Ngoài TP.HCM và Hà Nội, thì các thành phố vệ tinh cũng đang được các nhà đầu tư quan tâm như Long An, Bình Dương... những nơi có vị trí thuận lợi về cơ sở hạ tầng giao thông, kho bãi lưu trữ và dịch vụ logistics tới các thành phố lớn.
Trước làn sóng chuyển dịch này, từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã mạnh dạn đầu tư vào phân khúc bất động sản công nghiệp. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo, nếu ồ ạt nhảy vào phân khúc này sẽ rất nguy hiểm.
Báo cáo mới đây của Công ty JLL Việt Nam, trong quý I/2020, giá thuê đất của các khu công nghiệp tại miền Bắc tăng 6,5% so với cùng kỳ, còn tại miền Nam có mức tăng tới hơn 12,2%. Giá thuê tăng cho thấy sức hút lớn của mảng kinh doanh cho thuê khu công nghiệp trước làn sóng FDI mới.
Có thể thấy, làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giúp thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam sôi động và hấp dẫn, song vẫn còn một số rào cản, khiến không dễ tăng nguồn cung.
Tại một số khu công nghiệp, nhiều thỏa thuận thuê đất không thành công do quỹ đất có sẵn không đủ đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt tại các địa phương phía Nam như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An.
Chưa kể, một số khu công nghiệp có hạ tầng quá tải, kém cả về số lượng và chất lượng đã đẩy chi phí vận chuyển, kho vận lên cao, khiến nhiều nhà đầu tư cân nhắc.
Theo báo Dân trí, tại tọa đàm “Thăng trầm bất động sản 2010-2020 và những xu hướng sắp tới” vừa diễn ra, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam cho rằng, cùng với các phân khúc như nhà ở, văn phòng, bất động sản công nghiệp sẽ là điểm sáng vì xu hướng dịch chuyển sản xuất, tái cấu trúc chuỗi cung ứng, chiến lược "Trung Quốc +1".
Tuy nhiên theo bà Thanh, nếu như đầu tư bất động sản công nghiệp trước đây hướng đến ưu đãi, thuế, giảm giá đất, thì hiện nay, bất động sản công nghiệp cần sự kết nối hạ tầng một cách đầy đủ, bao gồm sự phát triển đồng bộ từ logistics, năng suất lao động, công nghiệp phụ trợ.
“Hiện Việt Nam đang có bao nhiêu phần?", bà Hà Thu Thanh đặt vấn đề.
Ông Nguyễn Cảnh Hồng, Tổng giám đốc Công ty Eurowindow cũng cho rằng trong nguy có cơ. Trong bối cảnh hiện nay, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hay Covid-19 đều tiềm ẩn cơ hội và thách thức.
Ông Hồng cho biết, Việt Nam đang chào đón xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang một cách ồ ạt tạo nên làn sóng đầu tư bất động sản công nghiệp. Khẳng định đây là cơ hội lớn song vị này cũng cho rằng, thị trường luôn có sự sàng lọc tự nhiên, những doanh nghiệp bất động sản làm ăn yếu kém sẽ khó “trụ" và bị loại bỏ.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, tốc độ thu hút đầu tư và phát triển các khu công nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực sự tạo được đột phá do nhiều rào cản làm chậm tiến trình thu hút đầu tư và giảm tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực.
“Thủ tục pháp lý thành lập khu công nghiệp kéo dài nhiều tháng do quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng còn chồng chéo, phức tạp. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông chưa được đầu tư hoàn chỉnh làm gia tăng chi phí vận chuyển hàng hóa lên cao”, bà Hương nhận xét.
Một vấn đề khác cũng được bà Hương nêu ra là hiện nay, Việt Nam chưa có những giải pháp kết hợp và quy hoạch đồng bộ về bất động sản khu công nghiệp và bất động sản nhà ở một cách hiệu quả tại các địa phương. Chất lượng cuộc sống người lao động tại các khu công nghiệp còn thấp.
Minh Tuệ (tổng hợp) - Theo Môi trường và đô thị