Nhiều vi phạm trên thị trường chứng khoán vào tầm ngắm xử phạt nặng

Cùng với tăng nặng hình phạt, nhiều hành vi vi phạm mới trên TTCK sẽ bị xử phạt theo đề xuất của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) trong dự thảo Nghị định tới đây. 

Cùng với tăng nặng hình phạt, nhiều hành vi vi phạm mới trên TTCK sẽ bị xử phạt theo đề xuất của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) trong dự thảo Nghị định tới đây. 

Thao túng sẽ chịu án phạt nặng hơn

Cũng như nhiều TTCK trên thế giới, giao dịch nội gián, thao túng là hành vi vi phạm nghiêm trọng, tác động xấu đến niềm tin, tính minh bạch, công bằng trên thị trường.

Trên TTCK Việt Nam, mặc dù UBCK và cơ quan công an thường xuyên phối hợp triển khai các biện pháp đấu tranh, nhưng các trường hợp thao túng vẫn xuất hiện và có diễn biến ngày càng phức tạp.

Một trường hợp thao túng giá chứng khoán vừa bị UBCK phát hiện và xử phạt xuất hiện yếu tố mới. Theo đó, thay vì cách làm thông thường là vi phạm của các cá nhân đơn lẻ, thì nay xuất hiện mối liên quan giữa tổ chức và cá nhân.

Cụ thể, vào đầu tháng 7, UBCK đã công khai quyết định xử phạt 1,2 tỷ đồng đối với CTCP Tập đoàn Tân Thành Ðô và 550 triệu đồng đối với ông Ngô Văn Cường, đều ở TP. HCM do đã sử dụng 22 tài khoản để giao dịch nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu CTF của CTCP City Auto đang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM…

Trước tình trạng giao dịch thao túng diễn biến phức tạp, nhà đầu tư, chuyên gia trông đợi cơ quan quản lý sẽ mạnh tay hơn trong việc đưa ra các chế tài xử lý, để đảm bảo tính răn đe trong quá trình đang xây dựng chế tài xử phạt mới.

z-a_xlzt

Dự thảo Nghị định quy định mức phạt tiền bằng 10 lần khoản thu trái pháp luật, nhưng không thấp hơn 3 tỷ đồng đối với tổ chức, 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.

Trao đổi với phóng viên Ðầu tư Chứng khoán, đại diện UBCK cho biết, tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK thay thế Nghị định 108/2013/NÐ-CP, Nghị định 145/2016/NÐ-CP sửa đổi một số điều của 108/2013/NÐ-CP, đang được lấy ý kiến rộng rãi của công chúng, Ban soạn thảo đã đưa ra nhiều chế tài mới theo hướng tăng nặng đối với hành vi thao túng giá chứng khoán.

Theo đó, đối với hành vi thao túng, giao dịch sử dụng thông tin nội bộ theo quy định tại Luật Chứng khoán 2019, dự thảo Nghị định quy định mức phạt tiền bằng 10 lần khoản thu trái pháp luật, nhưng không thấp hơn 3 tỷ đồng đối với tổ chức, 5 lần khoản thu trái pháp luật nhưng không thấp hơn 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.

Ðặc biệt, chế tài mới còn quy định về hình thức xử phạt bổ sung mang tính răn đe là đình chỉ giao dịch chứng khoán từ 1-2 năm, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề từ 1-2 năm với đối tượng vi phạm.

Ðiểm mới đáng chú ý nữa là dự thảo bổ sung chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm cho người khác mượn tài khoản để giao dịch chứng khoán, đứng tên sở hữu chứng khoán hộ người khác dẫn đến hành vi thao túng TTCK...

Dự thảo cũng bổ sung chế tài xử phạt với hành vi bị cấm quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền (tài khoản vô danh, sửa dụng tên giả); bổ sung thêm hành vi để đảm bảo thực thi các thẩm quyền thu thập thông tin phục vụ thanh kiểm tra và xử lý vi phạm của UBCK như: hành vi không giải trình, không đến làm việc theo yêu cầu của người có thẩm quyền...

Ðưa vào văn bản luật nhiều hành vi vi phạm mới

Cùng với gia tăng chế tài xử phạt các hành vi vi phạm nghiêm trọng trên TTCK, điểm mới đáng chú ý tại dự thảo là bổ sung nhiều hành vi vi phạm mới vào đối tượng bị xử phạt.

Liên quan đến hoạt động chào bán, phát hành chứng khoán, dự thảo bổ sung hành vi và chế tài xử phạt vi phạm quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức riêng lẻ; vi phạm thực hiện chuyển nhượng chứng khoán chào bán riêng lẻ trái pháp luật của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Cùng với đó là bỏ quy định phạt tiền từ 1 lần đến 5 lần khoản thu trái pháp luật đối với chào bán chứng khoán ra công chúng khi chưa có giấy chứng nhận, do điều khoản này đã được bỏ tại Luật Chứng khoán 2019.

Về vi phạm quy định mua lại cổ phiếu, chào mua công khai, dự thảo bổ sung hành vi, chế tài và biện pháp khắc phục hậu quả liên quan đến hoạt động mua lại cổ phiếu của tổ chức phát hành, sửa đổi hành vi và tăng mức phạt tiền đối với một số vi phạm quy định về chào mua công khai như: không bảo đảm việc tăng giá chào mua được áp dụng đối với tất cả các cổ đông của công ty mục tiêu hoặc nhà đầu tư của quỹ đầu tư mục tiêu; không chỉ định một công ty chứng khoán làm đại lý thực hiện việc chào mua công khai; thực hiện chào mua công khai khi chưa được tổ chức, cá nhân chào mua công bố công khai việc chào mua theo phương thức pháp luật quy định...

Liên quan đến nghĩa vụ của công ty đại chúng và quản trị công ty đại chúng, dự thảo Nghị định bổ sung chế tài mới theo hướng chia nhỏ các khung phạt tiền đối với hành vi chậm đăng ký công ty đại chúng; bổ sung hành vi không nộp hồ sơ hủy tư cách đại chúng; vi phạm về thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng.

Sửa đổi các hành vi vi phạm quy định về quản trị công ty đại chúng theo hướng quy định chi tiết các hành vi vi phạm, làm rõ các hành vi có thể ảnh hưởng đến quyền của cổ đông như tổ chức Ðại hội đồng cổ đông, giao dịch giữa công ty với bên liên quan của cán bộ quản lý...

Ðặc biệt, dự thảo đề xuất tăng khung phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm quy định về  niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán.

Theo đó, mức phạt tiền ở mức tối đa trong lĩnh vực chứng khoán đối với hành vi tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán trái quy định pháp luật, bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ website, phần mềm, hệ thống giao dịch và thiết bị sử dụng để thực hiện vi phạm; bổ sung hành vi không thực hiện các biện pháp cảnh báo, kiểm soát, hạn chế giao dịch chứng khoán theo quy định.

Ðối với hoạt động của tổ chức kinh doanh chứng khoán và người hành nghề, cơ quan quản lý đề xuất bổ sung một số hành vi mới theo quy định của Luật Chứng khoán gồm: tiến hành hoạt động kinh doanh chứng khoán trước ngày chính thức hoạt động; không thực hiện hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ chứng khoán với danh nghĩa của chính mình; cung cấp dịch vụ chứng khoán không phù hợp với nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán được cấp phép...

Nếu như hành vi thao túng giá cổ phiếu diễn ra khá âm thầm, thì hành vi lạm dụng thông tin nội bộ để giao dịch cổ phiếu diễn ra khá phổ cập trên thị trường.

UBCK đã ban hành nhiều quyết định xử phạt các lãnh đạo doanh nghiệp, người có liên quan đến các chức danh quản lý tại doanh nghiệp, đã vi phạm các quy định về báo cáo thông tin liên quan đến giao dịch cổ phiếu.

Chẳng hạn, mới đây UBCK đã phạt ông Kakazu Shogo, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc CTCP PGT Holding (PGT- HNX) 22,5 triệu đồng báo cáo không đúng thời hạn về kết quả thực hiện giao dịch.

Ông Kakazu Shogo bán 829.021 cổ phiếu PGT từ ngày 5/12/2018 đến ngày 7/12/2018, nhưng đến ngày 3/1/2019, HNX mới nhận được báo cáo về kết quả thực hiện giao dịch của ông này.

Nhiều nhà đầu tư đại chúng từng đặt câu hỏi: phải chăng người có thông tin tại doanh nghiệp đã lợi dụng ưu thế nắm bắt thông tin sớm, sâu về nội tình hoạt động của doanh nghiệp để tiến hành các giao dịch thu vén lợi ích cho mình?

Không chỉ các lãnh đạo doanh nghiệp, mà người có liên quan của lãnh đạocũng thường xuyên vi phạm về giao dịch cổ phiếu.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc (Hà Nội), người có liên quan đến ông Nguyễn Thanh Huyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Tổng công ty công trình đường sắt (RCC- UPCoM) vừa bị phạt 20 triệu đồng do báo cáo không đúng thời hạn về kết quả thực hiện giao dịch.

Theo đó, ngày 13/3/2019, ông Ngọc đã bán 54.837 cổ phiếu RCC, nhưng đến ngày 21/3/2019, HNX mới nhận được báo cáo kết quả giao dịch của ông...

Ðể khắc phục tình trạng trên, đại diện UBCK cho biết, các vi phạm về giao dịch của cổ đông sáng lập, cổ đông lớn, người nội bộ và người có liên quan, dự thảo Nghị định sửa đổi theo hướng quy định các khung phạt có mức phạt tiền tăng dần theo giá trị giao dịch vi phạm.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là làm thế nào để tạo nên văn hóa minh bạch của DN cũng như người lãnh đạo DN thì mới có thể chặn đi những hành vi cố tình vi phạm, khi mà khoản lợi ích cá nhân thu được lớn hơn rất nhiều số tiền phạt phải bỏ ra.

UBCK quyết tâm cải thiện khả năng quản lý và minh bạch trên TTCK

z-b_felu

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Việc xử phạt các trường hợp vi phạm diễn ra nhanh hay chậm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có việc phát hiện và phân tích vụ việc của cơ quan quản lý. Ðể có căn cứ xử phạt, việc chứng minh được một vụ giao dịch nội gián tốn nhiều thời gian, rất phức tạp. Ðiều này cũng tương tự với hành vi thao túng giá chứng khoán, tuy thời gian có ngắn hơn.

Với một số hành vi vi phạm, việc phát hiện và xử lý được ngay như: vi phạm quy định về quản trị công ty, công bố thông tin...

Các loại hình vi phạm trên TTCK, nhất là các vi phạm cố tình mà có yếu tố hình sự diễn ra ngày càng tinh vi.

Theo quy định mới tại Luật Chứng khoán 2019, cơ quan quản lý được trao quyền trong tiếp cận các thông tin về trao đổi qua điện thoại, sự biến động của dòng tiền..., nên sẽ tạo thuận lợi cho UBCK trong công tác điều tra, xử lý. Bởi vậy, thời gian xử lý sẽ được rút ngắn khi cơ chế mới có hiệu lực trong thời gian tới.

UBCK đang chuẩn bị các biện pháp để tổ chức triển khai các quy định mới về xử lý vi phạm đảm bảo hiệu quả. Trong đó, tập trung đổi mới công nghệ, cũng như kỹ năng quản lý, giám sát.

Việc phòng, chống vi phạm lúc nào cũng cam go, nên đây là nhiệm vụ thường xuyên, nếu không cố gắng thì khó đạt mục tiêu đề ra. UBCK quyết tâm cải thiện khả năng quản lý và minh bạch trên TTCK trong thời gian tới.

(Theo Tin nhanh Chứng khoán)

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/nhieu-vi-pham-tren-thi-truong-chung-khoan-vao-tam-ngam-xu-phat-nang-a48079.html