Có từ 30.000-35.000 trên tổng số khoảng 300.000 môi giới, tức khoảng 10-12% cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản đủ tiêu chuẩn tức có chứng chỉ hành nghề.
Chỉ có 10-12% môi giới bất động sản đủ tiêu chuẩn hành nghề
Thông tin khá bất ngờ trên được đưa ra tại Hội thảo vai trò hoạt động môi giới trong quản lý và phát triển thị trường bất động sản Việt Nam diễn ra mới đây tại Hà Nội một lần nữa đưa ra yêu cầu bức thiết về việc chuyên nghiệp hóa hoạt động môi giới bất động sản, nhất là trong giai đoạn thị trường đang cần những động lực cho sự hồi phục hậu COVID-19.
Phát triển nhanh nhưng chưa chuyên nghiệp
Theo TS. Trần Hữu Hà - Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị thì trong những năm qua, đội ngũ môi giới BĐS đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển thị trường bất động sản tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ, ổn định, góp phần quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của đất nước. Nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động môi giới đã không ngừng nỗ lực tìm hiểu, tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm trong nước và quốc tế, đáp ứng các yêu cầu của pháp luật về điều kiện hành nghề, đã khẳng định vững chắc vị trí vai trò của mình trong ngành nghề hoạt động.
Nhận định về sự hình thành và phát triển của hoạt động môi giới trong giai đoạn vừa qua, ông Nguyễn Đức Lập - UVTV Hội Môi giới BĐS Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Bất động sản nhận định gần 15 năm hình thành và phát triển kể từ khi Luật kinh doanh Bất động sản 2006 ra đời, lực lượng các nhà môi giới bất động sản, các Công ty môi giới, sàn giao dịch bất động sản đã có nhiều đóng góp tích cực, quyết định vào sự phát triển mạnh mẽ của thị trường BĐS nói riêng và của nền kinh tế nói chung.
Theo thông tin từ TS. Trần Hữu Hà, trong vòng 3 năm gần đây mức độ tăng trưởng của môi giới bất động sản trên thị trường đạt trung bình khoảng 15%. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp hết sức tích cực vào sự phát triển, vận hành của thị trường bất động sản thì hoạt động môi giới hiện nay được nhận định là chưa chuyên nghiệp, còn manh mún, tự phát.
Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), tại Việt Nam hiện có khoảng 300.000 người hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản, làm việc trong các công ty môi giới, sàn giao dịch hoặc hoạt động độc lập, nhưng chỉ có khoảng 30.000 người có chứng chỉ nghề, chiếm khoảng khoảng 10% - một tỷ lệ rất thấp. Ðội ngũ môi giới chủ yếu tập trung ở hai trung tâm lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Riêng đội ngũ môi giới ở Hà Nội chỉ có khoảng 50% là nhà môi giới chuyên nghiệp, hoạt động thường xuyên tại các sàn giao dịch. Phần còn lại hầu hết là nghiệp dư, trong đó có những người "tay ngang" chuyển nghề, khi thị trường bất động sản tăng nóng, không được đào tạo, không được kiểm soát và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho bên mua và bên bán.
Theo kết quả khảo sát của Bộ Xây dựng, có đến hơn 80% nhân viên môi giới trả lời không tham gia hoặc chỉ tham gia một khóa đào tạo cho nhân viên nhưng các hình thức đào tạo chủ yếu vẫn là những nhân viên trong công ty truyền lại kinh nghiệm cho nhân viên mới.
Còn theo ông Nguyễn Đức Lập thì hiện nay thị trường dịch vụ môi giới bất động sản vẫn phát triển theo hướng còn nhiều “méo mó”; xã hội vẫn kỳ thị gọi các nhà môi giới bất động sản là “cò đất” bởi tính chụp giật, làm ăn bất chấp đạo lý và quy định của Pháp luật nhằm trục lợi cá nhân, lừa đảo người mua của nhiều nhà môi giới đã ảnh hưởng chung đến thị trường này.
Ở góc độ một nhà môi giới, anh Đoàn Ngọc Hùng, nhân viên của một sàn giao dịch tại Hà Nội cho biết, tại nơi anh làm việc chỉ có một số ít người là có chứng chỉ hành nghề, việc cấp “giấy” này đôi khi cũng hình thức và còn tiêu cực. “Công việc ngày càng cạnh tranh, rất khốc liệt, đôi khi là không lành mạnh, bản thân tôi cũng rất mong muốn có một môi trường lành mạnh để những môi giới viên chân chính hoạt động, cống hiến”, anh Hùng chia sẻ.
Những giải pháp đặt ra
Trước những tồn tại trên, nhiều chuyên gia đã đưa ra những giải pháp nhằm chuyên nghiệp hóa hoạt động môi giới bất động sản hiện nay nhằm tạo ra sự động lực thúc đẩy thị trường bất động sản hồi phục trong giai đoạn hậu COVID-19 cũng như hướng tới một thị trường lành mạnh hơn.
Theo TS. Trần Hữu Hà, thị trường bất động sản sẽ phát triển bền vững hơn nếu đội ngũ môi giới được đào tạo, bồi dưỡng và quản lý chặt chẽ hơn. Hiện nay, pháp luật quy định cá nhân không bắt buộc phải có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học thì mới được dự thi lấy chứng chỉ môi giới bất động sản. Điều này đã tạo ra xu hướng các cá nhân không thực sự mong muốn học tập, tìm hiểu, nghiên cứu về môi giới bất động sản mà có khi chỉ nhằm đối phó với kỳ thi sát hạch.
Còn theo TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam thì trong giai đoạn tới nên xem xét sửa đổi luật kinh doanh Bất động sản 2014 theo hướng giao dịch mọi loại hình Bất động sản đều phải qua sàn giao dịch cũng như sớm xúc tiến việc xây dựng hệ thống quản lý giao dịch Bất động sản bằng công nghệ 4.0.
Đồng quan điểm, ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam khu vực Tp. HCM đồng thời cũng là CEO và Founder của DKRA Việt Nam cho rằng cần số hóa việc môi giới bất động sản thông qua việc xây dựng công cụ tra cứu thông tin nhà môi giới. Với công cụ (ứng dụng) này, khách hàng, nhà quản lý, chủ bất động sản có thể biết được thông tin chi tiết về lộ trình nghề nghiệp, bằng cấp chuyên môn của từng cá nhân tư vấn viên bất động sản, mỗi người sẽ có một mã số định danh riêng.
Theo ông Lâm, việc này sẽ giúp tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm nhằm cải thiện chất lượng hoạt động môi giới khi mà bất kỳ ai cũng có thể tra cứu, kiểm tra thông tin của nhà môi giới. Bên cạnh đó, đây cũng sẽ là công cụ để giúp các cơ quan nhà nước quản lý tốt hơn hoạt động môi giới nói riêng cũng như điều tiết thị trường bất động sản nói chung.
LÊ SÁNG - Theo Diễn Đàn BĐS
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/can-so-hoa-quan-ly-moi-gioi-bat-dong-san-a42531.html