Khoảng 3 ngày sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd hôm 25-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng bài viết có nội dung kích động thù địch, đe dọa sử dụng vũ lực trên Twitter và Facebook.
"Đối thủ" hành động sớm
Ngay sau đó, Twitter gắn cảnh báo vi phạm chính sách về kích động bạo lực đối với phát ngôn của ông Trump trên mạng xã hội (MXH) này. Đáp lại hành động của Twitter, ông Trump ký một sắc lệnh hành pháp nhằm tăng cường khả năng của chính phủ trong việc kiểm soát các nền tảng truyền thông xã hội.
Vài ngày sau khi ông Trump tuyên bố kế hoạch thách thức những gã khổng lồ công nghệ, phản hồi từ Giám đốc điều hành Twitter Jack Dorsey và Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg cũng khác nhau. Twitter lựa chọn hành xử cứng rắn, dán nhãn những phát ngôn "kích động bạo lực" của tổng thống Mỹ trên MXH này là truyền tải thông tin gây hiểu nhầm. Trong khi đó, Facebook lại cố xoa dịu ông Trump bằng cách không có động thái gì với các bài đăng có nội dung tương tự trên MXH này.
Hai ông trùm MXH hàng đầu thế giới cũng đã công khai chỉ trích nhau, một điều rất hiếm thấy trong giới thượng lưu ở Thung lũng Sillicon. Ông Henry Fernandez, nhà đồng sáng lập Change the terms, một liên minh tập trung vận động làm giảm sự thù ghét trên internet, cho rằng: "Twitter đang được ủng hộ, họ để mắt đến cộng đồng người sử dụng và cam kết chống lại các thông tin sai lệch, có phần đe dọa bạo lực từ người đứng đầu nước Mỹ. Họ cũng có lập trường phản đối các hoạt động thù hằn trên nền tảng của mình".
Trái ngược với Twitter, Facebook quyết định "đứng ngoài cuộc". Quyết định không can thiệp vào bài viết của ông Trump của Facebook đã khiến nhiều nhân viên bức xúc và công khai chỉ trích. Không ít ý kiến cho rằng bài đăng của ông Trump vi phạm các tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook, trong đó nghiêm cấm các ngôn từ kích động bạo lực. Hôm 1-6, nhiều nhân viên Facebook đã tổ chức cuộc "biểu tình ảo" thông qua hình thức nghỉ việc.
Ông Brandon Dail, kỹ sư giao diện người dùng của Facebook tại TP Seattle, hôm 12-6 đã viết lên mạng Twitter rằng ông bị sa thải vì công khai thách thức sự im lặng của đồng nghiệp trước các tuyên bố trên MXH của Tổng thống Trump. Trước đó, kỹ sư này tỏ ra bức xúc trong cuộc họp của toàn nhân viên Facebook khi ông Zuckerberg đã bảo vệ quyết định không can thiệp của mình.
Thông qua Facebook, nhà đồng sáng lập MXH hàng đầu thế giới thông báo công ty sẽ làm nhiều hơn để hỗ trợ sự công bằng và an toàn cho cộng đồng người da màu thông qua Facebook, đồng thời cam kết ủng hộ 10 triệu USD gửi tới các nhóm hoạt động vì công lý chủng tộc.
Mark Zuckerberg, người sáng lập và tổng giám đốc Facebook, mất 7,2 tỉ USD khi giá cổ phiếu của Facebook giảm 8,3% hôm 26-6 Ảnh: REUTERS
Lựa chọn cải cách hoặc mất tiền
Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ giúp làn sóng phẫn nộ hạ nhiệt. Theo tờ The Washington Post, chiến dịch #StopHateForProfit (tạm dịch Ngừng kiếm tiền từ sự thù địch) do các tổ chức dân quyền như Hiệp hội Quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu (NAACP) và Liên đoàn Chống phỉ báng (ADL) khởi xướng kêu gọi các doanh nghiệp ngừng chi tiêu quảng cáo trên Facebook trong tháng 7 để tạo áp lực tài chính buộc MXH này thay đổi.
Những người kêu gọi chiến dịch này cho rằng Facebook đã phát tán tiếng nói ủng hộ chủ nghĩa da trắng thượng đẳng và không hành động đủ để chống lại những thông điệp thù ghét. Facebook cũng bị chỉ trích vì thiếu kiểm duyệt các nội dung đe dọa bạo lực, ngôn từ thù địch và sai lệch thông tin được đăng bởi lãnh đạo nước Mỹ và nhiều người dùng khác.
Tính đến nay, đã có hơn 160 công ty đồng ý không mua quảng cáo trên nền tảng truyền thông xã hội lớn nhất thế giới trong tháng 7, thậm chí có doanh nghiệp ngừng hợp đồng quảng cáo đến hết năm nay. Chuỗi cà phê nổi tiếng Starbucks là một trong những doanh nghiệp mới nhất tham gia chiến dịch này. Hôm 26-6, hãng Coca-Cola, Pepsi và Unilever cũng đưa ra tuyên bố tương tự.
Làn sóng tẩy chay của các doanh nghiệp trên toàn cầu khiến giá cổ phiếu của Facebook giảm 8,3% hôm 26-6, làm bốc hơi 56 tỉ USD giá trị vốn hóa của công ty trên thị trường. Tài sản của tỉ phú Zuckerberg cũng vì thế mà giảm khoảng 7,2 tỉ USD còn 82,3 tỉ USD, mất vị trí giàu thứ 3 thế giới.
Trước sức ép liên quan đến tài chính, ông Zuckerberg cùng ngày tuyên bố MXH này sẽ dán nhãn tất cả bài đăng liên quan đến thông tin sai lệnh và kích động bạo lực, đồng thời nhấn mạnh không có ngoại lệ cho các chính trị gia. Ông chủ Facebook thừa nhận còn nhiều việc phải làm và đang hợp tác với các nhóm dân quyền, chuyên gia để phát triển nhiều công cụ hơn chống lại những phát ngôn gây thù địch.
Facebook cho biết các khoản đầu tư của họ vào trí tuệ nhân tạo đã giúp phát hiện đến 90% phát ngôn tiêu cực trước khi người dùng báo cáo. Nhận định động thái của Facebook vẫn chưa thỏa đáng, bà Jessica Gonzalez, đồng giám đốc điều hành của Tổ chức vận động Free Press (Mỹ), nhấn mạnh: "Chúng tôi không cần một chính sách tức thời ở đây mà là một chính sách toàn diện".
Chiến dịch tẩy chay được mở rộng ra ngoài biên giới Mỹ sẽ làm giảm phần lớn doanh thu quảng cáo trên Facebook nhưng điều này được cho là sẽ không tác động lớn đến tài chính của công ty. Ông Richard Greenfield thuộc Công ty Nghiên cứu truyền thông và công nghệ LightShed Partners (Mỹ) cho rằng Unilever hồi cuối tuần qua tuyên bố sẽ tạm dừng quảng cáo trên Facebook tại Mỹ cho đến hết năm nhưng số tiền này chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số 250 triệu USD ước tính của Unilever dành cho quảng cáo trên Facebook hằng năm.
Theo Reuters, Facebook thu khoảng 70 tỉ USD doanh thu quảng cáo mỗi năm và chỉ khoảng 1/4 trong số đó đến từ các công ty lớn như Unilever. Phần lớn doanh thu có được nhờ các doanh nghiệp nhỏ.
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/facebook-trong-con-khung-hoang-mat-56-ti-usd-vi-nuoc-co-sai-a42816.html