Bỏ cả vài trăm triệu cho đến cả tỷ đồng mua chung cư mini những tưởng sẽ có tổ ấm để “an cư lạc nghiệp”, thế nhưng không ít gia đình đã sớm vỡ mộng khi dọn về sinh sống.
Với giá chỉ từ 600 triệu đồng – 900 triệu đồng cho 1 căn hộ từ 45-60 m2, các dự án chung cư mini từng “làm mưa, làm gió” trên thị trường.
Tuy nhiên, việc xây dựng tràn lan cộng với việc bất chấp các quy định xây dựng, phòng cháy chữa cháy, nhiều chung cư mini không đảm bảo các yếu tố an toàn, trở thành mối đe dọa gây áp lực lên hạ tầng đô thị.
Cuộc sống ám ảnh trong các “hộp diêm”… chung cư mini
Cho đến bây giờ, anh Lê Phòng (38 tuổi, quê gốc Hải Phòng) vẫn không thể quên trải nghiệm nhớ đời khi sống trong những “hộp diêm” chung cư mini.
Cách đây 8 năm, năm 2012 anh Phòng bỏ 600 triệu đồng tiết kiệm cộng với vay lãi ngân hàng hơn 300 triệu đồng để mua căn chung cư 45m2 ở khu vực Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội).
Anh Phòng cho hay, thời điểm đó các dự án nhà ở thương mại rất hạn chế nên chung cư mini “đắt như tôm tươi”. Các dự án xây dựng đến đâu gần như có người đặt mua hết đến đó. Để sở hữu căn hộ chung cư mini này anh Phòng đã phải chạy vạy ngược xuôi thậm chí mất phí cho các cò môi giới “đặt cọc giữ chỗ” từ trước.
Khu chung cư mini của gia đình anh Phòng có tất cả 32 căn hộ, với 9 tầng, mỗi phòng có diện tích từ 40m2-60m2, giá từ 800 triệu đồng – 1 tỷ đồng/căn. Trái ngược với lời quảng cáo về “căn hộ trong mơ” giữa Thủ đô, khi chuyển về đây ở cả gia đình anh Phòng đã lập tức… “vỡ mộng”.
“Căn hộ tôi ở có 2 cửa sổ nhưng 1 cửa “chết” không lấy được ánh sáng do tường nhà bên cạnh che mất. Ngày cũng như đêm trong nhà bí bách, ngột ngạt vô cùng, phải bật điện cả ngày lẫn đêm”, anh Phòng kể.
Chất lượng xây dựng công trình kém nên chỉ sau một thời gian, căn nhà anh Phòng đã xuất hiện hiện tượng xuống cấp, thấm dột. Tường nhà bong tróc, mốc ẩm, hệ thống nước trong nhà vệ sinh thường xuyên bị tắc, gần như tháng nào cũng phải gọi thợ đến sửa.
Đó là chưa kể, để đảm bảo an ninh, tòa nhà có quy định các hộ gia đình phải về trước 11 giờ đêm, sau giờ này bảo vệ sẽ khóa cổng.
Dù vậy, chỉ 3 tháng sau khi dọn đến nơi ở mới, vợ chồng anh Phòng đã bị gian bẻ khóa trộm mất chiếc xe máy.
“Đây mới chỉ là 1 phần những rắc rối, bất cập. Mỗi ngày có hàng ti tỉ thứ phát sinh. Đơn cử như mỗi lần hỏng hóc thang máy, hay vấn đề về vệ sinh, an ninh có khi mất cả tháng mới thống nhất được mọi người. Các căn hộ cũng không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà mà chỉ có hợp đồng mua bán công chứng với công ty.
Đáng lẽ nhà là nơi bình yên nhất để trở về thì đằng này hai vợ chồng tôi lúc nào cũng cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi khi ở đây”, anh Phòng kể.
Năm 2017, hai vợ chồng anh Phòng quyết định bán lại căn hộ mini sau thời gian trải nghiệm không mấy tốt đẹp. May mắn, thời điểm đó “cơn sốt” chung cư mini vẫn chưa hạ nhiệt nên căn hộ anh Phòng nhanh chóng tìm được chủ mới chỉ sau 3 tháng chào bán.
“Thời điểm đó, tôi bán lỗ 150 triệu đồng nhưng thế vẫn là quá may mắn. Cho đến giờ, nhiều người ở đó muốn bán cũng không được mà ở thì cũng không xong vì có quá nhiều bất cập, rắc rối”, anh Phòng nói.
Vướng pháp lý, chung cư mini bán “cắt lỗ” cả vài trăm triệu vẫn không ai mua!
Không gặp may như anh Phòng, vợ chồng chị Huyên (32 tuổi) đã rao bán căn chung cư mini 48m2 ở Bắc Từ Liêm (Hà Nội) lay lắt gần 3 năm nay mà vẫn không có người mua.
“Năm 2013 tôi mua căn chung cư đó với giá 980 triệu đồng. Cách đây 3 năm tôi “cắt lỗ” còn 800 triệu đồng nhưng vẫn không tìm được chủ mới, tiếp tục giảm sâu còn 700 triệu đồng nhưng vẫn ế ẩm đến giờ”, chị Huyên nói.
Nguyên nhân khó thanh khoản trên thị trường theo chị Huyên là do những rắc rối về pháp lý của căn hộ. Tòa nhà có 40 căn hộ nhưng các hộ gia đình không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà.
“Trước khi mua, chủ đầu tư có hứa hẹn là 1 năm sau là sẽ được tách sổ hồng riêng nhưng từ đó đến nay vẫn chỉ là lời hứa suông. Lý do là tòa nhà đã xây vượt quá số tầng quy định, các căn hộ cũng không đáp ứng được về yêu cầu phòng cháy chữa cháy. Giờ có việc muốn thế chấp ngân hàng, vay nợ hay bán để có khoản đầu tư cũng rất khó”, chị Huyên xót xa nói.
Thực tế các dự án chung cư mini vẫn có thể cấp sổ hồng nhưng rất ít nơi đảm bảo được các yêu cầu về xây dựng, an toàn phòng cháy chữa cháy. Ảnh minh họa
Luật sư Nguyễn Đức Hùng (Phó phòng Tranh tụng, hãng luật TGS, Đoàn Luật sư Hà Nội) thực tế, các dự án chung cư mini vẫn có thể cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà ở (sổ hồng) nếu đáp ứng đủ các điều kiện của pháp luật. Tuy nhiên, hầu hết các dự án chung cư mini hiện nay đều khó cấp sổ hồng do vướng nhiều sai phạm.
“Khi xây dựng chung cư mini, nhiều chủ đầu tư lợi dụng kẽ hở của pháp luật bằng cách “núp bóng” xin phép nhà ở riêng lẻ trên đất ở (hợp pháp). Sau đó, tự ý thực hiện việc xây dựng công trình theo kiểu nhiều tầng, phân chia thành nhiều căn hộ mà không tuân thủ các quy định, quy chuẩn của pháp luật về xây dựng (xây sai phép).
Điều này dẫn đến việc các quyền lợi cho người mua rất khó để đảm bảo”, luật sư Hùng nói.
Trong khi đó, ông Minh, giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội cho rằng, nhu cầu của người mua lớn trong khi nguồn cung khan hiếm nhất là tại các thành phố lớn đã khiến loại hình chung cư mini nở rộ và thu hút người mua trong thời gian qua.
Tuy nhiên, việc bỏ vài trăm triệu cho đến cả tỷ đồng để sở hữu 1 căn nhà không đảm bảo yêu cầu pháp lý, an toàn trong xây dựng là không đáng. Điều này giống như “đánh liều với canh bạc”.
“Với chi phí trên dưới 1 tỷ đồng người tiêu dùng hoàn toàn có thể lựa chọn các căn nhà chung cư thương mại ở ngoại thành Hà Nội, với pháp lý rõ ràng, đảm bảo các tiêu chuẩn trong xây dựng. Hiện nay, giao thông hạ tầng ở các khu vực này cũng đã được đầu tư đồng bộ, việc di chuyển vào nội đô không còn quá khó khăn như trước”, ông Minh nói.
Hiệp Nguyễn/Dantri.com.vn