Tân Mai Group đang sở hữu và quản lý 30.846,22 ha đất rừng ở Đăk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai ngoài ra còn hàng triệu m2 đất nhà máy giấy ở Kon Tum, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Bình Dương.
Đầu năm 2020, CTCP Tập đoàn Tân Mai (Tân Mai Group) đã có thông báo về việc chuyển giao chức vụ Chủ tịch HĐQT từ ông Trần Đức Thịnh (SN 1962) sang ông Lê Thành (SN 1974). Cùng với đó, tỷ lệ sở hữu của ông Thành tại Tân Mai Group cũng được xác định lên tới 61,74%, tương ứng với 55 triệu cổ phần.
Nhiều khả năng số cổ phần mà ông Thành sở hữu là từ CTCP Đồng Nai, bởi gần như cùng thời điểm pháp nhân này cũng đã hoàn tất thương vụ chuyển nhượng 43,3 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 48,63% vốn tại Tân Mai Group. Lưu ý rằng trước đó, theo kết quả lấy ý kiến cổ đông, đã có 30 phiếu bầu sở hữu 62,5 triệu cổ phần có quyền biểu quyết, chiếm tỷ lệ 70,2%, tán thành bầu ông Lê Thành vào Thành viên HĐQT giữ chức Chủ tịch HĐQT Tân mai Group, điều này phần nào cho thấy sự tín nhiệm của cổ đông đối với chủ nhân mới của chiếc ghế Chủ tịch này.
Tân Mai Group đang sở hữu và quản lý 30.846,22 ha đất rừng ở Đăk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai ngoài ra còn hàng triệu m2 đất nhà máy giấy ở Kon Tum, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Bình Dương.
Sau khi lên nắm quyền, ông Lê Thành cũng lần lượt giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật tại loạt công ty con thuộc hệ sinh thái của Tân Mai Group, gồm: CTCP Tân Mai miền Trung, CTCP Tân Mai Lâm Đồng, CTCP Tân Mai Tây Nguyên và CTCP Tân Mai miền Đông.
Tháng 4 vừa qua, vị doanh nhân này còn góp vốn thành lập CTCP Lâm nghiệp Tân Mai với số vốn điều lệ 5 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, ông Lê Thành sinh năm 1974 và từng kinh qua các chức vụ như Giám đốc Trung tâm tư vấn đầu tư – Viện Nghiên cứu đào tạo về quản lý, Giám đốc Công ty Xây dựng NSG, Viện trưởng Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ và Thành viên HĐQT Tổng Công ty Xây dựng số 1-CTCP (mã CC1). Giữa năm 2019, bên cạnh việc rút khỏi CC1 theo nguyện vọng cá nhân, vị doanh nhân sinh năm 1974 này cũng bán toàn bộ 14 triệu cổ phiếu CC1 với giá khớp bình quân là 14.600 đồng/cổ phần.
Với bề dày kinh nghiệm sẵn có, sự xuất hiện của doanh nhân Lê Thành được kỳ vọng sẽ mang luồng gió tươi mới và đưa Tân Mai Group – một doanh nghiệp có lịch sử lâu đời trong ngành giấy, thoát khỏi cục diện khó khăn với khoản lỗ trăm tỷ như hiện tại.
Kể từ khi được cổ phần hóa và chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần vào năm 2006 thì đến năm 2012 công ty này bắt đầu ghi nhận lỗ lũy kế.
Tính đến ngày 30/9/2019, Tân Mai Group đang có 944 tỷ đồng hàng tồn kho và hơn 5.000 tỷ đồng vay nợ tài chính, trong đó Ngân hàng Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – CN Đồng Nai là chủ nợ lớn nhất với giá trị nợ lên đến 3.151 tỷ đồng. Trong khi, lượng tiền và tương đương tiền của Tân Mai chỉ đạt 83,4 tỷ đồng.
Trước đó vào năm 2018, Tân Mai Group còn phải ghi nhận khoản lỗ lũy kế là 292,4 tỷ đồng. Số lỗ lũy kế này có thể còn lớn hơn nếu năm 2017 doanh nghiệp này không ghi nhận khoản lãi bất thường từ chuyển nhượng dự án bất động sản (540 tỷ đồng) và khoản miễn giảm lãi vay của VietinBank – Chi nhánh Đồng Nai (179 tỷ đồng).
Bên cạnh kết quả kinh doanh không mấy khả quan thì các dự án đầu tư của Tân Mai Group cũng không mấy thuận lợi. Đơn cử như việc đầu tư xây dựng nhà máy (dự án Nhà máy bột và giấy Tân Mai Quảng Ngãi) tại CTCP Tân Mai Miền Trung, với chi phí xây dựng cơ bản dở dang ghi nhận đến tháng 9/2019 là hơn 4.296 tỷ đồng. Ngày 26/4/2018, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có quyết định chấm dứt hoạt động của dự án này với lý do nhà đầu tư thực hiện đầu tư chậm tiến độ.
Đối với dự án nhà máy giấy Tân Mai Lâm Đồng tại Cụm Công nghiệp Đạ Oai (huyện Đạ Hoai, tỉnh Lâm Đồng), ngày 21/1/2014, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư với lý do nhà đầu tư không đủ khả năng tài chính để tiếp tục đầu tư và triển khai.
Bên cạnh đó, theo dữ liệu của Nhadautu.vn, giai đoạn từ năm 2010 – 2017, Tân Mai Group cũng đã phải liên tục thế chấp các tài sản của mình tại nhiều nhà băng, gồm tài sản tại nhà máy Tân Mai; Hàng tồn kho tại nhà máy Giấy Bình An; Nhà máy giấy An Bình;…
Trong năm 2016, ảnh hưởng của nắng hạn kéo dài đã khiến hơn 2.748,91 ha rừng trồng nguyên liệu giấy thuộc dự án mà Tân Mai Group hợp tác với Binh đoàn 16 bị chết khô. Tổng giá trị thiệt hại được công ty ghi nhận trong năm tài chính 2017 là 102,2 tỷ đồng.
Dẫu vậy, Tân Mai Group vẫn thể hiện sự cố gắng chuyển mình khi tham gia nhiều hợp đồng hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực bất động sản dựa trên quỹ đất “khủng” mà công ty sở hữu tại nhiều địa phương. Điểm chung tại phần lớn dự án này là việc Tân Mai group tham gia góp quyền thuê, quyền sử dụng đất để nắm giữ 30% vốn trong liên danh, trong khi đối tác sẽ góp 70% vốn bằng tiền mặt để đầu tư xây dựng dự án.