Bất chấp Covid-19, tài khoản NĐT vẫn “nở” ra nhiều nếu nắm giữ các cổ phiếu BĐS này trong 6 tháng

Dù thị trường chứng khoán chung bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 nhưng vẫn có nhiều cổ phiếu bất động sản bứt phá mạnh và đem lại nhiều niềm vui cho nhà đầu tư.

Một nửa chặng đường của năm 2020 đã trôi qua và thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những biến động rất mạnh trong thời gian này. Thị trường tăng tốt ngay trong khoảng thời gian đầu của năm 2020 với việc VN-Index vượt qua được mốc 990 điểm. Tuy nhiên, do tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19 nên thị trường chứng khoán thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã lao dốc rất mạnh. 

Riêng VN-Index khoảng thời gian cuối tháng 1 đến hết tháng 3 có nhiều phiên giảm trên 4% thậm chí là trên 6%. VN-Index thiết lập đáy 6 tháng vào phiên 30/3 với 622,26 điểm, tương ứng giảm 31% so với cuối năm trước.

Sau khi lập đáy hôm 30/3, thị trường đã có bước hồi phục “thần tốc” và đạt đỉnh ngắn hạn ở 900,68 điểm vào phiên 10/6, kể từ đó, thị trường có sự điều chỉnh nhất định trở lại.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6, VN-Index đứng ở mức 825,11 điểm, tương ứng giảm 14% so với cuối năm trước. Trong khi đó, HNX-Index bất ngờ tăng 9% lên 111,69 điểm chủ yếu nhờ lực đẩy của cổ phiếu SHB. UPCoM-Index giảm nhẹ gần 0,1% xuống 56,05 điểm.

Đa số các cổ phiếu vốn hóa lớn đều giảm giá sau 6 tháng đầu năm, trong đó, các mã giảm sâu có VIC, GAS, ACV, SAB, VJC, VRE, MBB, MWG…

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, thống kê 112 mã đang giao dịch trên cả 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM thì trong 6 tháng đầu năm có đến 64 mã giảm giá, trong đó, VRC, CLG, IJC, LDG, NTL… là các mã giảm sâu ở nhóm ngành này.

Các cổ phiếu bất động sản tăng giá trên 10% trong 6 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, tài khoản nhà đầu tư vẫn có thể tăng lên thậm chí là gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2019 nếu kiên trì nắm giữ những cổ phiếu như IDJ, VRG, DRH, AMD, ITA hay HQC…

Đứng đầu danh sách tăng giá trong nhóm bất động sản sau 6 tháng đầu năm là cổ phiếu V11 của VINACONEX No11 với 200%. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý ở cổ phiếu V11 là thanh khoản rất thấp và thường xuyên không có giao dịch nên việc muốn kiến lợi nhuận ở cổ phiếu này cũng là khá khó khăn với nhà đầu tư. Hiện tại, thị giá của V11 chỉ vỏn vẹn 300 đồng/cp.

Diễn biến giá cổ phiếu V11. Nguồn: VNDirect.

Cái tên tăng mạnh thứ 2 của nhóm bất động sản là “tân binh” THD của Thaiholdings. THD mới chỉ lên giao dịch trên sàn HNX vào phiên 19/6 với giá tham chiếu 15.000 đồng/cp, cổ phiếu này đã tăng trần trong tất cả các phiên giao dịch kể từ thời điểm niêm yết đến hết tháng 6. Tính tổng cộng THD đã tăng 151% thời gian qua. Dù vậy, giao dịch của cổ phiếu THD chỉ thực sự diễn ra trong phiên đầu tiên (19/6), các phiên còn lại THD chỉ khớp lệnh được từ vài trăm đến hơn 1.000 cổ phiếu.

Thaiholdings được thành lập năm 2011 trên cơ sở CTCP Đầu tư và Phát triển Kinh Thành. Công ty có các mảng kinh doanh chính là thương mại vật liệu xây dựng, cho thuê bất động sản, hoạt động đầu tư tài chính, hoạt động thương mại thực phẩm. Về cơ cấu cổ đông, ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) hiện là cổ đông lớn duy nhất nắm giữ 20% cổ phần công ty.

2 cổ phiếu V11 và THD dù tăng giá mạnh nhưng không nhiều nhà đầu tư có thể tham gia nắm giữ được 2 mã này do yếu tố thanh khoản thấp, trong khi đó, các cổ phiếu có yếu tố thị trường cao như IDJ của IDJ Financial, VRG của PT Đô thị và KCN Cao su VN, DRH của DRH Holdings, AMD của FLC Stone hay ITA của Đầu tư CN Tân Tạo lại có thể dễ dàng giúp nhiều nhà đầu tư kiếm được khoản lợi nhuận lớn nếu nắm giữ sau 6 tháng bất chấp thị trường chung bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Đối với IDJ, doanh nghiệp này dường như không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh thay vào đó, kết quả kinh doanh quý I lại có sự tích cực khi báo lãi sau thuế hơn 3 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức chỉ 528 triệu đồng của cùng kỳ năm trước.

Năm 2020, đại hội đồng cổ đông công ty đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt trên 465 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt 91,9 tỷ đồng. Các chỉ tiêu này đều cao hơn nhiều so với mức thực hiện trong năm 2019 là 354 tỷ đồng doanh thu và 8,9 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Chốt phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6, IDJ đứng ở mức 11.800 đồng/cp, tương ứng tăng 90% so với cuối năm 2019.

Diễn biến giá cổ phiếu IDJ. Nguồn: VNDirect.

Cái tên đáng chú ý tiếp theo là DRH với mức tăng giá 73% sau 6 tháng vừa qua. Giá cổ phiếu DRH đã tăng từ 3.980 đồng/cp lên 6.870 đồng/cp. Tương tự như IDJ, kết quả kinh doanh của DRH trong quý I là tương đối tích cực trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phải rơi vào trạng thái thua lỗ. Đơn vị này đạt lợi nhuận gần 8,3 tỷ đồng trong quý I, tăng 17% so với cùng kỳ.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của DRH đã thông qua kế hoạch doanh thu giảm 26% so với năm 2019 và đạt 275 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận dự kiến tăng 16% lên 75 tỷ đồng.

Diễn biến giá cổ phiếu DRH. Nguồn: VNDirect.

Tiếp đến, cổ phiếu ITA cũng khiến nhiều nhà đầu tư phải bất ngờ. Sau giai đoạn cũng có phần khó khăn khi thị trường chung chịu ảnh hưởng xấu từ dịch Covid-19, ITA bất ngờ vào “sóng” từ thời điểm cuối tháng 5 đến khoảng giữa tháng 6, khi đó đồ thị giá của cổ phiếu ITA đi lên theo chiều thẳng đứng với nhiều nhiều tăng trần liên tiếp. Tuy nhiên, thời gian cuối tháng 6, cổ phiều này đã “nguội” trở lại và đã có những sự điều chỉnh nhất định. Tính chung trong 5 tháng, ITA tăng 52% từ 16.028 đồng/cp lên thành 6.870 đồng/cp.

Kết quả kinh doanh của ITA ở quý I là rất tích cực khi lãi 25,4 tỷ đồng, gấp 4,3 lần kết quả đạt được trong quý I năm ngoái. Năm 2020, ITA đặt kế hoạch doanh thu giảm về 842 tỷ đồng nhưng ngược lại chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế tiếp tục tăng hơn 31,5% lên 271 tỷ đồng. Mức cổ tức 2020 dự kiến 5%.

Diễn biến giá cổ phiếu ITA. Nguồn: VNDirect.

Link gốc

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/bat-chap-covid-19-tai-khoan-ndt-van-no-ra-nhieu-neu-nam-giu-cac-co-phieu-bds-nay-trong-6-thang-a43171.html