Theo khung pháp lý của Mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển thế giới được quốc tế công nhận, có bảy tiêu chí chung mà các khu dự trữ sinh quyển phải đáp ứng. Trong cuộc chơi đó, "anh không theo luật chơi của chúng tôi thì xin mời anh đi ra".
Là người có công trong việc đưa Việt Nam vào danh sách bản đồ sinh quyển thế giới, giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Chương trình con người và sinh quyển Việt Nam (MAB Việt Nam/UNESCO) nói về khung pháp lý khu lấn biển Cần Giờ để “trỗi dậy” ở phía Đông Nam TPHCM. Người đứng đầu MAB Việt Nam lưu ý những nguyên tắc pháp lý cần tuân thủ, nếu không muốn một ngày bị tước danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới mà UNESCO trao cho.
Có bảy tiêu chí chung mà các khu dự trữ sinh quyển phải đáp ứng và cần phải tuân thủ |
Phóng viên: Theo quyết định phê duyệt dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ, nhà đầu tư phải tuân thủ chặt chẽ khung pháp lý của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) về dự trữ sinh quyển (DTSQ) rừng ngập mặn Cần Giờ. Cụ thể như thế nào, thưa ông?
Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Hoàng Trí: Theo khung pháp lý của Mạng lưới các khu DTSQ thế giới, khu DTSQ thế giới bao gồm “các hệ sinh thái trên cạn, ven biển/biển hoặc có kết hợp các yếu tố trên, được quốc tế công nhận trong MAB của UNESCO”.
Theo đó, bảy tiêu chí chung mà các khu DTSQ phải đáp ứng, bao gồm: Một, khu DTSQ tập hợp các hệ sinh thái đại diện cho những khu vực địa sinh học lớn, bao gồm cả những khu vực có sự tác động của con người ở những mức độ khác nhau. Hai, có tầm quan trọng cho bảo tồn đa dạng sinh học. Ba, tạo cơ hội khám phá và thể hiện các phương pháp tiếp cận phát triển bền vững ở quy mô khu vực. Bốn, có diện tích phù hợp để đáp ứng được ba chức năng của khu DTSQ. Năm, có đủ các phân vùng thích hợp để thực hiện 3 chức năng của khu DTSQ, gồm vùng lõi, vùng đệm, vùng chuyển tiếp. Sáu, các thỏa thuận mang tính tổ chức cần được cung cấp cho các bên liên quan và các bên tham gia, về một phạm vi phù hợp của mọi thành phần như các cơ quan công quyền, cộng đồng địa phương, và lợi ích riêng trong việc thiết kế và thực hiện các chức năng của khu DTSQ. Bảy, cơ chế quản lý các hoạt động sử dụng của con người tại (các) vùng đệm; chính sách hoặc kế hoạch quản lý cho toàn khu DTSQ; có cơ quan chức năng hoặc cơ chế được thành lập để thực hiện chính sách hoặc kế hoạch quản lý khu DTSQ; có các chương trình nghiên cứu, quan trắc, giáo dục và đào tạo.
Cứ 10 năm một lần, dựa vào bảy tiêu chí trên để đảm bảo các khu DTSQ duy trì và phát triển đúng khung pháp lý.
Hiện, 702 khu DTSQ thế giới trên toàn thế giới đều phải áp dụng đúng khung pháp lý này, không có ngoại lệ.
Mục tiêu cuối cùng của các khu DTSQ thế giới là tạo ra sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên, cũng như giữa con người với con người. Phương châm là bảo tồn cho phát triển và phát triển để bảo tồn. Các khu DTSQ thế giới lấy mục tiêu phát triển bền vững làm mục tiêu của mình, bảo tồn đa dạng sinh học theo công ước CBD, Chiến lược MAB 2015-2025, tầm nhìn 2050 và kế hoạch hành động LIMA 2016 là định hướng cho các hoạt động của các khu DTSQ thế giới.
* Trong trường hợp các tiêu chí này không được đảm bảo thì sao, thưa ông?
- Rất đơn giản. Trong cuộc chơi đó, anh không theo luật chơi của chúng tôi thì xin mời anh đi ra. Có hai hình thức: tự nguyện đi ra, hoặc khuyến cáo đi ra. Tùy mức độ để đưa ra cảnh báo hay tước danh hiệu khu DTSQ thế giới.
Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Hoàng Trí - Ảnh: Sơn Vinh |
* 10 năm mới xét lại để đảm bảo các khu DTSQ duy trì và phát triển đúng khung pháp lý. Xin hỏi ông, liệu có lâu quá không?
- Theo góc nhìn của tôi, 10 năm thì hơi lâu. Đó là mức chung áp dụng cho toàn thế giới. Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, so với những nước phát triển và đã ổn định về mọi thứ thì ở các nước đang phát triển, kém phát triển, trong việc giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, có rất nhiều thách thức đặt ra. Việt Nam là nước đang phát triển, cần rút ngắn lại.
* Có phải ý ông, nếu áp dụng cái chung đó vào nước ta, 10 năm đó chưa đủ cho một sự đánh giá toàn diện?
- Thực ra, nói toàn diện 100% thì không bao giờ có cả. Phải chấp nhận rằng, với cuộc chơi này, ở những nước phát triển, 10 năm đó chỉ là một cái nháy mắt. Với nước kém phát triển, rất khó, vì trong 10 năm ấy, có biết bao nhiêu vấn đề xảy ra đối với người dân của chúng ta. Hơn nữa, lâu hay chóng tùy thuộc mỗi quốc gia.
Nói cho cùng, đó cũng chỉ là công cụ mà ta sử dụng để đất nước mình phát triển đúng hướng. Công cụ ở trong tay ta, vận dụng như thế nào cho phù hợp với thực tiễn đất nước. Tôi hy vọng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) sẽ làm tốt hơn; vì họ có nguồn lực, có con người, có tài chính để làm chuyện đó.
* Hiện dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ đang nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận. Nằm cách vùng lõi khu DTSQ rừng ngập mặn Cần Giờ khoảng 18km và kế cận vùng chuyển tiếp, có một số nhà khoa học bày tỏ sự lo lắng Cần Giờ sẽ trở thành khu vực nhạy cảm có nhiều khả năng chịu tác động. Xin hỏi suy nghĩ của ông?
- Sẽ ảnh hưởng. Nhưng ảnh hưởng mức nào, phải có đánh giá tác động môi trường. Muốn làm điều đó, phải có một đội ngũ để đánh giá, để nghiên cứu. Tôi lấy ví dụ, nếu làm khu lấn biển, thì lấy cát ở đâu đổ vào, đổ vào thì có lấp cửa sông không? Phải có một câu trả lời cho cộng đồng. Ở đây, Bộ TN-MT thay mặt chính phủ phải làm công việc đó.
* Lúc đầu đơn vị thi công tuân thủ nghiêm ngặt các quy định; nhưng sau đó, đẽo cày giữa đường thì sao? Không phải tự nhiên mà dư luận đặt dấu hỏi, thưa ông?
- Điều đó xuất phát từ việc người dân thiếu niềm tin vào cơ quan chuyên môn của Nhà nước. Vì trước anh làm chưa chuẩn, nên giờ anh nói đảm bảo cho dự án, ai tin? Anh phải chứng minh cho người ta thấy anh làm đúng đã.
Tôi nghĩ, độ nhạy cảm của một xã hội được đo bằng mức độ tin cậy của người dân đối với Chính phủ. Nếu tất cả mọi thứ đều công tâm, Chính phủ có làm bất cứ cái gì, người dân cũng đều tin tưởng và ủng hộ.
* Ví dụ, có thể phải bắt đầu từ việc minh bạch bản đánh giá tác động môi trường. Điều đó có cần thiết không?
- Rất cần là đằng khác. Thực ra, đó là yêu cầu chính đáng, được quy định trong luật. Song, việc thay đổi của cả cơ chế cồng kềnh như thế không phải một lúc mà làm ngay được. Có thể họ đã nhìn nhận ra vấn đề nhưng chưa thay đổi được. Tuy nhiên, với những dự án đặc biệt quan trọng mà dư luận đang quan tâm như thế này, yêu cầu minh bạch càng lớn. Chừng nào minh bạch, ta giám sát cũng sẽ dễ dàng hơn.
|
Nước thải ô nhiễm và vận tải biển cũng ảnh hưởng xấu đến sự phân bố loài cũng như đa dạng sinh học ở rừng Cần Giờ - Ảnh: Sơn Vinh |
* Khung pháp lý UNESCO quy định, nếu sự hủy hoại hoặc làm mất trạng thái ban đầu của khu DTSQ do con người, thì hoặc là nước sở hữu sẽ đề nghị ra khỏi danh sách, hoặc phía UNESCO quyết định trước bỏ danh hiệu khu DTSQ của khu vực. Nếu điều đó xảy ra thì sao?
- Chúng ta không mong muốn điều đó xảy ra, nhưng nếu điều đó xảy ra, tôi cho rằng, đó là nỗi nhục của một quốc gia. Nỗi nhục đó không đo đếm được bằng tiền. Thế giới đã công nhận danh hiệu đó, ta không ráng mà giữ cho bằng được, đó là nỗi nhục của chính ta. Cũng chứng tỏ, ta không có năng lực để làm việc đó, cũng không xứng đáng có danh hiệu đó. Cả dân tộc bị nhục, chứ không riêng mỗi Cần Giờ hay TPHCM.
* Ông có cho rằng, điều đó cũng phản ánh trình độ phát triển của một đất nước?
- Điều đó thể hiện trí tuệ của một dân tộc. Nếu có một trình độ cao, ta sẽ không cho phép hoặc để điều đó xảy ra. Danh hiệu là “chiếc vòng kim cô” cho sự phát triển nhưng chính ra, nó cũng là động lực cho sự phát triển.
Một khu DTSQ được hoặc chỉ được gọi là thành công khi và chỉ khi điều phối các thành phần một cách hài hòa các mối quan hệ phức tạp. Các mối liên hệ hài hòa giữa con người với thiên nhiên và giữa con người với nhau được thể hiện trong một xã hội trí tuệ. Đó cũng chính là mục tiêu mà các khu DTSQ thế giới hướng tới.
* Xin cảm ơn ông.
Đậu Dung (thực hiện)
UBND TPHCM sẽ công khai thông tin dự án lấn biển Cần Giờ
Về vấn đề môi trường của dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ, tại buổi họp báo hằng tháng do Văn phòng UBND TPHCM tổ chức chiều 23/7, bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM - cho hay, dự án này đã có ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại hai văn bản về báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Ngày 18/8/2003, bộ có Quyết định 1163 phê duyệt ĐTM với thời điểm ban đầu thực hiện dự án là 600ha. Sau đó, khi dự án mở rộng lên hơn 2.800ha, bộ cũng đã ban hành Quyết định 20 ngày 28/1/2019 phê duyệt ĐTM. “Trong quá trình thẩm định mở rộng điều chỉnh, dự án cũng đã được các cơ quan tư vấn độc lập như Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TPHCM), Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam… Thực hiện theo các quy định hiện hành của Luật Đầu tư và các quy định liên quan, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ”, bà Mai nói. Bà Mai cho biết thêm, ngày 12/6, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 826 phê duyệt điều chỉnh chủ trương dự án mở rộng. Đối với chính quyền TPHCM, theo quy định cũng có những trách nhiệm liên quan. Vì đây là dự án lớn được dư luận quan tâm, nên UBND thành phố sẽ tổ chức một buổi họp để thông tin cụ thể cho báo chí. Quốc Ngọc |
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/giao-su-tien-si-nguyen-hoang-tri-du-an-lan-bien-can-gio-neu-khong-tuan-thu-thi-moi-anh-di-ra-a46222.html