Ngôi vị số 1 thị trường chứng khoán Việt Nam
Trong ngày thứ Sáu tuần qua (19/6), Vingroup (VIC) đã trở lại với vị thế số 1 toàn thị trường chứng khoán Việt Nam sau khi tăng đột biến nhờ cầu ngoại trong phiên ATC.
Tổng giá trị vốn hóa sau phiên này của VIC đạt 329,11 nghìn tỷ đồng, tương đương 14,14 tỷ USD và đang nhỉnh hơn "ông vua" Ngân hàng VCB là 12,37 nghìn tỷ đồng. Qua đó, VIC cùng 2 cổ phiếu VHM (+251,65 nghìn tỷ đồng và VRE (63,17 nghìn tỷ đồng) tiếp tục thống lĩnh thị trường chứng khoán Việt Nam về ảnh hưởng và giúp VN-Index thuận lợi trong việc hồi phục hơn 200 điểm kể từ sau đáy COVID-19.
Sự ghi nhận về vốn hóa chứng khoán cũng đồng thời là dẫn chứng thuyết phục cho những thành quả mà Tập đoàn đạt được trong những lĩnh vực đã tham gia trong vòng gần 20 năm qua.
Hiện người tiêu dùng đã biết đến VIC không chỉ qua thương hiệu khởi điểm là Vinpearl, mà còn với một loạt các thương hiệu lớn mạnh khách trong hệ sinh thái Vingroup như Vincom Retail, Vinhomes, Vinmec, Vinschool, Vinsmart, Vinfast, Vinwonders.
Theo công bố từ 2019, Vinhomes, Vincom Retail và Vinpearl được vinh danh trong Top 50 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2019 do Brand Finance đánh giá. Trong đó, Vinhomes giữ vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng, với giá trị đạt 1,3 tỷ đô la Mỹ. Đây cũng là thương hiệu Bất động sản duy nhất lọt vào danh sách top 10. Hai thương hiệu khác của Tập đoàn cũng có mặt trong top 50 là Vinpearl và Vincom Retail lần lượt xếp vị trí thứ 25 và 31.
Đối với lĩnh vực khác, việc dồn nguồn lực lớn vào lĩnh vực Công nghệ - Công nghiệp, các thương hiệu Vinfast và Vinsmart hứa hẹn sẽ thành công vang dội. Theo thống kê, VINID của VIC đã lên tới hơn 9,4 triệu người dùng tính đến cuối tháng 2/2020 và hoàn toàn sẽ còn có thể tăng tiếp khi thị phần Vinfast và Vinsmart tiếp tục mở rộng.
Tập đoàn cũng đặt ra chiến lược tập trung vào thị trường Mỹ để xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp. Nếu thành công ở thị trường được coi là nhiều thách thức nhất đối với Vingroup này, Công ty sẽ có thể thâm nhập vào các thị trường khác một cách dễ dàng hơn.
Công ty đặt mục tiêu phân phối 20.000 chiếc xe ô tô (+3%) và 85.000 chiếc xe máy điện (+70%) trong năm 2020 và kỳ vọng hoạt động bán hàng sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2020 sau khi kết thúc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trên cả nước. Đặc biệt, chính sách miễn giảm 50% phí đăng ký trước bạ của Chính phủ cũng có thể thúc đẩy sản lượng tiêu thụ ở Việt Nam. Đây là khoản tiết kiệm đáng kể cho người tiêu dùng và các loại phí mới sẽ chỉ bằng 6% giá trị của xe ô tô (trước đây là 12%).
Bất động sản vẫn là bàn đạp quan trọng để VIC vươn xa
Sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 có những ảnh hưởng rõ rệt tới nền kinh tế Việt Nam. Chính phủ buộc phải điều chỉnh chỉ tiêu GDP về mức tăng khoảng 4,5% và điều này cũng diễn ra với doanh nghiệp tư nhân số 1 Việt Nam là VIC buộc phải có những toan tính rất thận trọng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 vừa, VIC vẫn đưa ra kế hoạch với doanh thu tăng 11,5% (145 nghìn tỷ đồng) nhưng kế hoạch lợi nhuận ròng giảm 35,2% (5 nghìn tỷ đồng).
Theo Công ty chứng khoán SSI, điều này là do lợi nhuận của mảng mặt bằng bán lẻ của Tập đoàn giảm (VRE) và khoản lỗ cao hơn từ mảng dịch vụ khách sạn du lịch do chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu. Cùng với đó là khoản lỗ đáng kể từ mảng sản xuất do chi phí khấu hao của VinFast sẽ được phản ánh đầy đủ trong năm nay so với chỉ 6 tháng trong năm 2019 (VinFast hoàn thành nhà máy và bắt đầu bàn giao lô xe đầu tiên kể từ tháng 6/2019). Cuối cùng, mảng sản xuất công nghiệp vẫn đang trong giai đoạn tăng tốc, ưu tiên mở rộng thị phần.
Tuy nhiên, các tham vọng của VIC vẫn không thể ngăn cản chừng nào trụ cột Bất động sản là VHM vẫn đảm bảo hiệu quả kinh doanh. Trong năm 2020, VHM vẫn sẽ tiếp tục triển khai 3 đại dự án Vinhomes Ocean Park (Hà Nội), Vinhomes Smart City (Hà Nội) and Vinhomes Marina (Hải Phòng) cùng Vinhomes Symphony (Hà Nội), Vinhomes Wonder Park (Đan Phượng, Hà Nội).
SSI đánh giá thực tế các đại dự án đang xây dựng nhanh hơn tiến độ và doanh số bán buôn cũng đang cho kết quả tích cực. Dù phải hoãn các dự án Vinhomes Galaxy và Vinhomes Dream City đến năm 2021, SSI cho rằng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của VHM năm 2020 vẫn có thể đạt tăng trưởng 44,1% và 27,6% so với năm trước, tương ứng đạt 97 nghìn tỷ đồng và 31 nghìn tỷ đồng.
Song song với việc phát triển và bán dự án nhà ở, VHM đang tập trung hơn vào việc mở rộng danh mục dự án Bất động sản thương mại và công nghiệp để tận dụng thế mạnh trong việc tích lũy quỹ đất, thực hiện dự án và lợi thế của hệ sinh thái Vingroup. VHM sẽ đa dạng hóa nguồn thu, cân bằng giữa thu nhập có tính chu kỳ từ các dự án nhà ở với doanh thu thường xuyên có tính ổn định hơn từ Bất động sản thương mại và công nghiệp.
Hiện tại, VHM đang sở hữu và vận hành 4 tòa nhà văn phòng cho thuê tại Hà Nội và TP.HCM với diện tích cho thuê khả dụng (Net Leasing Area - NLA) là 122.000 m2 và tỷ lệ lấp đầy tương đối cao từ 88% đến 100%.
Trong tương lai, VHM có kế hoạch dần dần mở rộng danh mục dự án văn phòng cho thuê lên khoảng 5 triệu m2 NLA vào năm 2035 tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và các đô thị khác.
Đối với các dự án công nghiệp, VHM đặt kế hoạch tích lũy một quỹ đất 22 triệu m2 để bán và 6,9 triệu m2 cho thuê trên toàn quốc, với kế hoạch vốn đầu tư là 4 tỷ USD trong vòng 5-7 năm được tài trợ bằng nguồn thu từ hoạt động bán hàng thực hiện song song với tiến độ phát triển dự án.
Như vậy, mảng khu công nghiệp được kỳ vọng sẽ bắt đầu đóng góp lợi nhuận cho công ty từ năm 2021. Từ năm 2022 trở đi, VHM đặt mục tiêu tăng doanh thu thường xuyên từ bất động sản thương mại và công nghiệp lên 10% tổng doanh thu.
Điểm lại những cột mốc quan trọng trong lĩnh vực bất động sản của Vingroup
• Thành lập từ năm 1993, đến năm 1999 Technocom đã gặt hái được nhiều thành công với các nhà máy sản xuất mỳ ăn liền thương hiệu Mivina (Mì Việt Nam), là một trong những nhà sản xuất hàng tiêu dùng lớn và uy tín nhất tại Ucraina, trở thành tập đoàn do người Việt làm chủ,đóng góp lớn cho kinh tế, xã hội của Ucraina.
• Năm 2001, Technocom chính thức chuyển hướng đầu tư về Việt Nam với lĩnh vực đầu tiên là du lịch, nghỉ dưỡng.
• Năm 2003: Khánh thành khu nghỉ dưỡng 5 sao đầu tiên mang thương hiệu Vinpearl: Khách sạn Vinpearl Resort Nha Trang với 500 phòng lưu trú, trở thành điểm đến thu hút nhất của thành phố biển Nha Trang.
• Năm 2004: Khánh thành Vincom Center Bà Triệu, trung tâm thương mại hiện đại đầu tiên tại Hà Nội.
• Năm 2006: Khai trương công viên giải trí Vinpearl Land Nha Trang, biến đảo Hòn Tre khô cằn thành một địa điểm du lịch sang trọng. Đặc biệt, tuyến cáp treo dài 3,2km vượt biển Nha Trang (2007) đã trở thành cú đột phá ngoạn mục của Vinpearl.
• Năm 2007: Niêm yết 80 triệu cổ phiếu với mã VIC trên sàn HOSE, khẳng định một bước tiến lớn trong lộ trình phát triển của Vincom.
• Năm 2008: Trở thành công ty bất động sản Việt Nam đầu tiên được chọn đưa vào chỉ số chứng khoán Russell Global Index (hàn thử biểu của thị trường chứng khoán thế giới).
• Năm 2009: Là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên phát hành thành công trái phiếu chuyển đổi trị giá 100 triệu đô la Mỹ niêm yết tại Sở giao dịch Chứng khoán Singapore.
• Năm 2010 -2011: Khai trương tổ hợp TTTM văn phòng và căn hộ cao cấp Vincom Center tại TP.HCM, Khai trương Vinpearl Luxury Nha Trang; Vinpearl Golf club Nha Trang & Vinpearl Luxury Đà Nẵng. Tại Hà Nội, khu đô thị Vinhomes Riverside hoàn thành những hạng mục đầu tiên, khai trương Vincom Plaza Long Biên.
• Năm 2012: Sáp nhập Vincom, Vinpearl, Chính thức ra mắt pháp nhân Tập đoàn Vingroup, Doanh thu đạt mức cao kỷ lục vào năm 2012, với 7.904 tỷ đồng, tăng 242% so với tổng doanh thu năm 2011.
• Năm 2013 - 2015: Khai trương Vincom Mega Mall Royal City (tổ hợp mua sắm ẩm thực giải trí dưới lòng đất lớn nhất Châu Á); Khai trương tổ hợp Vinpearl Phú Quốc cùng ra mắt hàng loạt các thương hiệu khác trong lĩnh vực bán lẻ và giáo dục.
• Năm 2018: Ra mắt 2 đại đô thị Vinhomes đầu tiên: Vinhomes Ocean Park và Vinhomes Smart City tại Hà Nội.
• Năm 2019: Ra mắt đại đô thị thứ 3 Vinhomes Grand Park với quy mô 271ha, khai trương khách sạn Vinpearl Luxury Landmark 81 cao nhất Việt Nam và Đông Nam Á tại TP.HCM.
Thị trường bất động sản đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, khi góp phần huy động một lượng lớn vốn đầu tư, thúc đẩy nhiều ngành dịch vụ - sản xuất liên quan phát triển, tăng thu ngân sách, tạo ra nhiều việc làm, ổn định kinh tế - xã hội…
10 năm qua, thị trường bất động sản Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển nhanh, mạnh cả về quy mô, số lượng, cơ cấu sản phẩm, nguồn vốn đầu tư, các chủ thể tham gia thị trường, và đặc biệt là khả năng sinh lời cho đồng vốn...
Nhìn lại sự phát triển của thị trường và tìm hiểu những vấn đề lớn mà thị trường đang đối mặt trong thời điểm bản lề trước một thập kỷ mới, Cuộc sống an toàn (cuocsongantoan.vn) và Nhịp sống doanh nghiệp (BizLIVE) thực hiện chuyên đề đặc biệt "PHÁT TRIỂN, ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN AN TOÀN VÀ BỀN VỮNG".
Chuyên đề gồm 3 phần:
1. NỀN TẢNG 10 NĂM: Cái nhìn tổng quan nhất về quá trình phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020. Những gương mặt doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu, để lại dấu ấn lớn trong giai đoạn này.
2. THỬ THÁCH & BẢN LĨNH: Với nền tảng đã tạo dựng, thị trường đang đương đầu những biến cố lớn trong năm 2020 - năm bản lề của một thập kỷ phát triển mới - như thế nào? Thông tin, quan điểm và ý kiến từ giới quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp chủ đầu tư, nhà đầu tư...
3. XU THẾ PHÍA TRƯỚC: Thị trường bất động sản trong quá khứ đã không ít lần trải qua biến cố, và mỗi lần vượt qua là một lần tái cấu trúc mạnh mẽ để có thể tiếp tục phát triển bền vững. Những xu thế nào sẽ trở thành chủ chốt trong những năm tới?
Chúng tôi kỳ vọng, chuyên đề sẽ mang đến nhiều lợi ích cho bạn đọc quan tâm tới lĩnh vực bất động sản, bao gồm các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Xin chân thành cảm ơn!
BAN BIÊN TẬP
|