Hé lộ khoản nợ tỷ USD của ông chủ siêu dự án Spirit of Saigon

Áp lực vay nợ của Saigon Glory, bởi vậy, là rất lớn. Không loại trừ khả năng một phần lớn nợ vay mới (trong đó có trái phiếu) được dùng để tái cơ cấu các khoản nợ cũ, có thể thấy rõ phần nào qua việc thay đổi phương án sử dụng vốn vừa được ban hành.

Áp lực vay nợ của Saigon Glory, bởi vậy, là rất lớn. Không loại trừ khả năng một phần lớn nợ vay mới (trong đó có trái phiếu) được dùng để tái cơ cấu các khoản nợ cũ, có thể thấy rõ phần nào qua việc thay đổi phương án sử dụng vốn vừa được ban hành.

Nguồn vốn bí ẩn hàng nghìn tỷ đồng giúp siêu dự án Spirit of Saigon hồi sinh 

Công ty TNHH Saigon Glory vừa công bố việc sửa đổi phương án sử dụng 1.000 tỷ đồng thu được từ việc chào bán trái phiếu SGL-2020.04.

Theo đó, mục đích sử dụng vốn sẽ được chuyển từ “thực hiện các chương trình, dự án của tổ chức phát hành” sang “tăng quy mô vốn hoạt động, thực hiện các chương trình, dự án đầu tư và cơ cấu lại các khoản nợ của tổ chức phát hành”.

Được biết, lô trái phiếu là loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, thời gian đáo hạn là năm 2023 và được bảo đảm bằng tài sản là vốn góp tại Công ty TNHH Saigon Glory cùng các tài sản bảo đảm khác do Đại diện Người sở hữu trái phiếu và Tổ chức phát hành quyết định.

Đối với năm thứ nhất kể từ ngày phát hành, lô trái phiếu này sẽ được tính lãi suất (danh nghĩa/thực tế) là 11%/năm; Từ năm thứ hai trở đi, mức lãi suất sẽ bằng tổng của 4,5%/năm cộng với lãi suất tham chiếu của kỳ tính lãi đó và không thấp hơn 11%/năm.

Tổ chức tư vấn phát hành, đại lý phát hành, đăng ký và lưu ký là CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI), trong khi đơn vị quản lý tài khoản và tài sản đảm bảo là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Danh tính trái chủ không được tiết lộ, chỉ được đề cập là “nhà đầu tư tổ chức trong nước”.

Trước đó, vào các ngày 12, 18, 22/6, Saigon Glory đã phát hành thành công 3 đợt phát hành trái phiếu, thu về 3.000 tỷ đồng trái phiếu với cùng một “motif”. Mặc dù báo cáo của các đợt phát hành trên không nêu cụ thể mục đích sử dụng vốn, dù vậy không loại trừ khả năng nguồn tiền khủng này sẽ được dùng để đầu tư cho The Spirit of Saigon, siêu dự án quy mô 8.600 m2 tại khu Tứ giác Bến Thành.

Như Nhadautu.vn đã đề cập, dự án The Spirit of Saigon được giao cho Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư từ năm 2013, tuy nhiên rơi vào cảnh đình trệ nhiều năm sau đó. Tới tháng 7/2018, Bitexco thành lập công ty con Công ty TNHH Saigon Glory và chuyển dự án về pháp nhân này. Cũng từ thời điểm này dự án sau 6 năm đắp chiếu được rục rịch tái khởi động.

Do vậy, động thái liên tiếp huy động nguồn tiền khủng từ kênh trái phiếu thời gian gần đây đã cho thấy quyết tâm hoàn thành siêu dự án trên của chủ đầu tư. Tuy nhiên các trái chủ cần được tiếp cận sâu hơn với tình hình tài chính của Saigon Glory.

Được biết, tới cuối năm 2019, chủ đầu tư dự án Spirit of Saigon có vốn chủ sở hữu 6.863 tỷ đồng, lỗ luỹ kế 137 tỷ đồng. Đáng chú ý hơn, nợ phải trả tăng mạnh từ 12.600 tỷ đồng lên 20.589 tỷ đồng, gấp 3 lần vốn chủ sở hữu. Doanh nghiệp này đặt kế hoạch tăng vốn lên 8.000 tỷ đồng trong năm nay, nợ vay theo đó cũng sẽ tăng lên 24.000 tỷ đồng. Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Saigon Glory ở mức 27.452 tỷ đồng, dự kiến tới cuối năm 2020 là 32.000 tỷ đồng.

Áp lực vay nợ của Saigon Glory, bởi vậy, là rất lớn; không loại trừ khả năng một phần lớn nợ vay mới (trong đó có trái phiếu) được dùng để tái cơ cấu các khoản nợ cũ, có thể thấy rõ phần nào qua việc thay đổi phương án sử dụng vốn đã được đề cập ở đầu bài.

Nguồn Nhà Đầu Tư
Link gốc

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/he-lo-khoan-no-ty-usd-cua-ong-chu-sieu-du-an-spirit-of-saigon-a45758.html