Chelsea có chơi tệ trong trận chung kết FA Cup trước Arsenal? Câu trả lời là không. Hoặc giả dụ Chelsea chơi kém, thì Arsenal cũng không khá hơn nhiều. "Pháo thủ" còn bị ép trong 1/3 thời gian đầu hiệp 1 và có hiệp 2 thi đấu như... ru ngủ.
Ngược lại, Chelsea khởi đầu đầy ấn tượng, có bàn thắng sớm, và thua chung cuộc. Đó là kịch bản rất quen. 12 lần thất bại ở Ngoại hạng Anh hay 2 lần thua ở Champions League của thầy trò HLV Frank Lampard có điểm chung. Đó là họ luôn đi trước và về sau.
Thua 1, 2 trận, đó là hiện tượng. Còn thua chục trận như vậy, đó dường nh là bản chất. Trở lại với trận chung kết, Lampard để Chelsea đá sơ đồ 3-4-3 đầy trận trọng. Đội bóng áo xanh lên bóng cơ động nhờ hàng tiền vệ gồm Kovacic, Jorginho, Alonso hay James, nhưng việc đẩy quá cao đội hình khiến Chelsea dễ dàng sập bẫy đối thủ.
Pha phất bóng dài cho Aubameyang chạy chỗ không phải bài tấn công đặc sắc của Arsenal. Lampard có dư thời gian cùng học trò chuẩn bị đối phó với miếng đánh này, song Azpilicueta - điểm tựa chắc chắn nhất hàng thủ vẫn mắc lỗi. Bàn thua thứ hai trong hiệp 2 cũng không phải pha tấn công quá ấn tượng.
Arsenal cũng không cần chơi hay để hạ Chelsea. Họ chỉ cần mắc ít sai lầm hơn. Chelsea có thể chê trách trọng tài khi thủ môn đối phương dường như đã chơi bóng bằng tay ngoài vòng cấm địa, nhưng với chừng ấy sai lầm mắc phải, thất bại là khó tránh khỏi.
Chấn thương bất ngờ của Azpilicueta và Pulisic khiến Lampard "vỡ" chiến thuật. Đây cũng là thiếu sót nữa của chiến lược gia trẻ tuổi người Anh. Chelsea luôn thiếu kế hoạch B. Khi phương án đầu không phát huy hiệu quả, Chelsea dễ lúng túng.
Việc hiếm khi ngược dòng thành công mùa này không chỉ cho thấy sự non nớt của cầu thủ trẻ, mà còn là chiến thuật có phần đơn điệu của Lampard. Để trở thành "cáo già", giỏi xoay chuyển cục diện như Jose Mourinho, Lampard cần thời gian.
Chelsea có thể tiếc nuối khi đội bóng này có hành trình quá đẹp ở FA Cup. Thắng đội mạnh nhất nước Anh là Liverpool, đè bẹp Manchester United đang hưng phấn - đều với cách biệt 2 bàn. Nhưng như đặc tính thường thấy của đội bóng trẻ, Chelsea có thể thắng và thua bất cứ lúc nào.
James, Mount, Zouma, Hudson-Odoi hay Abraham cần nhiều lần vấp ngã cay đắng để "trải sự đời". Biết đâu đấy, những thất bại sẽ giúp cầu thủ nhớ lâu hơn.
Trong cuốn tự truyện "Tôi tư duy tức là tôi chơi bóng", Andrea Pirlo đúc rút rằng những lần thua trận sẽ rất tốt cho cầu thủ, bởi "khi thua, bạn ngẫm nghĩ, còn khi thắng, bạn chỉ muốn uống cho thỏa". Trận thua tan nát 0-4 trước MU ở vòng mở màn giúp Chelsea bùng nổ sau đó, hay sau thất bại 0-3 trước Bayern Munich là 6 trận bất bại trên mọi đấu trường.
Từ ngày 25/9/2019 đến nay, Chelsea không bao giờ thua 2 trận liên tiếp. Cứ sau 1 thất bại là 1 chiến thắng hoặc 1 trận hòa. Chelsea hiếm khi rơi vào khủng hoảng phong độ. Đội chủ sân Stamford Bridge vấp ngã, rồi đứng dậy rất nhanh.
Tất nhiên, cú ngã ở chung kết FA Cup sẽ đau đớn hơn nhiều, nhất là thua trước đối thủ không đội trời chung ở thành London. Song vương triều Chelsea của Lampard không được xây dựng chỉ cho một trận đánh.
Lampard có ít nhất 3 năm để đặt dấu ấn. Phía trước Chelsea vẫn là khoảng trời mênh mông, nếu đội bóng áo xanh đủ sức đứng lên và tiến bước.
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/chelsea-thua-chung-ket-fa-cup-tuoi-tre-chua-trai-su-doi-a47712.html