Quốc hội đã thông qua việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, rất nhiều khả năng là 3.500 tỉ đồng. Ba ngân hàng thương mại khác mà Nhà nước là cổ đông chi phối gồm VietinBank, Vietcombank và BIDV cũng bị áp lực tăng vốn điều lệ để đáp ứng yêu cầu về chỉ số an toàn vốn, nhưng mấu chốt của vấn đề lại nằm ở chỗ nợ xấu.
Theo Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước, chỉ số an toàn vốn (CAR) cao hay thấp chủ yếu là do vốn điều lệ trên tử số và RWA (Risk-Weighted Assets) dưới mẫu số quyết định. Trong RWA, phần quan trọng là số dư của các khoản phải đòi, dự phòng, và hệ số rủi ro của khoản phải đòi tương ứng.
Như vậy, chỉ số CAR không chỉ do vốn điều lệ quyết định mà còn phụ thuộc vào RWA. Nếu RWA giảm mà vốn điều lệ không đổi thì chỉ số CAR cũng sẽ cải thiện được. Như vậy, mấu chốt của vấn đề của các ngân hàng thương mại nhà nước, theo người viết, không nằm ở vốn điều lệ, mà là ở việc quản lý RWA, đặc biệt là các khoản nợ xấu.
Theo đó, các ngân hàng lớn và các ngân hàng có nhiều khoản vay liên ngân hàng có khuynh hướng che giấu các khoản nợ xấu, được thể hiện qua việc sụt giảm nguồn thu từ hoạt động cho vay.
Tổng hợp các báo cáo hàng năm của các ngân hàng thương mại nhà nước Việt Nam giai đoạn 2012-2019, người viết phát hiện ra rằng dường như câu chuyện này cũng xảy ra ở Việt Nam.
Từ biểu đồ, chúng ta có thể thấy rằng thu nhập từ lãi của các ngân hàng thương mại nhà nước giảm mạnh trong giai đoạn 2012-2013, nhất là Agribank, sụt đến 15%. Việc sụt giảm nghiêm trọng thu nhập từ lãi cho thấy rất nhiều khả năng nợ xấu tăng rất mạnh trong giai đoạn này. Và điều này đã được minh chứng bằng sự ra đời của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) năm 2013 với mục đích “làm sạch” bảng cân đối của các ngân hàng thương mại, trong đó có bốn ngân hàng này.
Nhờ có VAMC, tình hình nợ xấu được giải quyết và chúng ta có thể thấy sự khởi sắc trở lại của thu nhập từ lãi của các ngân hàng. Tuy nhiên, kể từ năm 2016 nợ xấu dường như quay trở lại với xu hướng giảm thu nhập từ lãi của VietinBank, BIDV và Agribank. Một nguyên nhân không kém phần quan trọng trong việc tăng nợ xấu của các ngân hàng là việc tất toán trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành vào năm 2019, 2020. Nghĩa là các ngân hàng lấy lại các khoản nợ xấu “đã gửi” cho VAMC năm năm trước đây.
Thu nhập từ lãi của các ngân hàng giảm chứng tỏ nợ xấu tăng, từ đó kéo theo RWA tăng và đương nhiên chỉ số CAR sẽ giảm. Do vậy, việc tăng vốn điều lệ để cải thiện CAR chỉ là giải pháp tình thế, như liều thuốc giảm đau chứ không phải giải quyết nguồn gốc của cơn đau. Vì gốc rễ của vấn đề ở đây là quản lý các khoản nợ xấu.
Như vậy, vấn đề cần làm là cải thiện mạnh khả năng đánh giá rủi ro các khoản vay, qua các công cụ và công nghệ hiện đại. Cần có sự chia sẻ thông tin, hồ sơ tín dụng nhất định giữa các ngân hàng với nhau. Thêm vào đó, có cơ chế giám sát chặt chẽ cá nhân có thẩm quyền phê duyệt hồ sơ vay. Tùy quy mô phân cấp, mà có những khoản vay cần phải có ý kiến của tập thể lãnh đạo một cách công khai, minh bạch.
Đối với các ngân hàng thương mại nhà nước, quản lý nợ xấu phức tạp hơn. Các ngân hàng này không giống như các ngân hàng thương mại tư nhân, khi ngoài mục tiêu lợi nhuận thì phải gánh thêm nhiệm vụ chính trị. Muốn vậy, quy trình duyệt hồ sơ vay, nhất là đối với các doanh nghiệp nhà nước hay cơ quan nhà nước, cần rõ ràng minh bạch, chặt chẽ với các yêu cầu vay dưới dạng lệnh miệng hay lệnh mật.
Trong cách cải thiện chỉ số CAR theo hướng tăng vốn điều lệ, nên thực hiện cổ phần hóa và giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước dù Nhà nước cũng cần nắm cổ phần chi phối ở các ngân hàng này. Nếu thực hiện được cả hai: tăng vốn điều lệ mà không ảnh hưởng đến ngân sách, quản lý tốt nợ xấu để giảm RWA, từ đó để tăng chỉ số CAR thì vì lý do gì Nhà nước không thực hiện?
Võ Đình Trí (Giảng viên ĐH Kinh tế TPHCM & IPAG Business School Paris, thành viên Tổ chức AVSE Global)