Bất động sản 24h: Âm thầm mua gom từng căn hộ cũ nát chỉ từ 5m2 tại phố cổ

Đại gia BĐS âm thầm mua gom từng căn hộ cũ nát chỉ từ 5m2 tại phố cổ; Khu, cụm công nghiệp tại Hà Nội: Nơi biến tướng, chỗ bỏ hoang... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

Đại gia BĐS âm thầm mua gom từng căn hộ cũ nát chỉ từ 5m2 tại phố cổ; Khu, cụm công nghiệp tại Hà Nội: Nơi biến tướng, chỗ bỏ hoang... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

Đại gia bất động sản âm thầm mua gom từng căn hộ cũ nát chỉ từ 5m2 tại phố cổ

Quan sát thực tế cho thấy nhiều căn nhà khu vực lõi phố cổ như Hàng Than, Hàng Khay, Hàng Thiếc… nhà đầu tư có xu hướng mua gom để xây khách sạn. Đặc thù những khu đất trong phố cổ thường nhỏ (có căn chỉ 5m2), liên quan đến nhiều hộ gia đình. Do đó, nếu các chủ hộ đều đồng ý bán, phải chấp nhận gom tất cả sổ đỏ về một nhà, chuyển đổi diện tích chung thành 100% diện tích riêng, tạo thành mảnh đất lớn, có tiềm năng kinh doanh, nhà đầu tư mới xuống tiền.

Theo anh Đông, môi giới nhà đất khu vực phố cổ, hiện nay rất khan hiếm các căn nhà đã xây mới mặt tiền phố cổ rao bán, hoặc có bán giá cũng rất cao lên đến cả tỷ đồng/m2. "Đặc biệt phải kể đến phố Bảo Khánh, do vẫn có thể xây dựng được 8 - 10 tầng nên gần đây được định giá tốt, đặc biệt với những nhà đầu tư muốn kinh doanh khách sạn. Khu vực này mới đây có một giao dịch hàng trăm tỷ đồng chỉ sau một thời gian ngắn rao bán" anh Đông cho hay.

Chính vì vậy, anh Đông cho biết việc mua gom từng căn hộ nhỏ trong các căn nhà tập thể xập xệ tuy tốn nhiều thời gian và công sức nhưng giá sẽ mềm hơn và dễ tìm được các căn nhà có diện tích phù hợp với nhu cầu.

Đưa ngành du lịch cất cánh bằng bệ phóng kinh tế ban đêm

Từ đầu năm nay, đại dịch Covid-19 đã gây ra thiệt hại rất lớn đối với ngành du lịch Việt Nam. Riêng đối với TP. Đà Nẵng, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tổng lượng khách tham quan, du lịch trong 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 1,87 triệu lượt, giảm 55,9% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, khách quốc tế đạt khoảng hơn 667.000 lượt, giảm 62,2%; khách nội địa đạt khoảng 1,2 triệu lượt, giảm 51,4%. Ước tính, thiệt hại do Covid-19 gây ra trong 6 tháng đầu năm đối với ngành du lịch và lưu trú rơi vào khoảng 5.672 tỷ đồng.

Để khôi phục hoạt động du lịch trên địa bàn TP. Đà Nẵng, bên cạnh việc triển khai chương trình kích cầu du lịch tạo được tác động tốt, sức lan tỏa cao, ngành du lịch đã chủ động triển khai nhiều giải pháp khác nhau. Trong đó, phát triển kinh tế ban đêm có thể được xem là một trong những đòn bẩy quan trọng vừa phục vụ mục tiêu trước mắt là khôi phục hoạt động du lịch sau dịch, vừa mang tính chiến lược lâu dài.

Tại TP. Đà Nẵng, kinh tế ban đêm đang dần hình thành trong thời gian gần đây với nhiều tiềm năng, lợi thế sẵn có. Đà Nẵng cần xác định kinh tế ban đêm như là một chiến lược quan trọng tạo ra sự cạnh tranh giúp du lịch bứt phá phát triển trong giai đoạn hậu Covid-19 và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.

Việc phát triển kinh tế ban đêm trong hoạt động du lịch góp phần quan trọng giúp tăng chi tiêu, tăng ngày lưu trú, giải quyết việc làm, đem lại hiệu quả kinh doanh cho các doanh nghiệp phục vụ du lịch cũng như các doanh nghiệp khác trên địa bàn, bởi sức lan tỏa của du lịch trong phát triển kinh tế rất lớn và thực sự được khẳng định.

Bất động sản Việt Nam tăng sức hút khi lọt vào nhóm "bán minh bạch"

Theo Bảng xếp hạng Chỉ số minh bạch bất động sản toàn cầu (GRETI) do JLL và LaSalle thực hiện, năm 2020, Việt Nam xếp thứ 56 toàn cầu về mức độ minh bạch trong ngành bất động sản, tăng 4 bậc so với bảng xếp hạng năm 2018 và chuyển từ nhóm “thiếu minh bạch” sang nhóm “bán minh bạch”. Trong đó, sự phát triển hai đô thị trung tâm Hà Nội và TP.HCM đã giúp Việt Nam thăng hạng lên cột mốc minh bạch mới. Đây là bước tiến khả quan cho thấy sự chuyển mình của thị trường bất động sản nước ta.

Ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam nhận định, việc cải thiện chỉ số minh bạch sẽ giúp Việt Nam thu hút được thêm nhiều nguồn đầu tư nước ngoài. Điều này bao gồm tiếp cận hệ thống pháp lý lẫn thông tin dự án.

Theo ông Stephen, đầu tư vào công nghệ bất động sản (proptech) sẽ là xu hướng tất yếu trong tương lai để Việt Nam nâng cao tính minh bạch. Đại dịch Covid-19 đã góp phần thúc đẩy các loại dữ liệu và khối dữ liệu bất động sản phát triển hơn. Ngành bất động sản ở Việt Nam còn khá truyền thống, nhưng chúng ta có thể hy vọng vào một tương lai giao dịch mua bán nhà được thực hiện chỉ bằng một cú click chuột.

Theo báo cáo, nhóm các nước có mức độ minh bạch cao chiếm hơn 75% nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong ngành bất động sản, dẫn đầu là hai thị trường Anh và Mỹ. Australia, Pháp và Canada theo thứ tự chia nhau các vị trí trong top 5. Nhật Bản tụt 3 bậc so với năm 2018, xếp thứ 16 trong Bảng xếp hạng năm 2020.

Khu, cụm công nghiệp tại Hà Nội: Nơi biến tướng, chỗ bỏ hoang

Ông Lê Quang Long, Phó Ban quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cho biết, hiện nay Hà Nội đang có 9 KCN, trong đó 8 KCN đã lấp đầy 100% và hoạt động tốt, chỉ còn KCN hỗ trợ Nam Hà Nội vẫn còn dang dở.

Theo lãnh đạo Ban quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở ngành hỗ trợ KCN này, làm các đường nhánh hỗ trợ đến chân hàng rào. Chủ đầu tư dự án cũng kêu gọi, tổ chức nhiều cuộc xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc. Một số nhà đầu tư đến tìm hiểu như Coca Cola, một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện ô tô, điện tử Hàn Quốc… Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư nào tham gia vào KCN hỗ trợ Nam Hà Nội.

Được biết, KCN hỗ trợ Nam Hà Nội rộng hơn 60ha, dự kiến nếu thực hiện đến giai đoạn 2 thì tổng diện tích lên khoảng 600ha, cơ sở hạ tầng đầy đủ, giải phóng mặt bằng xong từ lâu, được kêu gọi đầu tư cách đây 5 - 6 năm.

Tuy nhiên, KCN này bị cạnh tranh bởi nhiều yếu tố, trong đó yếu tố tác động mạnh nhất là vấn đề giá. Do KCN Nam Hà Nội nằm cách các KCN của Hà Nam chỉ vài cây số, nên chịu sức ép lớn về giá. Hai địa phương ở cạnh nhau nhưng suất đầu tư ở Hà Nội cao gấp đôi ở Hà Nam. Nếu ở Hà Nam, doanh nghiệp chỉ phải chi 70 USD/m2 thì ở Hà Nội lên tới 180 USD/m2.

Cộng đồng chiều thẳng đứng và khoảng xanh trong đô thị

Từ lúc ra đời, các khu đô thị mới thường được chi phối phần nhiều bởi những quy định trên phương diện “vật chất” tạo ra phần “xác” của khu đô thị mới như không gian, kiến trúc, hạ tầng… Tuy nhiên, những phương diện “phi vật chất” tạo ra cái “hồn” - một trong những yếu tố được xem là ảnh hưởng đến tính sống động lẫn cá tính riêng của một cộng đồng dân cư lại chưa được quan tâm tích cực.

Thông qua những cách tích hợp vào không gian đô thị và không gian xã hội của các các khu đô thị mới khác nhau, chúng ta mơ hồ nhận ra có một yếu tố “vô hình” nào đó chi phối tinh thần cư dân tại các khu đô thị mới. Các khu đô thị mới có những khác biệt về mặt xã hội rất khó xác định, khó nắm bắt, nhưng mỗi người đều có thể nhận định được - điều mà các nhà nghiên cứu xã hội gọi là “vốn xã hội”.

Khu đô thị mới tồn tại nhiều kiểu nhà chung cư gồm: Chung cư cao cấp, chung cư bình dân, nhà ở xã hội… Với thành phần xã hội đa dạng như hiện nay, dường như có sự khép kín nhất định trong quan hệ giữa các cư dân. Họ cùng sống trong một khu đô thị nhưng chỉ nhà nào biết nhà nấy, “kín cổng cao tường”, và hầu như chỉ chào hỏi khi gặp những người hàng xóm gần nhà mình nhất. Điều này một phần là do công việc khác nhau, giờ đi làm và về cũng khác nhau…

Cùng với đó, cuộc sống tiện nghi trong các căn hộ tại khu đô thị mới đã làm cho người dân “lười” ra đường. Họ thường ở trong nhà với không khí điều hoà, các thiết bị vui chơi thông minh. Khi di chuyển, họ sử dụng phương tiện cá nhân với tốc độ nhanh hơn, tiết kiệm thời gian… Nói cách khác, sự giao tiếp xã hội của các cư dân sẽ ít diễn ra trực tiếp theo kiểu “mặt đối mặt”. Có ý kiến cho rằng, các khu đô thị mới không còn có cảnh “tối lửa tắt đèn” nên “tình làng nghĩa xóm” cũng trở nên nhạt nhoà hơn.

Link gốc

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/bat-dong-san-24h-am-tham-mua-gom-tung-can-ho-cu-nat-chi-tu-5m2-tai-pho-co-a45052.html