Dư địa và tỷ lệ hấp thụ bất động sản hạng sang rất tốt
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, từ năm 2018 đến nay, tại Hà Nội ghi nhận có gần 2.800 sản phẩm cao cấp và hạng sang được giao dịch thành công, còn tại TP.HCM là hơn 12.000 sản phẩm. Riêng năm 2019, Hà Nội có 1.597 sản phẩm cao cấp và hạng sang giao dịch thành công, TP.HCM là gần 5.000 sản phẩm.
Gần đây, nguồn cung sản phẩm bất động sản giảm mạnh, trong đó sản phẩm hạng sang cũng không ngoại lệ, tuy nhiên lượng giao dịch thành công lại đạt 81%, chiếm 25% tổng lượng hàng trên thị trường. Điều đó cho thấy nhu cầu bất động sản hạng sang vẫn còn rất lớn.
Về vai trò và sức hút của phân khúc này, ông Nguyễn Văn Đính nhìn nhận: “Sự xuất hiện trên thị trường của bất động sản hạng sang đã góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị, giúp đô thị khang trang, hiện đại và đẹp đẽ hơn. Quan trọng hơn là đã cho thấy nhu cầu sống của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao”.
Còn theo GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường phân tích, các đây 10 năm, các nhà phát triển bất động sản đã phát triển sản phẩm hạng sang nhưng chưa chú trọng đến đúng tiêu chí của cao cấp nên lượng tồn kho khá lớn.
Tuy nhiên, từ sau năm 2014 trở đi, khi thị trường bất động sản phục hồi, một số nhà đầu tư đã tập trung vào phân khúc bất động sản hạng sang với những góc nhìn nhận khác nhau về giá trị "hạng sang".
Điển hình như Tập đoàn Tân Hoàng Minh muốn tạo lập các bất động sản nhà ở hạng sang, lấy trọng tâm là sự khác biệt về vật liệu và các vị trí đất "vàng" trên các phố trung tâm. Tập đoàn Vingroup lại quan tâm tới dạng các villa đầy đủ tiện nghi cho cuộc sống gắn với môi trường nước, cây xanh hấp dẫn, hạ tầng kỹ thuật thông minh và hạ tầng xã hội đầy đủ.
Tập đoàn Văn Phú - Invest quan tâm đến việc phát triển dự án dành riêng cho giới thượng lưu thông qua sự tỉ mỉ từng chi tiết, thiết kế dinh thự mang phong cách tân cổ điển châu Âu, cùng tòa tháp cao tầng phủ kính mang hơi thở đương đại. Tập đoàn Sun Group lại quan tâm tới các loại bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng hạng sang hòa vào thiên nhiên nguyên thủy. Xu hướng này đang kích thích sự sáng tạo ra các dạng thức bất động sản hạng sang mới với tính hấp dẫn cao hơn.
Trước làn sóng phát triển ấy, GS. Võ đã có những lý giải vì sao doanh nghiệp lại chọn "hạng sang" làm hướng đi cho mình: “Hiện nay, việc tiếp cận đất đai khó, nên đầu tư sao cho mật độ vốn đầu tư trên một mét vuông đất càng cao càng có lợi. Bên cạnh đó, một dự án có vốn đầu tư lớn luôn có lợi nhuận kỳ vọng cao hơn. Ngoài ra, nguồn cầu hiện nay có thể còn thấp, nhưng sẽ tăng mạnh trong tương lai cùng với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ngày càng cao”.
Cùng quan điểm, ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) dẫn số liệu trong báo cáo của Knight Frank cho biết, Việt Nam có 12.327 triệu phú USD vào năm 2018, tăng 23% so với cách đó 5 năm. Dự báo đến năm 2023, số lượng triệu phú USD của Việt Nam sẽ tăng lên 15.776 người. Nhu cầu và sự sẵn sàng chi trả của tầng lớp này ngày càng cao, đặc biệt là với chốn an cư. Đây chính là nguồn cầu thúc đẩy sản phẩm bất động sản hạng sang tăng mạnh trong tương lai.
Linh hồn của bất động sản hạng sang chính là giá trị văn hoá
Thị trường bất động sản thế giới đang phát triển hướng tới những căn nhà thông minh trong đô thị thông minh. Theo các chuyên gia, đây chính là cơ sở để cộng đồng doanh nhân Việt có thể làm chủ công nghệ thế hệ thứ tư để tạo dựng bất động sản hạng sang thông minh, đạt chuẩn quốc tế tại Việt Nam.
Nếu trước đây, căn hộ hạng sang chỉ đơn thuần là bề thế, đồ sộ, xa hoa hay đắt tiền thì nay, sản phẩm bất động sản hạng sang bên cạnh những vai trò đó thì còn cần phải kiến tạo được môi trường sống xanh, văn minh, tiện tích và giàu văn hóa.
Theo ông Đỗ Viết Chiến, bất động sản hạng sang phải thỏa mãn được nhu cầu về mặt văn hóa của cư dân hạng sang. "Tầng lớp tinh hoa là những người từng trải, họ không chỉ giàu về vật chất mà còn là những người có vốn kiến thức sâu rộng, am hiểu về nghệ thuật, xu hướng. Họ muốn nơi mình sống phải được trau chuốt công phu, có dấu ấn khác biệt và đặc biệt là sự riêng tư", ông Chiến phân tích.
Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh: “Xây dựng căn hộ hạng sang nhưng cũng cần tạo ra được văn minh văn hoá trong chung cư và trong khu đô thị. Tức là phải thiết kế, tạo ra các không gian ra sao để không chỉ đón nguồn khách mua để ở mà còn đón nguồn khách thuê để ở. Bởi, thống kê 10 năm gần đây cho thấy, giá cho thuê căn hộ của Việt Nam rất cao, cao hơn nhiều so với một số quốc gia lân cận”.
Tương tự, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh đời sống ngày một phát triển thì cũng cần những quy chuẩn xem sự phát triển văn hóa cần đạt chất lượng ra sao cho phù hợp. "Với cuộc sống chung cư cao tầng cũng vậy, không phải cứ nhiều tiền là có văn hóa, nhiều tiền mua biệt thự, chung cư đắt tiền nhưng lại thiếu văn hóa, có những quan điểm không phù hợp, gây khó khăn cho người xung quanh thì đó là điều mà các nhà xây dựng, phát triển bất động sản cần quan tâm", nữ nhà văn chia sẻ.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Đoàn Châu Phong, Tổng Giám đốc Văn Phú - Invest cho rằng, xã hội ngày nay có rất nhiều người giàu, từ doanh nhân, trí thức, nhà khoa học, cũng không loại trừ những người giàu thông qua sự ăn may, thông qua mánh khóe… nhưng cơ bản thì người giàu là người có tài. Do đó, theo ông Phong, bất động sản hạng sang là dòng sản phẩm dành cho người giàu và người giàu có văn hóa, đồng thời, lấy đây làm căn cứ để có những luận điểm, định hướng xây dựng, phát triển thị trường bất động sản.
Ông Phong cho biết: “Khi làm các dự án hạng sang cho khách hàng thuộc giới thượng lưu nhà phát triển phải quan tâm xem khách hàng cần vấn đề gì, khi khách hàng đến mua nhà họ sẽ quan tâm điều gì và đặc biệt là khi vào ở thì khách hàng có những nhu cầu gì. Đây là yếu tố cơ bản, nếu không làm được thì không nên theo đuổi phân khúc này bởi nó cũng sẽ dễ khiến doanh nghiệp rủi ro về vốn và thanh khoản”.