Nhớ lại hội thảo khoa học "Dân ta phải biết sử ta"

Ngẫm lại, trong đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết thư chúc mừng hội thảo như đã viết cho Báo Người Lao Động, chắc không nhiều

Ngẫm lại, trong đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết thư chúc mừng hội thảo như đã viết cho Báo Người Lao Động, chắc không nhiều

Chuyện đã qua gần 15 năm rồi, nhưng các trang mạng vẫn còn lưu. Năm 2006, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận cho rằng việc có hàng ngàn điểm 0 môn lịch sử trong kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua "là bình thường".

Nghe thông tin này, dư luận khá xôn xao. Sau đó, Bộ GD-ĐT công bố 6 môn thi tốt nghiệp gồm: toán, ngữ văn, ngoại ngữ, địa lý, sinh học và hóa học, không có môn lịch sử. Trả lời báo giới về vấn đề này, ông Trần Văn Nghĩa, Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết các môn thi tốt nghiệp hoàn toàn được bốc thăm xác suất, không có bất kỳ sự can thiệp, do vậy năm nay không có môn lịch sử trong danh sách thi cũng là bình thường.

Biết được tin đó, rất nhiều học sinh đã bày tỏ thái độ vui mừng bằng cách tập trung ngoài hành lang lớp học hò hét và đồng loạt xé tài liệu ôn thi môn lịch sử tung xuống sân trường cứ như ngày hội của loài bươm bướm. Mấy ngày sau, đoạn clip này được đưa lên mạng, dư luận thực sự bức xúc cho cái học xứ mình.

Nhớ lại hội thảo khoa học Dân ta phải biết sử ta - Ảnh 1.

Thư chúc mừng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết cho Báo Người Lao Động

Anh Trần Thanh Hải, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đem bức xúc ấy than thở với tôi. Suy nghĩ một hồi, tôi bàn với anh, Báo Người Lao Động đứng ra tổ chức hội thảo về chuyện này với chủ đề dùng câu thơ của Bác Hồ: "Dân ta phải biết sử ta". Nhưng vấn đề đầu tiên là tiền đâu? Mọi việc, anh giao cho tôi.

Tôi đến gặp người bạn là Võ Thành Tân, Giám đốc Doanh nghiệp Sách Thành Nghĩa. Anh Võ Thành Tân đồng ý tài trợ cho hội thảo này. Tôi về bàn bạc lại với anh Trần Thanh Hải, rồi đến gặp GS-TS Ngô Văn Lệ (Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM) và PGS-TS Võ Văn Sen (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP). Hai anh xuất thân từ khoa lịch sử nên nhiệt tình ủng hộ, sẵn sàng hỗ trợ phần nào kinh phí. Tôi nói kinh phí đã có, chỉ cần các anh vận động cán bộ giảng dạy của trường và bạn bè đóng góp bài vở là tốt rồi. Nhưng nói trước, bài nào báo đăng được hưởng nhuận bút thì khi đưa vào kỷ yếu hội thảo, không nhận nhuận bút lần nữa vì kinh phí tài trợ có hạn. Các anh hoan nghênh và cử PGS-TS Lê Khắc Cường kết hợp với Báo Người Lao Động theo dõi tiến độ.

Tôi đến gặp anh Lê Tôn Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch TP HCM, hỏi vài vấn đề liên quan đến việc đặt tên đường để viết bài tham gia hội thảo. Nghe Báo Người Lao Động tổ chức hội thảo "Dân ta phải biết sử ta", anh thích thú lắm. Theo anh, đây là việc nên làm và cần làm. Chúng tôi trao đổi một lúc và cùng đồng thuận rằng, nếu thế hệ trẻ không biết lịch sử nước nhà, chẳng khác nào đất nước có những người mất gốc và dễ dẫn tới mất nước khi có giặc ngoại xâm. Một thế hệ công dân mất gốc, mất ý thức về dân tộc thì lấy gì giữ nước, dựng nước?

Anh Lê Tôn Thanh gọi anh Quế, Trưởng Phòng Di sản, đến giới thiệu với tôi và giao anh Quế nhiệm vụ nhắc nhở những bộ phận liên quan viết bài tham gia hội thảo.

Sau khi nghe tôi báo cáo về những việc đã làm, anh Trần Thanh Hải đề nghị báo đăng thông báo về hội thảo và mở chuyên mục "Tiến tới hội thảo khoa học Dân ta phải biết sử ta". Tôi chịu trách nhiệm đôn đốc, đặt bài và biên tập thêm chuyên mục này.

Chuẩn bị hội thảo, anh Bùi Bình Thiết, Trưởng Ban Chính trị - Công đoàn chịu trách nhiệm mời Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Nhưng cụ lớn tuổi không thể tham dự được, chỉ viết thư chúc mừng hội thảo. Ngẫm lại, trong đời cụ Đại tướng viết thư chúc mừng hội thảo như đã viết cho Báo Người Lao Động, chắc không nhiều. 

VU GIA - Theo NLĐ
Link gốc

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/nho-lai-hoi-thao-khoa-hoc-dan-ta-phai-biet-su-ta-a46625.html