Định đoạt số phận những dự án BT hậu “khai tử”?

Gần 2 thập kỷ tồn tại đầy tai tiếng, tháng 6/2020, dự án BT chính thức được Quốc hội nhấn nút “khai tử”. Dù hình thức BT đã khép lại nhưng số phận của những dự án này sẽ đi đâu về đâu vẫn còn là câu hỏi chưa có lời đáp.

Gần 2 thập kỷ tồn tại đầy tai tiếng, tháng 6/2020, dự án BT chính thức được Quốc hội nhấn nút “khai tử”. Dù hình thức BT đã khép lại nhưng số phận của những dự án này sẽ đi đâu về đâu vẫn còn là câu hỏi chưa có lời đáp.

Lời tòa soạn:

Sau gần 20 năm tồn tại với nhiều biến tướng, chiều 18/6/2020, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), trong đó, các dự án được đầu tư theo hình thức BT, chính thức bị “khai tử” từ ngày 01/01/2021 khi Luật PPP có hiệu lực. Tại Điều 101 của luật này cũng quy định, các hợp đồng BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư dừng thực hiện kể từ ngày 15/8/2020.

Liên quan đến xử lý dự án BT, mới đây, tỉnh Khánh Hoà đã công bố tiến hành tổ chức đấu giá quỹ đất còn lại của sân bay Nha Trang cũ, sau khi bàn giao 62ha đất đối ứng cho Công ty Phúc Sơn.

Các chuyên gia cho rằng, quyết định đấu giá đất ở Khánh Hòa là một tiền lệ tốt, bởi thời gian vừa qua, việc thất thoát ngân sách qua các dự án BT ở hầu khắp các địa phương là không nhỏ. Thế nên, đây có thể coi là một trong những phương hướng để giải quyết bài toán hậu “khai tử” các dự án BT.

Nhưng thực tế, xử lý các dự án BT đã và đang triển khai hậu quyết định “khai tử” vẫn chưa có lộ trình rõ ràng vì các dự án BT đang tồn đọng rất nhiều vấn đề phức tạp. Với những dự án BT chưa triển khai thì phương án thu hồi có thể đưa ra. Nhưng với dự án BT đã triển khai và đang bị trì trệ, vi phạm quy định pháp luật sẽ xử lý ra sao? Hay những dự án BT đã triển khai và hoàn thành nhưng dư luận vẫn chưa thôi nghi hoặc về lợi ích nhóm, tham nhũng cũng sẽ được giải quyết thế nào?

Trên tinh thần nghiên cứu, phản biện, Reatimes khởi đăng tuyến bài: Khánh Hòa đấu giá “đất vàng”, các nơi khác thì sao?

Trân trọng giới thiệu với độc giả!

Diễn đàn Quốc hội những năm trở lại đây luôn nóng các vấn đề về dự án BT, bởi lỗ hổng trong thất thoát tài sản công, quá trình chỉ định thầu, sự "móc ngoặc" giữa cơ quan chức năng và doanh nghiệp để thâu tóm những quỹ đất vàng thông qua phép trao đổi không ngang giá. Bởi di chứng để lại quá lớn mà mới đây, hình thức BT đã được Quốc hội chính thức xoá bỏ khỏi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Nhưng vấn đề đặt ra là số phận còn lại của những dự án BT đã và đang được triển khai sẽ đi đâu, về đâu?

Theo luật sư Nguyễn Trọng Hiệp, Giám đốc Công ty luật HPVN, việc Quốc hội tán thành “khai tử” các dự án thực hiện theo hình thức BT là một quyết sách hoàn toàn đúng. Song, vấn đề mà vị luật sư này đặt ra là việc bỏ không áp dụng hình thức này trong Luật PPP, không có nghĩa những bất cập, hệ lụy đã và đang tồn tại sẽ không phải xử lý.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc xử lý chuyển tiếp các dự án BT như thế nào không phải là vấn đề đơn giản. Bởi, đang có rất nhiều dự án BT dở dang.

“Ở đây phải cần đến "bàn tay" trong sạch của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc xác định giá trị của các dự án BT đưa ra có đúng hay không, đất đối ứng có ngang giá hay không? Phải thanh tra, rà soát lại xem các giá trị thanh toán đề ra có chuẩn xác hay không, từ đó lên phương án xử lý chuyển tiếp phù hợp”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề xử lý các dự án BT hậu “khai tử”, luật sư Nguyễn Tiến Lập, thành viên Văn phòng luật sư NHQuang & Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam phân tích: “Việc xử lý các dự án đang triển khai trước hết tuỳ thuộc vào thoả thuận của các bên trong hợp đồng BT, đó là cơ quan Nhà nước và đơn vị tư nhân. Về nguyên tắc, cơ quan Nhà nước cần tôn trọng các cam kết trong hợp đồng đã ký và các quy định mới của pháp luật sẽ không thể hồi tố, tức không có hiệu lực ngược đối với các giao dịch đã hoàn tất trước đó”.

Bàn luận sâu hơn về vấn đề này, luật sư Lập cho rằng, nếu phát hiện có sai phạm và thiệt hại cho tài sản Nhà nước khi lập và triển khai dự án BT, tức vi phạm pháp luật, thì cần làm rõ hai yếu tố lỗi và trách nhiệm thuộc về ai và xem xét khả năng hợp đồng có thể được Toà án tuyên vô hiệu một phần hay toàn bộ hay không. Khi hợp đồng bị vô hiệu, sẽ phát sinh trách nhiệm bồi thường vật chất của bên có lỗi. Nếu lỗi thuộc phía cơ quan Nhà nước thì cần cá thể hoá và xem xét trách nhiệm người đứng đầu cả về hành chính và hình sự.

Để xử lý các dự án BT hậu “khai tử”, việc phân nhóm các dự án này là điều tiên quyết nhằm đưa ra phương hướng giải quyết rõ ràng và minh bạch. Những dự án BT chưa chính thức đi vào triển khai, có thể thu hồi được. Nhưng với những dự án BT đang triển khai khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn về sai phạm và lợi ích nhóm, phương án xử lý sẽ ra sao? Và các dự án đang triển khai, đã có kết luận sai phạm của Thanh tra chính phủ, của Kiểm toán Nhà nước thì những mảnh đất vàng đối ứng, công trình thi công chậm tiến độ phải xử lý ra sao, ai là người chịu trách nhiệm?

Dựa trên các thông tin thu thập, khảo sát và nghiên cứu, Reatimes thực hiện phân tích, đặt ra các giả thiết đối với 3 dự án tiêu biểu, đại diện cho các nhóm khác nhau bao gồm: Dự án BT đang triển khai, có kết luận sai phạm và bước đầu đưa ra hướng xử lý; dự án BT đang triển khai nhưng khiến dư luận đặt ra nhiều nghi hoặc; dự án đã hoàn thiện và có kết luận của cơ quan chức năng về những sai phạm.

Dự án BT của Công ty Phúc Sơn tại sân bay Nha Trang cũ

Đầu năm 2015, UBND tỉnh Khánh Hòa chấp thuận giao cho liên doanh giữa Công ty Phúc Sơn và Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC đầu tư xây dựng trung tâm hành chính mới theo hình thức BT.

Theo đó, Công ty Phúc Sơn xây dựng 4 dự án gồm: Dự án nút giao thông Ngọc Hội; dự án đường vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội; dự án nút giao thông kết nối khu sân bay Nha Trang và dự án khu Trung tâm đô thị, dịch vụ, tài chính du lịch Nha Trang. Đổi lại, doanh nghiệp này được giao hơn 62ha đất sân bay Nha Trang làm đối ứng.

Đến nay, một dự án tạm dừng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đó là dự án khu Trung tâm đô thị, dịch vụ, tài chính du lịch Nha Trang. 3 dự án còn lại được giao trước 20ha đất đối ứng. Đến nay, chưa dự án BT nào hoàn thành và đều trong tình trạng ngưng trệ nhiều tháng nay.

Khu đất đối ứng theo hợp đồng BT tại sân bay Nha Trang cũ đã được Công ty Phúc Sơn phân lô, bán nền. 

Dự án BT của Công ty Phúc Sơn được ví như điển hình của sự biến tướng trong hình thức đổi đất lấy hạ tầng khi tồn đọng những điểm bất cập chung của loại hình này: 

Thứ nhất, cả 3 dự án BT trên được giao cho Công ty Phúc Sơn không qua đấu giá mà được chỉ định thầu.

Thứ hai, sau hơn 4 năm xây dựng, các dự án mà Công ty Phúc Sơn thực hiện vẫn trong tình trạng dở dang.

Thứ ba, dù dự án chưa hoàn thành nhưng phần đất đối ứng mà tỉnh Khánh Hoà giao cho Công ty Phúc Sơn đã được doanh nghiệp này tiến hành san lấp, phân lô và công khai mở bán, giao dịch đất nền ngay tại khu đô thị mới tại sân bay Nha Trang. Liên quan đến sai phạm mở bán của dự án đất đối ứng của Công ty Phúc Sơn, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Khánh Hòa trước đó đã có kết luận, đất sân bay Nha Trang hiện chưa đủ điều kiện mở bán. Lý do mà cơ quan chức năng này đưa ra, đó là các dự án BT của Công ty Phúc Sơn chưa hoàn thành, nên chưa đủ điều kiện để thẩm định giá đất. Vì vậy, mọi giao dịch liên quan đến đất sân bay Nha Trang là vi phạm pháp luật.

Mặt khác, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cũng đã có kết luận về sai phạm của dự án BT do Phúc Sơn là nhà đầu tư, khi làm thất thoát rất lớn tiền ngân sách Nhà nước.

Trả lời báo chí liên quan đến dự án BT của Công ty Phúc Sơn, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường nhấn mạnh: “Việc công trình hạ tầng, giao thông được làm bằng BT nhưng bây giờ công trình hạ tầng không thấy đâu mà đất đối ứng đã bán thì không thể chấp nhận được”.

Các dự án chậm tiến độ là không thực hiện đúng cam kết hợp đồng BT, trong khi đó, bản thân nhà đầu tư đã đem đất đối ứng chia lô bán nền thu tiền là không thể chấp nhận được. Khánh Hoà hoàn toàn có thể quyết định thu hồi lại toàn bộ diện tích đất đã giao cho nhà đầu tư.

“Tôi cho rằng, không được gia hạn các dự án hạ tầng. Các dự án chậm tiến độ là không thực hiện đúng cam kết hợp đồng BT, trong khi đó, bản thân nhà đầu tư đã đem đất đối ứng chia lô bán nền thu tiền là không thể chấp nhận được. Khánh Hoà hoàn toàn có thể quyết định thu hồi lại toàn bộ diện tích đất đã giao cho nhà đầu tư. Ở đây chủ đầu tư đã lợi dụng cơ chế BT để thu tiền trước khi hoàn thành các dự án hạ tầng cần thiết”, GS. Đặng Hùng Võ nói.

Đến thời điểm hiện tại, liên quan đến việc giải quyết dứt điểm dự án BT của Công ty Phúc Sơn, tỉnh Khánh Hoà đang đợi kết luận của Thanh tra Chính phủ để làm rõ việc thẩm định giá quỹ đất đối ứng và công trình BT. Trong khi đó, với phần quỹ đất còn lại của sân bay Nha Trang cũ, tỉnh Khánh Hoà công bố sẽ tiến hành đấu giá khu vực này để lấy tiền xây dựng sân bay Phan Thiết. Quyết định đấu giá quỹ đất còn lại của Khánh Hoà nhận được sự ủng hộ của giới chuyên gia. 

Thương vụ đổi 3,7km lấy quỹ đất khủng của Tập đoàn Bitexco

Năm 2017, dư luận xôn xao về màn trao đổi ngoạn mục giữa tuyến đường dài 3,7km bao quanh công viên Chu Văn An được đổi lấy 90ha quỹ đất đối ứng nằm trải dọc trên đường Nguyễn Xiển của Tập đoàn Bitexco (theo Tạp chí Nhà đầu tư). Một vị trí đắc địa khiến bao doanh nghiệp thèm muốn khi 90ha quỹ đất này sở hữu một bên giáp với đường vành đai 3, một bên giáp với công viên Chu Văn An (được quy hoạch rộng 100ha).

Dự án BT này cũng sở hữu 3 điểm bất thường, bao gồm: 

Thứ nhất, về mức độ trao đổi ngang giá của dự án BT, tổng dự toán cho tuyến đường 3,7km là hơn 2.754 tỷ đồng, trong khi đó, quỹ đất mà Bitexco nhận được lên tới 90ha.

Thứ hai, công trình BT thi công chậm tiến độ. Cụ thể, tuyến đường 3,7km bao quanh công viên Chu Văn An đã được triển khai gần 10 năm sau nhiều lần gia hạn, từ thời điểm ra quyết định đầu tư vào năm 2011. Đến đầu năm 2020, tuyến đường bao quanh công viên Chu Văn An mới chính thức đi vào hoàn thiện. Như vậy có thể nói, dự án BT của Bitexco đã và đang trong quá trình "chốt" hợp đồng. 

Thứ ba, phải đến đầu năm 2020, công trình BT mà Bitexco triển khai mới chính thức đi vào hoàn thiện, nhưng tại dự án The Manor Central Park, những dãy biệt thự, liền kề và shophouse đã được rao bán từ năm 2017. Nghĩa là dự án BT chưa hoàn thành, nhưng đất đối ứng đã bán gần xong. 

Vụ lùm xùm liên quan đến dự án BT của Bitexco cần phải được thanh tra và làm rõ.

Soi chiếu với dự án BT của Công ty Phúc Sơn cho thấy, trước đó, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Khánh Hoà đã kết luận, đất sân bay Nha Trang chưa đủ điều kiện mở bán. Lý do là dự án BT chưa hoàn thành nên chưa đủ điều kiện để thẩm định giá đất.

Vậy tại sao, một dự án lớn như vậy, nằm tại ngay thủ đô Hà Nội lại được hưởng “đặc quyền” riêng biệt. Đó là dự án BT chưa hoàn thành, chậm tiến độ nhưng công trình liền kề, shophouse, biệt thự đã được bán. Điều kiện để thẩm định giá đất của dự án The Manor Central Park đã đủ chưa? Việc mở bán liền kề, shophouse, biệt thự phải chăng cũng đã vi phạm pháp luật và những hợp đồng mua bán cũng phải vô hiệu hoá giá trị như dự án phân lô bán nền của Công ty Phúc Sơn.

Cần phải nhắc lại, trước đó, kết luận của Thanh tra Chính phủ ngày 19/7/2017 cũng đã chỉ rõ hàng loạt sai phạm của Tập đoàn Bitexco trong việc xây dựng dự án BT đường bao quanh khu tưởng niệm Công viên Chu Văn An (quận Hoàng Mai, Hà Nội). 

Qua quá trình kiểm tra xây dựng dự án, Thanh tra Chính phủ phát hiện tại dự án tuyến đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, công tác lập, thẩm định và phê duyệt tổng vốn đầu tư không chính xác do tính sai khối lượng, áp dụng đơn giá và định mức không đúng, làm tăng số tiền hơn 12 tỷ đồng.

Công tác lập, phê duyệt dự toán thiết kế bản vẽ thi công cũng chưa chính xác do tính sai khối lượng, áp dụng đơn giá và định mức chưa đúng, làm sai tăng số tiền gần 16 tỷ đồng.

Phần chi phí lãi vay nguồn vốn trái phiếu và vay vốn tín dụng tại Ngân hàng Vietinbank trước thời điếm khởi công dự án (ngày 5/5/2014) không được xác định để tính chi phí lãi vay trong tổng mức đầu tư dự án BT được duyệt. Đặc biệt, việc giao và xác định tiền sử dụng đất của dự án đối ứng chậm theo chỉ đạo của Chính phủ. Trong khi đó, quỹ đất đối ứng đưa cho Bitexco đã nhanh chóng đi vào triển khai và nhà liền kề, biệt thự, shophouse đã bán còn việc xác định tiền sử dụng đất đến năm 2017 vẫn chưa có.

Quay trở lại vấn đề trao đổi không ngang giá, trao đổi với Reatimes, đại diện của Bitexco khẳng định, thông tin đổi 90ha đất lấy 3,7km đường là không đúng sự thật. Cụ thể, Bitexco được UBND TP. Hà Nội giao 65,5ha làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 gần 50ha và giai đoạn 2 hơn 15ha để đầu tư quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Nam vành đai 3 (tên thương mại là The Manor Cetral Park).

Hiện tại, Bitexco được tạm giao 10,2ha đất thấp tầng giai đoạn 1 và 4,4ha đất cao tầng giai đoạn 2 để kinh doanh đối ứng cho dự án BT (là tuyến đường bao quanh Công viên Chu Văn An).

Đại diện Bitexco cho rằng: “Có nghĩa là đối ứng cho dự án BT chỉ có 14,6ha đất tạm giao. 14,6ha này nằm trong 65,5ha phạm vi của khu đô thị mà Bitexco được giao và đầu tư quy hoạch xây dựng. Sau khi hợp đồng BT hoàn thành, 2 bên sẽ ngồi lại tính toán chi phí theo đúng quy định pháp luật”.

Nếu giả sử Bitexco chỉ được giao 14,6ha cho tuyến đường 3,7km với tổng dự toán là 2.754 tỷ đồng thì có nghĩa, mức giá cho tài sản công đối ứng là khoảng 18 triệu đồng/m2. Trong khi đó, mức giá hiện tại mà doanh nghiệp này rao bán là từ 110 - 150 triệu đồng/m2 (gấp khoảng 7 lần so với mức định giá). Và theo khảo sát mức giá thị trường hiện tại, giá trung bình 1m2 đất tại dọc đường Nguyễn Xiển dao động khoảng 50 triệu đồng/m2, tức gấp khoảng gần 3 lần so với mức định giá mà Bitexco trả cho Nhà nước.

Nhưng liệu con số đối ứng thế này có xảy ra không? Bởi rõ ràng, dự án The Manor Central Park sở hữu một quỹ đất lên tới 89ha và theo như quảng cáo, Bitexco đang là chủ sở hữu của toàn bộ khu vực này. Đặt giả sử, Bitexco được đổi quỹ đất khủng như vậy cho tuyến đường BT dài chỉ 3,7km thì thực sự, mức lợi nhuận của doanh nghiệp này là siêu, siêu lợi nhuận.

Thương vụ đổi đất lấy hạ tầng của Bitexco được coi là điển hình của một dự án BT được Thanh tra Chính phủ chỉ ra các sai phạm về việc làm thất thoát ngân sách Nhà nước, đổi giá không ngang bằng. Đây cũng là dự án khiến dư luận đặt ra nhiều nghi hoặc. Thế nên, vấn đề xử lý dự án này sau khi hình thức BT được đưa ra khỏi Luật đầu tư công PPP là điều cần phải bàn bạc và xử lý triệt để.

Với một dự án lớn và tiêu biểu như thế này, có chăng cần một cuộc thanh tra và kiểm tra lại việc thẩm định giá đất, thanh toán quỹ đất dành cho nhà đầu tư. Còn đối với 50ha còn lại của dự án The Manor Central Park, các chuyên gia cho rằng, cần phải thu hồi và đấu giá như trường hợp quỹ đất sân bay cũ Nha Trang. Có như vậy, các vấn đề bất cập của vụ việc này mới được giải quyết sáng tỏ và nhận được sự đồng thuận từ phía dư luận.

Dự án BT cải tạo 2 chung cũ lấy 7 lô đất vàng của Công ty Hoàng Huy 

Một trong những sự vụ gây xôn xao dư luận gần đây nhất, đó là thương vụ cải tạo chung cư cũ đổi lấy quỹ đất vàng của Công ty Hoàng Huy tại Hải Phòng. Trước đó, báo chí đã có loạt bài đăng tải về việc Công ty Hoàng Huy trúng thầu các dự án cải tạo chung cư cũ. Đổi lại, doanh nghiệp này lại nhận được những quỹ đất vàng lớn. 

Cụ thể, UBND TP. Hải Phòng đã chỉ định thầu cho Công ty Cổ phần Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy triển khai các dự án cải tạo chung cư cũ HH3, HH4 tại phường Đồng Quốc Bình, quận Ngô Quyền. Hai tòa chung cư này cao 29 tầng, 1 tầng hầm, với 1.456 căn hộ, có tổng vốn đầu tư 1.668,4 tỷ đồng. Với dự án này, UBND TP. Hải Phòng cam kết giao cho doanh nghiệp này 7 lô đất trên địa bàn, tương đương với khoảng 99ha đất sạch bao gồm: Khu đất nhà máy đóng tàu Sông Cấm 5,1ha; các lô đất CH1, CH13, N78 khu đô thị Hồ Sen - Cầu Rào 2,6ha; khu 2A Sở Dầu 1,1ha; trụ sở cũ quận Hồng Bàng 0,8ha tại 42 Lê Đại Hành; trụ sở cũ Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố 1,1ha tại 22 Phan Bội Châu; trụ sở cũ Đài phát thanh - truyền hình Hải Phòng 0,3ha tại 199 Tô Hiệu; khu đô thị Bắc Sông Cấm 88ha.

Mức giá mà UBND TP. Hải Phòng phê duyệt khi giao đất chỉ khoảng 3,8 triệu đồng/m2. Nhưng mức giá mà doanh nghiệp này đưa ra thị trường sau khi triển khai dự án rơi vào 100 - 250 triệu đồng/m2 tuỳ vị trí, một tỷ lệ siêu khủng về lợi nhuận.

Công ty Hoàng Huy đổi 2 dự án cải tạo chung cư cũ lấy 99ha quỹ đất đắc địa. 

Báo cáo phân tích của một công ty chứng khoán vào đầu năm 2018 cũng đã đánh giá lại giá trị bất động sản của Hoàng Huy. Cụ thể, dự án Bắc Sông Cấm quy mô 88ha có giá trị sổ sách 960,3 tỷ đồng, tuy nhiên đánh giá lại theo giá thị trường lên tới 1.612 tỷ đồng. 

6 dự án khác đều có giá trị thực tế gấp rất nhiều lần so với giá trị ghi sổ: Dự án Hoàng Huy Riverside tăng gần 8 lần lên 803,6 tỷ đồng; dự án Hoàng Huy Mall (Hồ Sen - Cầu Rào) tăng 4,5 lần lên hơn 1.800 tỷ đồng; dự án trụ sở Viện kiểm soát Hồng Bàng tăng 2,5 lần lên 115,2 tỷ đồng; dự án trụ sở UBND quận Hồng Bàng tăng 2,5 lần lên 720 tỷ đồng; dự án Trụ sở cũ Đài PT&TH Hải Phòng tăng gần 5 lần lên 248,3 tỷ đồng, và dự án 2A Sở Dầu tăng hơn 7 lần lên 340,2 tỷ đồng.

Nếu theo giá trị sổ sách, 7 lô đất vàng có giá trị là 1.913 tỷ đồng, tức cao hơn so với tổng dự toán xây dựng 2 chung cư cũ. Và nếu tính theo giá trị thị trường, với mức chung gấp 3 lần, tổng giá trị lô đất ước tính gần 6.000 tỷ đồng, tương đương với mức chênh lệch là khoảng 4.000 tỷ đồng.

Con số định giá này được xác định vào năm 2018. Nếu tính theo biến động của thị trường năm 2018, giá đất tăng mạnh tại các địa phương lớn mà điển hình như Hải Phòng, cũng như sau khoảng thời gian 2 năm, tổng giá trị của những lô đất này sẽ còn cao hơn nữa.

Với việc đổi đất lấy hạ tầng mà lời như vậy thì rõ ràng, bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng đều mong muốn được sở hữu một “suất” trao đổi như vậy? Nhưng điều kỳ lạ đó là chỉ riêng Công ty Hoàng Huy được trúng thầu… một cách dễ dàng. Con đường tiệm cận với dự án béo bở của doanh nghiệp Hoàng Huy là điều khiến biết bao doanh nghiệp phải mơ ước. 

Bởi tại Hải Phòng, không ít doanh nghiệp vẫn phải loay hoay trong những bất cập của thủ tục hành chính. Điển hình như hành trình gửi đơn kêu cứu ròng rã nhiều năm của ông Tạ Quyết Thắng, Tổng Giám đốc công ty TNHH Sơn Trường khi vật lộn với ma trận thủ tục. Có những dự án của doanh nghiệp này phải mất 10 năm mới hoàn thiện xong thủ tục, xin được giấy phép. Nhưng riêng Công ty Hoàng Huy, con đường từ nhà nhập khẩu ô tô xoay mình sang lĩnh vực bất động sản lại dễ dàng và lên nhanh như diều gặp gió.

Thế nên, dù đã có phúc đáp chính thức từ phía Hải Phòng và Công ty Hoàng Huy khẳng định là cuộc trao đổi đất lấy hạ tầng minh bạch và theo quy định của pháp luật nhưng dư luận vẫn dậy sóng. Sự nghi hoặc về hiện tượng móc ngoặc đấu thầu cũng như tồn tại lợi ích nhóm tiếp tục được đặt ra. 

Điều gì khiến doanh nghiệp Hoàng Huy có thể vượt qua các ứng viên khác, đấu thầu trúng nhiều dự án BT như vậy? Tại sao việc đổi đất ngang giá lấy hạ tầng lại chênh lệch như vậy? Tại sao Hoàng Huy dường như không bị vướng mắc gì về thủ tục trong khi doanh nghiệp khác cứ chật vật? Nếu như miếng ngon như vậy, thì chẳng có bất kỳ một doanh nghiệp nào lại thờ ơ, bỏ qua.

Có thể nói, dự án BT của Công ty Hoàng Huy là điển hình của nhóm những dự án BT đang triển khai khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi nhất. Khi BT chính thức khép lại, dự án này cần phải được thanh tra, làm rõ. Kết luận của cơ quan chức năng phải đưa ra để rộng đường cho dư luận hiểu rõ, tránh để khi BT khép lại, sai phạm có thể xảy ra trong câu kết lợi ích nhóm nhưng tất cả được phủi trắng. 

Trong khi đó ngân sách Nhà nước eo hẹp, quỹ đất trở nên cạn kiệt thì càng cần phải thanh tra dự án sớm. Trường hợp dự án có sai phạm, bất cập, dự án phải tạm dừng, đưa vào xử lý triển khai như điển hình dự án BT tại Nha Trang, tiến hành đấu giá quỹ đất còn lại. 

Con đường nào cho dự án BT?

Thực tế, sau gần 20 năm đi vào triển khai, số lượng dự án BT tồn đọng bất cập vẫn còn rất nhiều. Thanh tra và xử lý triệt để là điều tiên quyết mà các cơ quan chức năng cần hướng tới. Lưạ chọn một giải pháp để giải quyết những di chứng tồn đọng mà hợp đồng BT biến tướng mang lại là điều cần phải thực hiện nhanh chóng và dứt điểm.

Cần phải nhắc lại, năm 2018, bởi những vấn đề nóng mà BT gây ra, người đứng đầu Chính phủ đã ra quyết lệnh, yêu cầu đối với trường hợp phát hiện có vi phạm nhưng chưa gây thất thoát tài sản Nhà nước thì phải thực hiện điều chỉnh lại hợp đồng BT; nếu phát hiện vi phạm thì phải tự hủy hợp đồng dự án, thu hồi ngay tài sản nhà nước, đồng thời xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm.

Và đến hiện tại, khi những dự án BT đã chính thức được khai tử thì số phận của các dự án BT càng phải được đẩy nhanh tốc độ xử lý.

Như PGS.TS. Ngô Trí Long phân tích, lẽ ra những dự án BT cần phải được giải quyết từ sớm bằng việc đấu giá quỹ đất và tiến hành đấu thầu các công trình. Việc phân nhóm các dự án BT để đưa ra dứt điểm các phương án giải pháp không chỉ đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, giảm thiểu tối đa những thất thoát mà hình thức BT đã diễn ra.

Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều dự án BT đã và đang chờ đợi phương án xử lý mới. Một số dự án điển hình như:

1. Dự án BT Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở: Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở trước đây là một hạng mục của Công viên Yên Sở, được đầu tư bằng 100% vốn nước ngoài của Tập đoàn Gamuda Berhad. Sau đó, dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở được tách ra thành dự án riêng, được đầu tư theo hình thức BT tại Biên bản thỏa thuận ngày 14/8/2007 giữa UBND TP. Hà Nội và Tập đoàn Gamuda Berhad. 

Dự án được phê duyệt theo Quyết định số 1263/QĐ-UBND ngày 19/3/2010 của UBND TP. Hà Nội. Quy mô đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải theo công nghệ xử lý sinh học theo mẻ với công suất 200.000m3/ngày đêm. Tổng mức đầu tư của dự án là 319.205.770 USD. Ngày 29/9/2011, dự án được ký hợp đồng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Quá trình thanh kiểm tra tại dự án, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ hàng loạt sai phạm trong hoạt động đầu tư, xây dựng, thanh quyết toán cho nhà đầu tư. Cùng với đó, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những kết luận, kiến nghị xử lý liên quan đến những tồn tại ở dự án BT này.

2. Dự án BT tuyến đường H2 Công ty DABACO Việt Nam đổi 100ha đất lấy 1,39km đường: Trước đó, liên quan đến thông tin "đổi 100 ha đất lấy 1,39km đường" của Liên danh Công ty cổ phần tập đoàn DABACO Việt Nam- Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ kiểm tra, làm rõ các nội dung trong việc thực hiện dự án đầu tư tuyến đường H2. Nhất là về sự cần thiết, tổng mức đầu tư, việc lựa chọn nhà đầu tư, quỹ đất dự kiến thanh toán...

Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu đề xuất biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo nguyên tắc ngang giá, không thất thoát tài sản Nhà nước, đảm bảo quyền lợi của các hộ dân có đất bị thu hồi và quyền lợi của nhà đầu tư.

3. Dự án BT Trường chính trị tỉnh Khánh Hòa của Công ty Thanh Yến: Dự án này được UBKT Trung ương kết luận có sai phạm. Cụ thể, để triển khai dự án BT Trường chính trị tỉnh Khánh Hoà, Công ty Hoàng Yến được giao quỹ đất với diện ích gần 7.400m2. Đó là dự án khu phức hợp thương mại, dịch vụ, y tế, văn phòng khách sạn, nhà ở chung cư, Nha Trang Center 2 (nay đổi tên thành Gold Coast) tại số 1 Trần Hưng Đạo, TP. Nha Trang. Để thực hiện dự án BT này, Công ty Thanh Yến (chủ đầu tư) chỉ phải trả khoảng 123 tỷ đồng, thời hạn sử dụng 50 năm. Số tiền này được sử dụng để xây dựng Trường Chính trị tỉnh Khánh Hoà (mới) ở xã Phước Đồng.

Link gốc

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/dinh-doat-so-phan-nhung-du-an-bt-hau-khai-tu-a45107.html