Bay mất hơn 700 tỷ USD, sức mạnh Trung Quốc rơi vào tình thế khó

Thị trường chứng khoán Trung Quốc chao đảo phiên thứ 3 liên tiếp và giảm mạnh trong phiên giao dịch thứ năm khiến vốn hóa bốc hơi khoảng 700 tỷ USD. Nhiều người lo ngại con sóng thần quét bay 5.000 tỷ USD như 2015 trở lại.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc chao đảo phiên thứ 3 liên tiếp và giảm mạnh trong phiên giao dịch thứ năm khiến vốn hóa bốc hơi khoảng 700 tỷ USD. Nhiều người lo ngại con sóng thần quét bay 5.000 tỷ USD như 2015 trở lại.

Tới cuối phiên giao dịch 16/7, chỉ số CSI 300 Index giảm hơn 4,8% xuống còn 4.516 điểm. Tính chung trong 3 phiên qua, chỉ số này đã giảm hơn 7%. Các chỉ số Shanghai Composite và SSE 50 Index cũng giảm mạnh ở mức gần tương tự.

Chinext, một chỉ số công nghệ dạng Nasdaq "phiên bản Trung Quốc" thậm chí giảm gần 6% trong phiên 16/7 và trong 3 phiên qua giảm tổng cộng hơn 8,4%.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc với quy mô vừa đạt 10 nghìn tỷ USD đã bốc hơi khoảng 700 tỷ USD trong 3 phiên vừa qua.

Trong phiên đầu tuần, chứng khoán Trung Quốc đã chạm ngưỡng vốn hóa 10 nghìn tỷ USD - mức từng đạt được khi thị trường này đạt đỉnh bong bóng hồi năm 2015. Thị trường này sau đó đã chứng kiến một đợt giảm chưa từng có, bốc hơi khoảng 5 nghìn tỷ đồng.

Trong những ngày gần đây, chính quyền Trung Quốc thực sự lo ngại về khả năng TTCK hình thành một bong bóng mới và có khả năng giảm sâu. Truyền thông Trung Quốc đã liên tục cảnh báo các nhà đầu tư, trong khi đó các quỹ nhà nước Trung Quốc cũng bắt đầu bán ra mạnh để hạ nhiệt thị trường.

Bay mất hơn 700 tỷ USD, sức mạnh Trung Quốc rơi vào tình thế khó
Chứng khoán Trung Quốc bị bán tháo.

Các nhà hoạch định chính sách bắt đầu rút thanh khoản ra khỏi hệ thống tài chính, giảm đòn bẩy đầu tư cổ phiếu trên thị trường. Xinhua News Agency cho rằng, TTCK đã tăng quá nhanh và thị trường ngay sau đó giảm nhanh.

Trong phiên giao dịch 16/7, cổ phiếu Kweichow Moutai giảm tới 8,7% khiến vốn hóa bốc hơi 25 tỷ USD. Trước đó, cổ phiếu này đã tăng giá mạnh, lên tới 50% trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, áp lực bán gia tăng nhanh đối với cổ phiếu này sau khi tờ Nhân dân Nhật báo (People’s Daily) đã lên tiếng đả kích cổ phiếu này và đây là một tín hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn ghìm cương đà tăng trên thị trường cổ phiếu.

Chứng khoán Trung Quốc giảm còn do căng thẳng ngày càng leo thang với Mỹ. Bên cạnh đó, sự kiểm soát tiền rẻ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) và sự suy giảm doanh số bán lẻ cũng tạo thêm lý do để nhà đầu tư bắt đầu xả hàng.

Bay mất hơn 700 tỷ USD, sức mạnh Trung Quốc rơi vào tình thế khó
Có doanh nghiệp bốc hơi 25 tỷ USD trong một phiên.

Trong quý II, Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế 3,2%. Đây là một mức tăng trưởng khá và nó cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang hồi phục. Tuy nhiên, tăng trưởng chủ yếu nhờ sản lượng công nghiệp tăng 4,8%, trong khi doanh số bán lẻ giảm 1,8%. Những con số này cho thấy, đà hồi phục kinh tế vẫn chủ yếu đến từ các hoạt động công nghiệp và tâm lý người tiêu dùng vẫn còn mong manh.

Trước đó 2 phiên, TTCK Trung Quốc cũng chứng kiến những tín hiệu xấu chưa từng có với khối nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục trên thị trường huy động vốn dài hạn của nước này. Trong phiên 14/7, khối ngoại đã bán tổng cộng 2,5 tỷ USD cổ phiếu Trung Quốc, một con số kỷ lục.

Trước đó, chứng khoán Trung Quốc đã có cú bứt phá mạnh sau khi tuyên bố khống chế được dịch Covid-19. Cú bứt phá đã đẩy vốn hóa của TTCK Trung Quốc lên đỉnh 10 nghìn tỷ USD, ngang bằng với mức vốn hóa khi thị trường này hình thành bong bóng 5 năm về trước.

Sự tăng giá của cổ phiếu Trung Quốc được cho là quá nhanh. Nó trái ngược với những khó khăn mà Bắc Kinh đang phải đối mặt như: đại dịch, thiên tai lũ lụt, quan hệ xấu đi với các nước, trong đó có Mỹ…

Bay mất hơn 700 tỷ USD, sức mạnh Trung Quốc rơi vào tình thế khó
Trước đó, TTCK đã hút người dân ồ ạt đổ tiền vào, từ những người nghỉ hưu cho tới sinh viên.

Trong tuần trước, chính phủ Trung Quốc đã có những động thái đầu tiên để kìm hãm cơn số cổ phiếu với kế hoạch bán ra từ 2 quỹ Nhà nước Trung Quốc.

Theo Bloomberg, những động thái mới đây cho thấy chính quyền Bắc Kinh thận trọng hơn với việc thị trường tăng điểm quá nóng. Cuối tuần trước, các nhà chức trách Trung Quốc đã yêu cầu các quỹ tương hỗ tạm thu hẹp bớt quy mô của các sản phẩm mới.

Trên thực tế, giới chức Trung Quốc có nhiều lý do để muốn một TTCK tăng điểm. Một TTCK tăng điểm sẽ giúp người dân hào hứng, giúp vực dậy nhu cầu tiêu dùng. Giá cổ phiếu lên cao cũng giúp doanh nghiệp dễ trang trải nợ nần sau những khó khăn do đại dịch Covid gây ra.

Sự hưng phấn ở Đại lục cũng giúp tinh thân của các nhà đầu tư trên TTCK Hong Kong cũng được cải thiện, giảm bớt áp lực từ những đòn đánh từ chính quyền ông Donald Trump.

Dù vậy, chính quyền Bắc Kinh vẫn chưa thể quên được cú sốc giảm điểm trên TTCK nước này năm 2015 khi mà bong bóng xì hơi. Những phản ứng không thích hợp của các cơ quan quản lý đã khiến hàng triệu nhà đầu tư cá nhân thua lỗ nặng.

M. Hà - Theo Vietnamnet

Link gốc

 

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/bay-mat-hon-700-ty-usd-suc-manh-trung-quoc-roi-vao-tinh-the-kho-a44976.html