lượng đá xây dựng nguyên khối đã khai thác 22.400m3, tương đương 33.040m3 đá sau nổ mìn.

Quá trình khai thác, công ty này không thực hiện đúng các thông số của hệ thống khai thác theo hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công công trình xây dựng mỏ đã được phê duyệt

Công ty TNHH Xây dựng Tín Thái còn sử dụng diện tích 9.000m2 đất để đặt trạm cân, thiết bị máy móc, phương tiện vận chuyển và đường nội bộ nhưng không làm thủ tục thuê đất theo quy định.

Ngoài ra, chủ mỏ còn tự ý chuyển mục đích sử dụng đất diện tích 4.121m2 từ đất sản xuất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn.

Ngoài việc xử phạt 240 triệu đồng, UBND tỉnh Lâm Đồng còn buộc Công ty TNHH Xây dựng Tín Thái nộp lại hơn 380 triệu đồng thu lợi bất hợp pháp từ việc khai thác 33.040m3 đá (sau nổ mìn) ngoài ranh đã được cấp phép.

Hiện trường một vụ khai thác đá có hành vi vi phạm ở Lâm Đồng (Kim Anh – Báo Tiền phong)

UBND tỉnh cũng yêu cầu chủ mỏ phải khai thác đúng các thông số của hệ thống khai thác theo hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công công trình xây dựng mỏ đã được phê duyệt; khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất như trước khi vi phạm và thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, thuê đất đối với các diện tích đất nêu trên theo quy định.

Hữu Thắng (Tổng hợp) - Nguồn KTNT

Link gốc

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/thuc-trang-ve-nhung-bien-tuong-tren-dat-nong-nghiep-can-duoc-don-sach-a48371.html