Có gần 90% môi giới bất động sản hoạt động không có chứng chỉ hành nghề, trình độ, năng lực, hiểu biết về pháp luật còn nhiều yếu kém... đó là thông tin do ông Nguyễn Đức Lập – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Bất động sản cho biết tại hội thảo về vai trò hoạt động môi giới trong quản lý và phát triển thị trường bất động sản tại Việt Nam.
Theo ông Lập, chỉ có khoảng 1000 đơn vị thành lập sàn giao dịch trong số hàng vạn công ty tham gia dịch vụ môi giới bất động sản.
Dẫn số liệu cách đây một năm của Hội môi giới BĐS Việt Nam, ông Lập cho hay, đến tháng 6/2019 có khoảng 300.000 người tham gia hoạt động lĩnh vực môi giới; trong đó chỉ có 27.000 người có chứng chỉ hành nghề theo luật cũ 2006, còn theo luật mới là 8.000 người. Tính ra, tỷ lệ môi giới bất động sản chưa có chứng chỉ hành nghề là hơn 88%. Tại Đà Nẵng, hơn 10 năm triển khai đào tạo và cấp chứng chỉ, đến nay cũng chỉ mới có hơn 1.600 chứng chỉ môi giới được cấp.
Ông Lập cho rằng, phần lớn lực lượng môi giới hiện nay thiếu kiến thức căn bản để hành nghề. Đặc biệt là kiến thức về pháp luật có liên quan đến lĩnh vực bất động sản.
“Môi giới phần lớn hoạt động không khác gì người “dẫn mối” hoặc là như sale bán hàng; không ít môi giới bắt tay với nhà đầu cơ tạo nên những cơn sốt đất ở khắp các địa phương, gây náo loạn thị trường, thổi giá để trục lợi... Họ là tác nhân chính khiến giá nhà đất lên cao vượt quá khả năng chi trả của người dân. Không ít khách hàng là nạn nhân bị “cò đất” lừa đảo, mất trắng tài sản tích cóp cả một đời người. Hệ lụy để lại cho xã hội là vô cùng to lớn”, ông Lập nói.
TS. Lưu Đức Minh - Phó giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị thì cho rằng, hoạt động môi giới bất động sản hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại và rất khó quản lý.
Theo ông Minh, trên thị trường chưa có thời điểm nào, lượng “cò đất” bùng nổ về số lượng và hoạt động sôi nổi như mấy năm gần đây.
“Chỉ cần một status trên trang facebook cá nhân, nhất là trong những hội nhóm mua bán nhà đất khi có nhu cầu mua, bán, thuê, cho thuê đất, nhà, mặt bằng, hàng trăm comment lập tức thi nhau “nhảy vào” mời chào, môi giới. Nghiêm trọng hơn, hoạt động thiếu kiến thức và am hiểu quy định của pháp luật khiến không ít nhà môi giới bất động sản trở thành “con bài” cho các sàn giao dịch bất động sản ảo, lừa đảo lợi dụng”, ông Minh cho hay.
Trước thực trạng này, các chuyên gia cho rằng, cần chấn chỉnh công tác đào tạo, sát hạch, kiểm tra, cấp chứng chỉ hành nghề, đồng thời tăng cường công tác phổ biến pháp luật và nâng cao trình độ cho lực lượng môi giới. Bởi lẽ, thị trường bất động sản sẽ phát triển bền vững hơn nếu đội ngũ môi giới được đào tạo, bồi dưỡng và quản lý chặt chẽ hơn.
Hơn nữa, chúng ta đang trong thời kỳ mà phương thức kinh doanh, sản phẩm kinh doanh chịu sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi phải thay đổi từ công tác đầu tư, loại hình sản phẩm lẫn phương thức bán hàng.
Ông Nguyễn Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam:
Chứng chỉ môi giới bất động sản, định giá bất động sản được cấp trước ngày 1/5/2017 sẽ không còn giá trị pháp lý. Kể từ ngày 1/7/2020, các nhà môi giới bất động sản, thẩm định viên về giá bất động sản phải có đủ điều kiện theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2014.