Bất động sản đang chờ vốn mồi
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho hay: “Thị trường bất động sản đang gãy khúc do chịu tác động từ Covid-19, vướng mắc về pháp lý cũng như chính sách siết tín dụng từ năm 2019. Tuy nhiên, thị trường bất động sản Việt Nam đang trong cao điểm đô thị hóa, nên khả năng hồi phục sau dịch rất cao nếu có cơ chế, chính sách phù hợp. Chỉ cần khơi thông luồng vốn chảy vào phân khúc nhà ở trung bình, nhà ở giá thấp…, thì thị trường sẽ bật dậy rất nhanh”.
Ông Điệp cho rằng, thị trường bất động sản hiện nay như một bàn cờ, chỉ cần chọn đánh đúng quân sẽ có cơ hội thắng cả ván cờ. Theo đó, quân cờ được chọn nên bắt đầu từ vốn. Chính phủ có thể đưa ra các gói kích cầu cho cả cá nhân và nhà đầu tư vay, tập trung vào phân khúc nhà ở có giá dưới 30 triệu đồng/m2. Việc đưa ra các gói kích cầu tương tự như gói tín dụng 30.000 tỷ đồng trước đây sẽ có tác động lan tỏa đến toàn thị trường.
Các doanh nghiệp bất động sản cho rằng, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu chưa thể sớm khởi sắc, thì thị trường bất động sản sẽ là một trong những đầu kéo quan trọng giúp nền kinh tế phục hồi. Do đó, chính sách của Chính cần phải dồn lực hơn nữa vào lĩnh vực này.
Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản, như cấp thêm 3.000 tỷ đồng hỗ trợ Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng khác thúc đẩy cho vay nhà ở xã hội. Ngoài ra, Chính phủ cũng có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, như giảm 15% tiền thuê đất, giảm lãi suất, giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ…
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, để thị trường bất động sản nhanh chóng phục hồi sau dịch, vấn đề quan trọng nhất là tháo gỡ các vướng mắc pháp lý và thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, phải khơi thông dòng vốn chảy vào kênh này. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước nên cân nhắc việc giảm tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng bất động sản, giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn, có cơ chế để doanh nghiệp bất động sản có thể huy động vốn minh bạch qua kênh trái phiếu doanh nghiệp…
Đương nhiên, bên cạnh khơi thông nguồn vốn, Chính phủ cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng cung. Từ đầu năm đến nay, mặc dù giao dịch yếu, song giá nhà vẫn có xu hướng nhích lên, do nguồn cung hạn chế, phân khúc nhà giá dưới 30 triệu đồng/m2 rất ít.
Được biết, Dự thảo Nghị quyết về khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp đang được Bộ Xây dựng hoàn thiện, dự kiến trình Chính phủ thông qua trong quý III/2020. Theo đó, Nghị quyết sẽ đưa ra nhiều cơ chế chính sách ưu đãi về vốn, thủ tục, thuế… để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào loại hình nhà ở này.
Dòng tiền bắt đầu chảy vào bất động sản
Tín dụng luôn là kênh dẫn vốn quan trọng nhất của thị trường bất động sản. Năm nay, kênh vốn này càng quan trọng trong bối cảnh vốn đầu tư nước ngoài đổ vào bất động sản sụt giảm do dịch bệnh.
Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao thị trường vốn của JLL Việt Nam cho rằng, mặt bằng lãi suất giảm đang hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp bất động sản hiện nay.
Trên thực tế, bất động sản cũng đang được các ngân hàng chú trọng đẩy mạnh trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chậm sau dịch. Lãnh đạo nhiều ngân hàng tin tưởng, nếu có chiến lược quản trị rủi ro tốt, bất động sản vẫn là lĩnh vực cho vay an toàn và biên lợi nhuận cao nhất.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank khẳng định, nhiều người đánh đồng tín dụng bất động sản với rủi ro, nhưng thực tế, nếu ngân hàng kiểm soát tốt, quản lý tốt, thì cho vay bất động sản không hề rủi ro. Trong giai đoạn khó khăn nhất, khách hàng có thể bán cổ phiếu hoặc bán tài sản khác, chứ ít khi bán nhà.
Tính đến tháng 6/2020, tín dụng bất động sản toàn hệ thống chỉ tăng hơn 1%, song xét về tỷ trọng vẫn chiếm gần 20% tổng dư nợ tín dụng cả nước. Điều này cho thấy, bất động sản đóng góp rất lớn trong cơ cấu lợi nhuận ngân hàng.
Mới đây, ngành ngân hàng có thêm các giải pháp nhằm hỗ trợ nền kinh tế, trong đó có việc tăng trưởng tín dụng trên 10%, giảm thêm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, với các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, Ngân hàng Nhà nước vẫn rất thận trọng.
Chia sẻ với phóng viên, TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định: “Việc thận trọng với các lĩnh vực rủi ro để kiểm soát nợ xấu là đúng, song không có nghĩa là cấm. Cần phải cân bằng giữa đóng góp của các lĩnh vực rủi ro vào phục hồi tăng trưởng kinh tế, song cũng phải kiểm soát được rủi ro, nợ xấu của lĩnh vực này”.
Theo nhận định của các quỹ đầu tư, thị trường bất động sản tuy giao dịch trầm lắng, song đang có dấu hiệu ấm dần lên. Vốn đổ vào thị trường này dự báo sẽ tăng mạnh trở lại khi tình hình dịch bệnh trên thế giới ổn định hơn và thị trường có thể phục hồi trở lại vào cuối năm 2020 hoặc năm 2021.
Covid-19 là dịp để doanh nghiệp bất động sản nhìn nhận lại và cải tổ, song sự hỗ trợ về vốn rất quan trọng. Thực tế, những gói hỗ trợ như gói 30.000 tỷ đồng trước đây, dù không lớn, song trong bối cảnh thị trường đang nguội lạnh hiện nay, lại có ý nghĩa như đốm lửa, tạo động lực cho thị trường bùng lên. Việc tạo vốn mồi lúc này là rất cần thiết để thị trường bất động sản không bị gãy khúc.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội