Giá dầu đóng cửa phiên qua trái chiều khi số liệu kinh tế tích cực hỗ trợ giá, nhưng số ca nhiễm virus corona tăng vọt tại Mỹ có thể hạn chế nhu cầu nhiên liệu gây áp lực lên giá.
Chốt phiên 6/7, giá dầu Brent tăng 30 US cent lên 43,10 USD/thùng. Dầu WTI đóng cửa giảm 2 US cent xuống 40,63 USD/thùng.
Hoạt động ngành dịch vụ Mỹ đã phục hồi mạnh trong tháng 6, gần như trở lại mức độ trước dịch Covid-19, trong khi kinh tế của Trung Quốc đang phục hồi và thị trường vốn đang thu hút tiền tệ, tạo bối cảnh cho một thị trường tăng trưởng lành mạnh, theo Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc.
Tuy nhiên, số liệu của Đức cho thấy sự phục hồi từ Covid-19 sẽ chậm chạp và đau đớn. Các đơn hàng công nghiệp của Đức phục hồi vừa phải trong tháng 5/2020 và 1/5 các công ty trong nền kinh tế lớn nhất Châu Âu cho biết trong một cuộc khảo sát công bố ngày 6/7 rằng họ lo sợ mất khả năng thanh toán.
Biên độ dao động của dầu thô Brent đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi giá bắt đầu giảm trong tháng 3 và do các thị trường vẫn tập trung vào nguồn cung đang thắt chặt. Sản lượng của tổ chức OPEC đã giảm xuống mức thấp nhất trong hàng thập kỷ. OPEC và các nhà sản xuất khác gồm Nga, gọi là OPEC+ đã đồng ý giảm sản lượng kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày trong tháng 7.
Công ty dầu mỏ Aramco của Saudi Arabia đã tăng giá bán chính thức 1 USD/thùng đối với dầu thô giao sang Châu Á trong tháng 8 và nâng giá với hầu hết các loại dầu bán sang Châu Âu và Mỹ.
Vàng tăng khi số trường hợp nhiễm virus gia tăng làm lu mờ số liệu kinh tế tích cực
Giá vàng hướng tới mức cao nhất trong gần 8 năm do lo sợ kéo dài về số ca nhiễm virus corona mặc dù chứng khoán mạnh hơn và số liệu lĩnh vực dịch vụ của Mỹ tích cực.
Vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.783,75 USD/ounce. Vàng kỳ hạn tháng 8 của Mỹ chốt phiên tăng 0,2% lên 1.793,5 USD/ounce.
Trong 4 ngày đầu tháng 7, có 15 bang của Mỹ đã báo cáo số ca nhiễm Covid-19 gia tăng, khiến tạm dừng một số kế hoạch nới lỏng phong tỏa. Số ca nhiễm tiếp tục tăng tại Ấn Độ, Australia và Mexico.
Gạt đi sự gia tăng số ca nhiễm virus corona mới, chứng khoán Mỹ tăng sau khi tăng trưởng bất ngờ trong lĩnh vực dịch vụ ở Mỹ và do hy vọng sự phục hồi kinh tế dẫn đầu là Trung Quốc sau đại dịch.
Vàng đã tăng 17,5% từ đầu năm tới nay, thúc đẩy bởi các biện pháp kích thích kinh tế và giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương.
Đồng lên mức cao nhất 5 tháng do lạc quan về nhu cầu
Giá đồng lên mức cao nhất 5 tháng trong ngày hôm qua, do lạc quan về nhu cầu tại nước tiêu dùng hàng đầu Trung Quốc và lo ngại về sự lây lan virus corona ở Chile, nhà sản xuất đồng lớn nhất thế giới.
Giá đồng trên sàn giao dịch kim loại London tăng 1,8% lúc đóng cửa lên 6,127 USD/tấn. Giá kim loại này được sử dụng rộng rãi trong ngành điện và xây dựng, trước đó đã chạm 6.143 USD/tấn, cao nhất kể từ 22/1/2020.
Nhu cầu của Trung Quốc có thể được đánh giá từ nhập khẩu đồng ở mức 436.030 tấn trong tháng 5/2020, giảm 5,5% so với tháng 4, nhưng tăng hơn 20% so với tháng 4/2019.
Ngành đồng của Chile đang bị đe dọa khi virus corona bùng phát ở khắp quốc gia này.
Quặng sắt đảo chiều tăng
Giá quặng sắt phục hồi sau khi giảm trong đầu phiên giao dịch, theo xu hướng gia tăng của chứng khoán Trung Quốc, đã tăng vọt lên mức cao nhất 5 năm do hy vọng phục hồi kinh tế nhanh chóng tại nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới này.
Tuy nhiên, đà tăng của quặng sắt bị hạn chế do tồn kho thành phần sản xuất thép tại cảng của Trung Quốc ngày càng tăng làm dịu lo lắng về sự thắt chặt nguồn cung toàn cầu khiến giá giao ngay khoảng 100 USD/tấn trong hơn một tháng nay.
Quặng sắt Đại Liên đóng cửa tăng 0,9% lên 750,5 CNY (106,7 USD)/tấn, và tăng 0,6% trên sàn giao dịch Singapore.
Quặng sắt Đại Liên tăng 29% trong nửa đầu năm 2020, do nhu cầu tại Trung Quốc phục hồi sau khi quốc gia này nới lỏng những hạn chế liên quan tới virus, trong khi xuất hiện lo ngại về hoạt động khai thác mỏ ở Brazil.
Các nhà đầu tư tập trung vào công ty khai mỏ Vale SA của Brazil và ảnh hưởng của sự gia tăng các trường hợp Covid-19 đối với sản xuất quặng sắt đã sẵn sàng bị cản trở bởi thảm họa đập chất thải vào năm ngoái.
Tồn kho quặng sắt của Trung Quốc, tháng trước đã ở mức thấp nhất kể từ tháng 10/2016, kể từ đó đã tăng ổn định đạt 109,75 triệu tấn vào ngày 3/7/2020, theo số liệu của công ty SteelHome.
Giá quặng sắt được dự kiến đạt trung bình 79 USD/tấn, FOB Australia, trong năm nay và 65 USD trong năm tới do nguồn cung có thể tăng.
Thép cây trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 0,4%, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 0,2%, thép không gỉ giảm 0,1%.
Giá cao su TOCOM đạt mức cao nhất 10 ngày
Giá cao su trên sàn giao dịch Tokyo (TOCOM) đạt cao nhất 10 phiên trong ngày hôm qua, theo xu hướng giá cao su Thượng Hải tăng, do các nhà đầu tư đặt cược sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc. Hợp đồng cao su TOCOM kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng 1,2 JPY lên 156,8 JPY (1,5 USD)/kg, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 26/6 trong phiên trước. Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 tăng 195 CNY lên 10.610 CNY (1.508 USD)/tấn, đóng cửa cao nhất kể từ ngày 11/6.
Giá cao su Thượng Hải được thúc đẩy bởi chứng khoán Trung Quốc tăng do Bắc Kinh tiếp tục cải cách các thị trường vốn và thanh khoản dồi dào đã nuôi hy vọng cho sự phục hồi kinh tế nhanh chóng, bù đắp những lo ngại về sự gia tăng các trường hợp virus corona toàn cầu.
Cà phê giảm
Cà phê arabica đóng cửa giảm mạnh do các thương nhân Mỹ quay trở lại sau kỳ nghỉ lễ và lo lắng về thiệt hại bởi thời tiết lạnh giá ở Brazil đã dịu đi
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 đóng cửa giảm 5,05 US cent hay 4,9% xuống 98,15 US cent/lb, sau khi đạt cao nhất hơn một tháng trong tuần trước.
Các đại lý cho biết những lo lắng về thời tiết bất lợi lùi xa tại Brazil, nước sản xuất hàng đầu thế giới đã khiến giá giảm.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 chốt phiên giảm 24 USD hay 2,0% xuống 1.175 USD/tấn.
Đường giảm
Đường thô kỳ hạn tháng 10 đóng cửa giảm 0,31 US cent hay 2,5% xuống 11,93 US cent/lb.
Các đại lý cho biết không có lý do cơ bản nào để đường thô tăng giá vì thời tiết vẫn thuận lợi ở Brazil, Ấn Độ và Liên minh Châu Âu, và lợi nhuận tinh chế đường trắng tiếp tục giảm.
Đà giảm giá đường bị hạn chế bởi sự gia tăng trong chứng khoán toàn cầu khi các nhà đầu tư tin tưởng vào sự hồi sinh trong hoạt động của Trung Quốc, mặc dù số ca nhiễm virus corona đang gia tăng đã trì hoãn việc mở cửa lại nền kinh tế trên khắp nước Mỹ.
Công ty Czarnikow cho biết họ dự kiến nhu cầu từ các khách hàng Trung Quốc tăng lên do nước này đã áp đặt chính sách mới đối với nhập khẩu đường ngoài hạn ngạch, mà theo lý thuyết cho phép nhập khẩu không giới hạn.
Đường trắng kỳ hạn tháng 8 đã giảm 2,7 USD hay 0,8% xuống 348,3 USD/tấn.
Đậu tương cao nhất 4 tháng do thời tiết khô, nóng ở Mỹ
Ngô và đậu tương của Mỹ tăng trong phiên qua do dự đoán thời tiết khô và nóng ở các khu vực trồng trọt, sau khi chính phủ cho biết diện tích trồng ít hơn dự kiến.
Đậu tương đã chạm mức cao nhất 4 tháng và ngô gần mức cao nhất 3,5 tháng do thị trường cũng được hỗ trợ bởi nhu cầu từ Trung Quốc.
Đậu tương trên sàn giao dịch Chicago CBOT đóng cửa tăng 9-1/2 US cent lên 9,06-1/4 USD/bushel sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 5/3. Ngô tăng 2-3/4 US cent lên 3,56-1/4 USD/bushel.