Thông thường, cứ vào những dịp rảnh rỗi hiếm hoi trong năm, người ta lại dành một khoảng thời gian để suy nghĩ lại bản thân, quyết tâm thay đổi và làm mới mình. Chẳng hạn như xu thế “New year, new me” và cả “New Year’s Resolutions” của người phương Tây mỗi khi lập lời hứa, cam kết với bản thân vào dịp đầu năm mới.
Nhưng không phải cam kết hay lời hứa nào cũng có thể thực hiện. Khi thời gian trôi qua, quyết tâm dần trở nên phai nhạt thì “lời hứa gió bay” là chuyện sớm muộn.
Trong một khảo sát điều tra về những người quyết định sẽ "tự thay đổi bản thân trong vòng hai năm", kết quả đặt ra là: 23% số người chỉ kiên trì chưa đến một tuần đã bỏ cuộc và 19% thực sự làm được trong hai năm, còn lại là đa số người dần dần từ bỏ sau một tuần.
Giống như nhà văn Mark Twain từng nói: “Ngày đầu năm là thời điểm thích hợp nhất để bắt đầu những lời cam kết tích cực với bản thân, trước khi bắt đầu sống buông thả trở lại vào… tuần sau đó”.
Quả thật, trong những ngày đầu tiên, các kế hoạch rèn luyện, học tập hay thể dục thể thao đều đem lại cảm giác mới mẻ, khiến người ta nảy sinh động lực để kiên trì. Nhưng sau đó, dần dần, tự dưng người ta hứng thú hơn với những hoạt động có thể diễn ra trên ghế sofa, trên đệm giường, chẳng hạn như là chơi game, xem phim, lướt mạng, nghịch điện thoại…
Và thế là dù ngày thường hay cuối tuần, chúng ta vẫn lặp đi lặp lại việc lãng phí thời gian trong vô ích mà chẳng đọng lại giá trị nào.
Đứng trước tình trạng này, có chuyên gia tâm lý cho rằng: Việc lập một kế hoạch và thực hành nó sẽ dễ dàng đối với những ai giỏi tập trung, có khả năng phân tích ưu điểm và sở trường của bản thân, cũng biết cách hưởng thụ quá trình kiên trì này. Nhưng không phải tất cả mọi người đều có khả năng như thế.
Khiến một người nhanh chóng nản lòng và từ bỏ, chủ yếu người ta tìm ra được một số nguyên nhân sau đây.
Nhìn chung, kiểu người này có thể dùng cụm từ “Nói như rồng leo, làm như mèo mửa” để khái quát. Họ có thể đưa ra rất nhiều tư duy mang tầm vĩ mô, có nhiều quan điểm và tư tưởng khác biệt, thích nhìn tổng quát hơn là chi tiết. Ưu điểm của họ là khả năng sáng tạo trong quy trình lập kế hoạch và hướng tới tương lai, đề ra được mục tiêu rất tốt.
Tuy nhiên, đồng thời, họ cũng có nhược điểm rất lớn. Một trong số đó là “chỉ nhìn vào rừng rậm mà không thấy từng cái cây”. Việc thiếu quan sát cẩn thận các chi tiết cần thiết sẽ biến hành trình trở nên khó nhằn hơn. Trong quá trình thực hiện, mỗi một khó khăn nhỏ đều có thể làm họ phải dừng chân, suy ngẫm và tìm cách vượt qua. Như vậy, mục tiêu ban đầu trở nên quá xa vời.
Chẳng hạn như, bạn đặt kế hoạch là “Tôi muốn sống tự do hơn”. Vậy tự do như thế nào? Cần bao nhiêu tự do cho đủ? Cách thức bạn cảm thấy tự do ở đâu? Trong hành trình du lịch đó đây? Hay là từ chức trở thành freelancer? Hay kiếm nhiều tiền hơn? Hay có một chiếc xe để đi đến đâu tùy ý?
Giải pháp khuyến nghị cho trường hợp này:
Hãy chỉ định mục tiêu cụ thể
Liệt kê ra từng chi tiết để sắp xếp thành các mục tiêu phụ. Đạt từng bước kế hoạch rồi hãy tiến tới mục tiêu chung sau cùng. Một khi đã xác định được cách thức để đạt tới A, trước hết phải làm được C, rồi đến B. Như vậy, chỉ cần đủ động lực và kiên trì, chúng ta sẽ dần dần tiến lên.
Rèn luyện sự kiên nhẫn
Quá trình này sẽ rất dài và vất vả, không ít người cảm thấy mất kiên nhẫn, không còn mong mỏi tiếp tục nữa. Với tâm lý ấy, họ nhanh chóng chuyển sự chú ý sang những hoạt động khác, từ bỏ mục tiêu và kế hoạch ban đầu, biến tất cả nỗ lực từ đầu tới hiện tại trở về con số 0.
Như vậy, để tránh khỏi tình huống này, chúng ta nên tự nhắc nhở về những thành tựu cả lớn và nhỏ đã đạt được, lấy đó làm thắng lợi để kích thích bản thân. Theo dõi từng bước tiến của bản thân trên phương hướng đã định sẵn cũng giống như bạn đi theo định vị của Google Maps, cảm thấy đích đến luôn ở trước mặt nên vững tâm và an lòng hơn so với cảm giác đi trên một chặng đường hoàn toàn xa lạ mà không có sự chỉ đường nào.
Tập trung vào nỗ lực hơn là thành tựu
Suy nghĩ hoang mang, tiêu cực như cảm thấy năng lực bản thân có hạn, mục tiêu quá xa vời… sẽ khiến chúng ta dễ dàng từ bỏ. Vào lúc đó, bạn có thể cố gắng tự nhắc nhở mình rằng, không có người nào đủ tốt mà không cần nỗ lực.
Khi kết quả không như mong muốn thì nỗ lực chúng ta bỏ ra vẫn là một trải nghiệm xứng đáng. Dao càng mài càng sắc, con người phải nỗ lực mới có thể thay đổi thành công.
Bạn có nhạy cảm với những thay đổi trong môi trường xung quanh? Có thường xuyên quên mất việc đang làm dở? Có đồng thời chú ý đến nhiều thứ cùng một lúc mà không thể phân biệt mức độ trọng yếu?
Đây chính là điển hình của một người dễ phân tâm, chưa rèn được khả năng tập trung. Tâm lý này giống như một đứa trẻ, liên tục tò mò về những điều diễn ra xung quanh, bất tri bất giác tự phân tán tâm trí của mình lên quá nhiều sự vật, sự việc.
Ưu điểm ở đây là họ giỏi khám phá những cơ hội mới, nắm bắt những điều người khác bỏ lỡ. Nhược điểm là dễ đánh mất phương hướng ban đầu, quên đi mục tiêu phấn đấu, bị xao nhãng bởi những ý tưởng mới nảy ra.
Giải pháp được khuyến nghị:
Đầu tiên, viết kế hoạch rõ ràng.
Hãy viết và đặt nó tại nơi dễ nhìn thấy, có thể đọc được mỗi ngày, ví dụ như tủ lạnh, máy tính, trước gương… Khi đó, dù bị thu hút bởi những thứ khác, bạn vẫn có thể điều chỉnh lại để song hành hoặc thống nhất cùng mục tiêu của mình. Kế hoạch này giống như một chiếc bản đồ. Có bản đồ trong tay, bạn sẽ không còn lo lắng bị lạc đường.
Thứ hai, chọn một môi trường làm việc phù hợp.
Người ta thường dễ mất tập trung nhiều hơn khi làm việc trong môi trường không thoải mái hoặc không thích hợp. Chẳng hạn như, ngồi ở nhà với chiếc điện thoại, máy tính và mạng Wifi bên cạnh thì rất khó học bài. Tốt nhất, nên đến thư viện học tập hoặc những nơi hoàn toàn yên tĩnh, có bầu không khí chuyên nghiệp để làm việc.
Phương Thuý - Theo Trí thức trẻ