Đây là thông tin được ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương, đưa ra tại toạ đàm "Nhận diện đa cấp bất chính" do Báo Thanh Niên và Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam, tổ chức chiều 14-7.
Theo quy định, bán hàng đa cấp là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp rồi mới được phép hoạt động. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dạng trả thưởng dựa trên mô hình đa cấp như mua bán ảo, kinh doanh dịch vụ giáo dục, kêu gọi đầu tư dự án mà người chơi được trả thưởng theo mạng lưới đa cấp… Người tham gia những hình thức này sẽ không được pháp luật bảo vệ khi gặp rủi ro.
Doanh nghiệp nào sử dụng mô hình bán hàng đa cấp để huy động vốn, tiền ảo... là đa cấp bất chính. Ảnh: Lam Giang
Ông Trịnh Anh Tuấn phân tích các doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính thường dụ dỗ người tham gia bỏ ra một khoản tiền để gia nhập hệ thống, xem như là chi phí gia nhập. Chi phí này có thể được yêu cầu dưới nhiều hình thức từ nộp tiền để làm thủ tục; làm thẻ thành viên; nộp tiền đặt cọc; mua tài liệu đào tạo hoặc yêu cầu mua một lượng hàng nhất định với giá đắt hơn giá thị trường…
"Đa cấp bất chính còn khiến người mất tiền bị lệ thuộc vào công ty, dẫn đến tình thế buộc phải lôi kéo, dụ dỗ nhiều người khác tham gia để bản thân được hoàn lại tiền. Vì vậy, người dân cần thận trọng, tránh tham gia vào những doanh nghiệp kinh doanh theo hình thức trên để hạn chế rủi ro không đáng có" – ông Tuấn nói.
Chia sẻ tại toạ đàm, không ít sinh viên cho biết đã rơi vào vòng xoáy đa cấp bất chính sau khi nghe lời dụ dỗ về việc có thể dễ dàng làm giàu, thành công nhanh chóng khi đang đi học.
M.T. (21 tuổi), một nạn nhân của mô hình khởi nghiệp làm giàu kiểu đa cấp bất chính, cho biết đã đóng gần 400 triệu đồng vào mô hình đa cấp này và sau 3 năm T. phải bắt đầu lại từ đầu thay vì là sinh viên năm 3 như bạn bè cùng lứa.
Anh A., một phụ huynh có con cũng vướng vào mô hình đa cấp, học làm giàu đã từ miền Trung vào TP HCM tham gia tọa đàm đã kể khi con gái đang là sinh viên năm 1, mới học được khoảng 3 tháng thì nghe được học bổng ở Phần Lan. Anh A. và gia đình tìm cách vay mượn cho con khoảng 428 triệu đồng để đi du học.
"Đưa con đến sân bay, nhận cuộc gọi của con mỗi ngày đều đặn vào rạng sáng nhưng cả gia đình không ngờ đó là thủ đoạn tinh vi của đa cấp biến tướng để lừa cả nhà" - anh A. chia sẻ.
Thiếu tá Phạm Ngọc Thăng, Phó đội trưởng đội 4, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP HCM, cho hay về các giải pháp phòng ngừa đa cấp bất chính, sắp tới Phòng cảnh sát hình sự sẽ có tham mưu cho Công an TP nói riêng và Bộ Công an nói chung, đối với loại tội phạm mới này.
Các công ty đa cấp bất chính sẽ đánh vào lòng tham của nạn nhân hoặc những người khởi nghiệp như sinh viên, công nhân lao động. Do đó, Công an TP mong các trường đại học, công đoàn hội phụ nữ, thanh niên, liên đoàn lao động nên tuyên truyền để người dân nhận biết được các dấu hiệu đa cấp bất chính, từ đó có biện pháp phòng ngừa.
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/da-cap-bat-chinh-du-do-nhieu-sinh-vien-dong-hang-tram-trieu-dong-de-di-du-hoc-a44655.html