Vì sao sai phạm đất đai nghiêm trọng ở Bình Dương… ‘chìm xuồng’?

Trước hàng loạt vụ giao đất trái luật, chuyển đổi mục đích sử dụng đất của cá nhân, nhóm công ty “Phú Hồng Thịnh” diễn ra tràn lan, ngang nhiên suốt thời gian dài nhưng chính quyền Bình Dương dường như đã bị “tê liệt”, không xử lý vi phạm nghiêm trọng này.

Trước hàng loạt vụ giao đất trái luật, chuyển đổi mục đích sử dụng đất của cá nhân, nhóm công ty “Phú Hồng Thịnh” diễn ra tràn lan, ngang nhiên suốt thời gian dài nhưng chính quyền Bình Dương dường như đã bị “tê liệt”, không xử lý vi phạm nghiêm trọng này.

Đất sản xuất thuê của Nhà nước được “phù phép” thành đất ở để phân lô bán nền, thu lợi nhuận siêu “khủng”.

“Đế chế” Phú Hồng Thịnh thâu tóm đất

Ở đâu có đất “vàng”, ở đó có những tỉ phú giàu bất thình lình. Bình Dương – nơi sự tăng tốc phát triển đô thị, khu công nghiệp quá nhanh, cũng đã xuất hiện những tỉ phú “buôn đất” siêu giàu, sở hữu khối tài sản nghìn tỉ mà chủ yếu nhờ hưởng chênh lệch địa tô từ những phi vụ thâu tóm đất công, “hô biến” thành dự án phân lô bán nền, bất chấp vi phạm pháp luật nghiêm trọng…

Nhìn lại quá khứ vi phạm đất đai tràn lan, còn nhớ, ngày 13/11/2014, ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã kí Kết luận kiểm tra số 250/KL-UBND về vi phạm đất đai tại 9 khu đất nông nghiệp tại thị xã (nay là Thành phố thuộc Tỉnh) Thuận An có tổng diện tích 101.353m2 do bà Phạm Thị Hường làm chủ đầu tư, đã phân lô bán nền trái phép.

Cụ thể, có 2 khu ở phường An Phú đã được quy hoạch là đất công viên, cây xanh cách ly theo Quyết định 1071/QĐ-UBND ngày 12/4/2010 của tỉnh, không được phép tách thửa, phân lô bán nền, nhưng cũng bị “xẻ thịt” từ lâu.

Với 7 khu đất nông nghiệp, thời điểm đó, Luật Đất đai 2013 và Luật Nhà ở 2014 chưa có hiệu lực, nên chưa có những quy định chặt chẽ như muốn làm dự án nhà ở phải có đất thổ cư; còn đất nông nghiệp thì phải thực hiện giao đất qua đấu giá, đấu thầu. Về tách thửa đất, Quyết định 49/2009/QĐ-UBND của tỉnh Bình Dương đã quy định diện tích tối thiểu các loại đất được phép tách thửa. Với khu đất có diện tích lớn hơn 2.000m2, bắt buộc phải lập dự án… Các khu đất phải có phương án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, làm xong hạ tầng và được UBND cấp huyện phê duyệt thì mới được phép tách thửa.

Thế nhưng, dù không lập dự án, không đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, không cần chính quyền phê duyệt, hơn 101.353m2 đất nông nghiệp và công viên của bà Hường vẫn được tách thửa trái phép, biến thành khu dân cư không nằm trong quy hoạch nào.

Để hợp thức hoá khối đất đai, vợ chồng bà Phạm Thị Hường – Phạm Hữu Đức đã dùng chiêu thức là phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thành nhiều khu có diện tích dưới 2.000m2 để được tách thửa, chuyển thành đất ở. Sau đó, vợ chồng bà Hường – Đức làm thủ tục tặng cho các con và tiếp tục tách thành nhiều thửa đất nhỏ từ 42,3m2 – 136,2m2.

Chỉ từ ngày 29/4/2010 – 20/5/2011, vợ chồng bà Hường-Đức và hai con Phạm Trọng Khiêm, Phạm Đức Huy đã được cấp… 1.059 sổ đỏ với tốc độ xử lý thủ tục “siêu tốc”.

Sau Kết luận kiểm tra số 250 của tỉnh, vụ việc vi phạm nghiêm trọng này đã được chuyển Cơ quan điều tra và kiến nghị báo cáo kết quả giải quyết về Trung ương. Nhưng sau khi ông Trần Văn Nam lên làm Chủ tịch tỉnh Bình Dương vào cuối năm 2014, thì những chỉ đạo của lãnh đạo cũ về xử lý sai phạm phân lô tách thửa 9 khu đất nông nghiệp đã bị kéo dài quá thời hạn điều tra xác minh, dần dần… “chìm xuồng”.

Ông Lê Thanh Cung (thứ nhất từ phải sang) và ông Trần Văn Nam (thứ hai từ phải sang) tại hành lang kỳ họp bất thường của HĐND tỉnh Bình Dương năm 2014. Ảnh: Bá Sơn

Cũng từ đây, “đế chế” Phú Hồng Thịnh nổi lên với những dự án khu nhà ở thương mại hoành tráng, có nguồn gốc từ đất sản xuất, đất công, chuyển đổi thành đất ở đô thị. Nhóm công ty do bà Phạm Thị Hường làm Chủ tịch, Tổng giám đốc đã liên tục được giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để biến thành hơn 17 dự án phân lô bán nền, thu lợi cả nghìn tỉ đồng.

Đơn cử, ngày 30/5/2018, bà Hường đã mua của Công ty TNHH SXKDTMDV Thiên Phát 7.000m2 đất do Thiên Phát thuê của nhà nước từ năm 2002 (loại đất xây dựng công trình công nghiệp). Tiếp đó, ngày 3/7/2018, bà Hường lại kí hợp đồng mua của Công ty TNHH SXDVTM Lộc Phát là 21.000m2 đất thuê của Nhà nước; trong đó có 4.989m2 đất cơ sở sản xuất kinh doanh nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm; 1.6811m2 đất xây dựng công trình công nghiệp Nhà nước cho thuê từ năm 2008… Các khu đất mua gom này được gộp lại và làm hồ sơ gửi lên UBND tỉnh Bình Dương đề nghị cho xây dựng khu nhà ở thương mại.

Đến ngày 25/7/2018, UBND tỉnh Bình Dương đã ra Quyết định số 2029/QĐ-UBND về giao đất thuê, đất trồng cây với tổng diện tích 3ha, cho phép chuyển đổi thành đất ở để làm dự án Phú Hồng Đạt, sau đó phân thành 310 lô đất nền để bán dễ dàng.

Như vậy, quỹ đất thuê của nhà nước đã bị tư nhân thâu tóm gọn, “hô biến” thành tài sản riêng để trục lợi bất chính.

(Còn nữa)

Phi Long - Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường
Link gốc

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/vi-sao-sai-pham-dat-dai-nghiem-trong-o-binh-duong-chim-xuong-a44645.html