Dấu hỏi lớn đặt ra là trách nhiệm của những người đứng đầu Jetstar Pacific như thế nào khi rõ ràng đây không phải là những rủi ro kinh tế thuần chất.
Sau nhiều lần chuyển đổi, tái cơ cấu Jetstar Pacific vẫn chỉ là ngôi sao giấy với khoản lỗ lũy kế lên tới hơn 4000 tỷ đồng, hợp đồng cho thuê máy bay có nguy cơ làm thiệt hại hàng chục triệu USD. Dấu hỏi lớn đặt ra là trách nhiệm của những người đứng đầu Jetstar Pacific như thế nào khi rõ ràng đây không phải là những rủi ro kinh tế thuần chất.
Cuộc giải cứu thất bại?
Kể từ khi thành lập năm 1991, Jetstar Pacific Airlines (Jetstar) là hãng hàng không giá rẻ đầu tiên ở Việt Nam và được kỳ vọng sẽ trở thành ngôi sao sáng trên bầu trời hàng không giá rẻ. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng đó kết quả kinh doanh của Jetstar chỉ là một màu ảm đạm, thua lỗ triền miên.
Trước tình hình kinh doanh ảm đạm của Jetstar, Công ty mẹ Vietnam Airlines (Cổ đông nắm 68,85% cổ phần của Jetstar) đã tiến hành cơ cấu lại công ty. Phó Tổng giám đốc VNA là ông Dương Trí Thành được điều động làm Chủ tịch HĐQT Jestar Pacific và ông Lê Hồng Hà (lúc này là giám đốc văn phòng miền Trung của VNA) được điều động làm Tổng giám đốc Jestar Pacific.
Ông Dương Trí Thành và ông Lê Hồng Hà được điều chuyển về lại VNA và thăng chức thành Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc. Ngoài ra, ông Lê Đức Cảnh từng là kế toán trưởng của Jestar Pacific được điều động lên làm trưởng ban đầu tư của hãng Hàng không quốc gia Việt Nam.
Tuy nhiên, việc đưa cán bộ sang để cứu con tàu Jetstar đang bay lạc lối của Vietnam Airlines đã không đạt được hiệu quả như mong muốn. Giai đoạn 2012 – 2016, Jetstar vẫn tiếp tục báo lỗ.
Việc tái cơ cấu bất thành, hai lãnh đạo chủ chốt của Jestar là Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc được điều chuyển về lại Vietnam Airlines làm Tổng giám đốc và Phó Tổng giám đốc của Vietnam Airlines.
Được biết, năm 2012, khi Vietnam Airlines trở thành cổ đông lớn nhất của Jetstar, hãng hàng không giá rẻ này đã lỗ hơn 3000 tỉ đồng. Trong khi, kế hoạch sản xuất kinh doanh Vietnam Airlines xây dựng ở Jetstar Pacific là đến năm 2020 sẽ giảm lỗ và không lỗ. Nhưng đến nay, khoản lỗ lũy kế tại Jetstar đã lên đến hơn 4000 tỉ đồng, cùng lùm xùm về việc khó thu hồi máy bay đã cho Pan Pacific Airlines thuê.
Cần làm rõ trách nhiệm thuộc về ai
Jetstar Pacific lỗ nặng đã trở thành gánh nặng đối với Vietnam Airlines. Do đó khi thay đổi tên và cơ cấu vốn, có thể nói nhà nước đang gián tiếp gánh chịu khoản lỗ ngàn tỉ từ Jetstar Pacific.
Năm 2019, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật từng phát biểu: “Trách nhiệm cá nhân hoặc trách nhiệm đối với khoản lỗ này, chúng tôi sẽ đề nghị Vietnam Airlines báo cáo cụ thể hơn. Vấn đề này hằng năm đều có tính toán và có báo cáo tài chính”.
Và theo thông báo kết quả Kiểm toán Nhà nước số 1074/TB-KTNN ngày 18/12/2019, tại Tổng Công ty hàng không Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xác định rõ nguyên nhân, tăng cường giám sát đối với đơn vị có kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ kéo dài (Jetstar Pacific). Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cá nhân, tập thể có liên quan, có giải pháp phù hợp và xin ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc đầu tư vào Jetstar Pacific để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, bảo toàn và phát triển được vốn Nhà nước.
Nhưng cho đến nay, ngoài thông tin về việc “xóa sổ” Jetstar Pacific, tái cơ cấu, chuyển đổi thương hiệu thành Pacific Airlines, vẫn chưa thấy Vietnam Airlines có động thái nào về việc truy trách nhiệm đến cùng với các khoản thua lỗ theo từng thời kì của Jetstar Pacific.
Theo moitruongvadothi.vn
https://www.moitruongvadothi.vn/kinh-te-moi-truong/jetstar-pacific-thua-lo-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-bai-3-a72937.html?fbclid=IwAR0oXuKfUztrXRhUUOCLBClaEnH5CIPl1-aI4iXANArqSrKvheKEaVQHojU
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/jetstar-pacific-thua-lo-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-a42255.html