Chiều 27/6, liên Bộ Tài chính - Công thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày/lần.
Theo đó, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 893 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 868 đồng/lít. Mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 14.258 đồng/lít và xăng RON 95 là 14.973 đồng/lít.
Trong khi đó, dầu hoả tăng 428 đồng, nên mỗi lít không cao hơn 10.038 đồng; dầu diesel là 599 đồng, giá sau điều chỉnh tăng không cao hơn 12.114 đồng một lít. Dầu madut có mức giá mới sau điều chỉnh là 10.903 đồng một kg, tương đương tăng thêm 581 đồng.
Như vậy, đây là lần thứ 4 liên tiếp xăng trong nước tăng giá, với mức tăng tổng cộng của xăng RON 95 là 3.342 đồng/lít, xăng E5 RON 92 là 3.316 đồng/lít.
Giá xăng đã có 4 kỳ tăng giá liên tiếp
Riêng trích Quỹ bình ổn giá với mặt hàng dầu madut thêm 100 đồng, lên 300 đồng một kg.
Ở kỳ điều hành lần này, liên Bộ quyết định vừa trích và chi Quỹ bình ổn xăng dầu. Cụ thể, mức trích Quỹ với xăng E5 RON 92 giảm một nửa so với kỳ điều hành ngày 12/6, còn 50 đồng một lít; dầu diesel giảm trích về 600 đồng. Mặt hàng RON 95 và dầu hoả giữ nguyên mức trích như ngày 12/6, lần lượt là 200 đồng và 300 đồng một lít.
Về chi Quỹ bình ổn, xăng E5 RON92 là 900 đồng một lít, giảm 100 đồng so với kỳ điều hành cách đây 15 ngày; RON 95 là 550 đồng, dầu madut là 0 đồng.
Theo liên Bộ, Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, nhưng các hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn trên đà khôi phục, nhu cầu hàng hóa trong đó có các mặt hàng nhiên liệu, năng lượng đã tăng trở lại, đẩy giá bán tăng cao.
Dù giá xăng trong nước đã có 4 kỳ tăng giá liên tiếp sau 8 kỳ giảm giá, tuy nhiên, thời gian qua nhiều công ty bán lẻ xăng dầu vẫn kêu việc kinh doanh xăng dầu gặp rất nhiều khó khăn, lỗ liên tục.
Theo chia sẻ của một số doanh nghiệp, nguyên nhân khiến kinh doanh bị lỗ liên tục là do mức chiết khấu quá thấp.
Một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở Hà Nội cho biết trên báo Pháp luật TP.HCM, họ chỉ là chuỗi bán lẻ, phải nhập xăng của các đầu mối phân phối lớn.
"Hiện giá nhập chỉ thấp hơn giá bán 100 đồng/lít. Tính ra cứ bán 1 lít xăng thì chúng tôi lỗ 700 đồng. Không chỉ các đơn vị bán lẻ như chúng tôi bị lỗ mà các ông lớn đầu mối cũng bị lỗ nên họ không thể tăng mức chiết khấu hoa hồng lên được", vị đại diện doanh nghiệp trên than thở.
Trong khi đó, theo báo cáo tài chính quý I/2020, Petrolimex đã lỗ ròng 1.893 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ công ty này có khoản lãi lên đến 1.201 tỷ đồng.
Trong quý I/2020, Petrolimex có khoản doanh thu 38.477 tỷ đồng, tuy nhiên giá vốn đã chiếm xấp xỉ nên chỉ có khoản lãi gộp là 449 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm chênh lệch giữa doanh thu và lợi nhuận lên đến 3.788 tỷ đồng.
Việc lãi gộp quá thấp trong khi đó các chi phí vẫn rất cao, đặc biệt chi phí bán hàng của Petrolimex lên đến 2.016 tỷ đồng nên dẫn đến doanh nghiệp này lỗ nặng.
Một số chuyên gia dự báo giá xăng dầu thế giới sẽ còn biến động thất thường, khó lường theo diễn biến dịch bệnh lẫn cung cầu thị trường. Vì vậy, chu kỳ điều hành giá xăng dầu của Nhà nước 15 ngày theo quy định tại Nghị định 83/2014 đã bộc lộ nhiều bất cập, không phản ánh kịp và tiệm cận với giá xăng dầu thế giới.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công thương, cũng thừa nhận hiện tình hình chung doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đều rất khó khăn. Các công ty đầu mối kinh doanh xăng dầu gặp khó khăn từ đầu năm, bây giờ đến lượt các đại lý bán lẻ cũng gặp khó khăn.
Ông Trần Duy Đông thông tin thêm, hiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu đã xong bản dự thảo cuối cùng và đã chuyển sang Bộ Tư pháp thẩm định.
“Dự kiến trong tháng này, chúng tôi sẽ tiếp thu, giải trình thêm một số ý kiến, sau đó trình Chính phủ xem xét”, ông Đông thông tin.
Minh Thái (Tổng hợp) - Theo Báo Đất Việt
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/gia-xang-tang-lien-tiep-doanh-nghiep-van-keu-lo-nang-a42580.html