Phát triển kinh tế đô thị đưa Nhà Bè (Tp.HCM) trở thành quận vào năm 2025

Trong giai đoạn tới, Nhà Bè tập trung thực hiện mục tiêu phát triển huyện Nhà Bè theo hướng đô thị bền vững phù hợp với chủ trương phát triển đô thị thông minh của thành phố; Phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế theo định hướng thương mại – dịch vụ - công nghiệp; chuẩn bị cơ bản các điều kiện để phát triển Nhà Bè sớm trở thành quận của thành phố vào năm 2025.

Phát triển kinh tế đô thị đưa Nhà Bè (Tp.HCM) trở thành quận vào năm 2025

Trong giai đoạn tới, Nhà Bè tập trung thực hiện mục tiêu phát triển huyện Nhà Bè theo hướng đô thị bền vững phù hợp với chủ trương phát triển đô thị thông minh của thành phố; Phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế theo định hướng thương mại – dịch vụ - công nghiệp; chuẩn bị cơ bản các điều kiện để phát triển Nhà Bè sớm trở thành quận của thành phố vào năm 2025.

Tại hội thảo "Phát triển kinh tế đô thị trên địa bàn huyện Nhà Bè" diễn ra mới đây, các chuyên gia, lãnh đạo đã thảo luận các vấn đề liên quan để quyết tâm đến năm 2025 cơ bản đưa Nhà Bè trở thành một của Tp.HCM.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM cho biết, mỗi năm thành phố đóng góp 27 - 28% GDP cả nước nên đòi hỏi phải khai thác hiệu quả tối đa các nguồn lực về đất đai, nhân lực, lợi thế vị trí địa lý…

Trong bối cảnh đó, huyện Nhà Bè được định hướng chuyển từ huyện lên quận nên càng phải phát huy các lợi thế của mình để đóng góp chung vào sự phát triển chung của thành phố cũng như đáp ứng sự mong đợi của người dân trên địa bàn nhằm xây dựng một "đô thị xanh" giữa lòng thành phố.

Trong đó, các dự án BĐS đã và đang được đầu tư trên địa bàn huyện phải hướng đến mục đích chung, vì sự phát triển toàn diện của huyện chứ không phải "mạnh ai người ấy làm" và phải đặt trong sự phát triển chung của thành phố.

Theo ông Võ Phan Lê Nguyễn, Phó chủ tịch UBND Huyện Nhà Bè, trong giai đoạn tới, Nhà Bè tập trung thực hiện mục tiêu phát triển huyện Nhà Bè theo hướng đô thị bền vững phù hợp với chủ trương phát triển đô thị thông minh của thành phố; Phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế theo định hướng thương mại – dịch vụ - công nghiệp; Khai thác mọi tiềm năng và nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và chuẩn bị cơ bản các điều kiện để phát triển Nhà Bè sớm trở thành quận của thành phố.

Cũng qua Hội nghị này, Nhà Bè mời gọi các doanh nghiệp quan tâm đầu tư, thực hiện các dự án trên địa bàn, một số lĩnh vực như:

Về định hướng phát triển nhà ở: tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu đô thị mới Nhơn Đức – Phước Kiển (GS); tạo điều kiện phát triển các dự án phát triển nhà ở dọc trục đường 15B (từ cầu Phú Xuân 2B đến cầu Cần Giờ), các dự án dọc trục đường Nguyễn Hữu Thọ; khuyến khích đầu tư xây dựng các dự án phát triển nhà ở dọc trục hành lang từ đường Nguyễn Bình (ngã giao đường Lê Văn Lương) đến đường Phạm Hùng quy hoạch nối dài tại xã Phước Lộc - tuyến Phạm Hùng này là một phần thuộc trục hành lang kinh tế quy hoạch song song với quốc lộ 50 kết nối Tp.HCM với tỉnh Long An và Tiền Giang; Khu vực quy hoạch đô thị mới phía Bắc xã Phước Kiển (quy mô khoảng 300ha) với định hướng kết nối phía Bắc qua quận 7.

Về định hướng phát triển công trình thủy lợi kết hợp du lịch: Huyện Nhà Bè có lợi thế về hệ thống sông, kênh, rạch nhiều, các tuyến giao thông thủy có thể kết nối đến Bến Bạch Đằng, Cần Giờ và miền Tây Nam Bộ. Do đó, đầu tư các công trình thủy, khai thác quỹ đất dọc các tuyến sông rạch, kết hợp với du lịch đường thủy cũng là một gợi ý đáng được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư.

Khai thác đất đai phát triển du lịch kết hợp phát triển mảng xanh: Khu đất quy hoạch khu công viên văn hóa du lịch (diện tích 166 ha) tại xã Long Thới. Khu này tiếp giáp phía Nam với sông rạch Dơi có chiều dài đường bờ khoảng 1.000m và tiếp giáp phía Bắc với đường giao thông hiện hữu (đường Ngô Quang Thắm, quy mô quy hoạch lộ giới 40m); đây là lợi thế lớn về kết nối giao thông thủy, bộ để phát triển du lịch (như loại hình như công viên chuyên đề).

Khai thác đất đai kết hợp môi trường bền vững và phát triển mảng xanh: Khu quy hoạch nghĩa trang với quy mô 50ha tại xã Nhơn Đức có vị trí địa lý phía Đông kết nối đường hiện hữu (lộ giới 25m) và đường quy hoạch (lộ giới 40m), phía Nam là rạch Bà Lào (rộng 190m). Với vị trí địa lý thuận lợi và quỹ đất ngày càng thu hẹp, nghĩa trang này tiềm năng để phát triển loại hình hoa viên nghĩa trang, vừa giải quyết hài hòa môi trường vừa kết hợp nhu cầu tâm linh của người dân thành phố nói chung và huyện Nhà Bè nói riêng.

Thông qua hội thảo này, Nhà Bè muốn giới thiệu những tiềm năng, lợi thế và định hướng phát triển huyện Nhà Bè trong thời gian tới, kêu gọi đầu tư vào những lĩnh vực then chốt nhằm thực hiện mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra là đến năm 2025 cơ bản đưa Nhà Bè trở thành một quận.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM cho rằng, huyện Nhà Bè có lợi thế quỹ đất, vị trí, có nhiều nhà đầu tư lớn đã đầu tư nhiều dự án nhà ở nhưng huyện cũng đang đối mặt với 3 điểm nghẽn lớn cần quyết liệt tháo gỡ về thể chế, kết cấu hạ tầng giao thông và chất lượng nguồn nhân lực.

Ngoài ra, Nhà Bè cũng đã chủ động dự kiến và tạo quỹ đất mời gọi các doanh nghiệp quan tâm đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để phát triển hài hòa nhu cầu về nhà ở cho người lao động.

Hạ Vy - Theo Trí thức trẻ

 

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/phat-trien-kinh-te-do-thi-dua-nha-be-tp-hcm-tro-thanh-quan-vao-nam-2025-a45462.html