Tòa soạn Môi trường và Đô thị VN đã đưa tin phản ánh về công ty Cổ phần Găng Việt bị dân “tố” gây ô nhiễm môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định công ty này đã bốn năm liền bị xử phạt.
Bao biện
Trước đó, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã đưa về việc Công ty Cổ phần Găng Việt (công ty Găng Việt) đóng tại địa chỉ: Ấp Cầu Sắt, xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương xả thải có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường.
Phóng viên đã liên hệ với công ty để tìm hiểu sự việc với mong muốn có cái nhìn đa chiều, khách quan nhất về sự việc nói trên.
Nhưng tất cả nội dung phóng viên đề cập đã bị ông Võ Chí Linh – phó giám đốc điều hành công ty “phủ nhận”.
Một mặt khác, ông Linh dành những lời bao biện cho công ty mình với đại ý rằng công ty Găng Việt trong quá trình hoạt động sản xuất luôn đảm bảo mọi điều kiện về bảo vệ môi trường và được các cấp quản lý thanh kiểm tra định kỳ bài bản.
Còn với thông tin người dân phản ánh tới báo chí ông Linh rất kiên quyết: “Nếu chỉ là một phản ánh của người dân hoặc một phản ánh abcd gì đó tôi không cần biết mà báo chí phải vào cuộc tìm hiểu, lấy tư liệu thì chúng tôi không thể tiếp nhận và không cung cấp hồ sơ được vì nó liên quan đến vấn đề kinh doanh. Doanh nghiệp vẫn có trách nhiệm đúng với vấn đề môi trường, với cơ quan pháp quyền của tỉnh”.
Tuy ông Linh khẳng định “chắc nịch” việc công ty mình tuân thủ bảo vệ môi trường xong thực tế ghi nhận của PV lại có phần trùng khớp với phản ánh của người dân.
Theo ghi nhận của PV, thực tế giàn ống khói ” khổng lồ” xả mù mịt lên trời với mùi hôi đến “tức ngực” và một miệng ống nước thải sủi bọt trắng như “bọt xà bông” chảy dài theo suối khiến ai cũng phải ái ngại.
Cứ xử phạt xong lại phát hiện sai phạm
Trái ngược với lời nói của ông Linh, mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương đã có công văn số 2389/STNMT/CCBVMT ngày 04/6/2020 phản hồi với Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam.
Sau khi nhận công văn, phóng viên mới “té ngửa” ra bởi từ năm 2016 đến nay, không năm nào công ty Găng Việt không bị cơ quan chức năng trong tỉnh Bình Dương “tuýt còi”, thậm chí là xử phạt rất nhiều lần với số tiền rất lớn.
Khởi điểm là năm 2016, Phòng cảnh sát môi trường – Công an tỉnh Bình Dương kiểm tra và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xử phạt đối với hành vi xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn cho phép thải ra môi trường với số tiền 1.312.000.000 đồng (một tỷ ba trăm mười hai triệu đồng).
Tiếp ngay sau đó Công an huyện Bàu Bàng xử phạt hành vi chôn lấp chất thải rắn thông thường không đúng quy định với số tiền 20.000.000 đồng (Hai mươi triệu đồng).
Không lâu sau, trong đợt thanh kiểm tra năm 2017, Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xử phạt đối với hành vi thực hiện không đúng nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt với số tiền 150.000.000 đồng ( Một trăm năm mươi triệu đồng).
Chưa dừng lại ở đó, năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra xử phạt đối với hành vi không có văn bản báo cáo cơ quan phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường về việc hoàn thành công trình bảo vệ môi trường và hành vi thực hiện không đúng nội dung Đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt với số tiền 55.000.000 đồng (Năm mươi lăm triệu đồng).
Tiếp tục đến năm 2019, Phòng cảnh sát môi trường – Công an tỉnh Bình Dương kiểm tra và xử phạt đối với hành vi thực hiện không đúng nội dung Đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt và hành vi không gom chất thải nguy hại theo quy định với số tiền 80.000.000 đồng ( Tám mươi triệu đồng).
Chỉ sau lần xử phạt đó không lâu, Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra và xử phạt đối với hành vi bố trí khu vực lưu giữ chất thải nguy hại không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định với số tiền 80.000.000 đồng ( tám mươi triệu đồng).
Văn bản cũng ghi rõ “ Sau khi bị xử phạt, Công ty đã thực hiện các biện pháp khắc phục các hành vi vi phạm nêu trên”. Nhưng công ty đã khắc phục như thế nào, trong thời gian bao lâu, cơ quan chức năng có cử cán bộ theo dõi sát sao hay không, có văn bản nghiệm thu quá trình khắc phục hay không thì chúng tôi chưa thấy cơ quan chức năng nhắc tới.
Và như chúng ta thấy, mới nửa đầu năm 2020, công ty Găng Việt bị người dân liên tục “tố” gây ô nhiễm môi trường.
Phải chăng số tiền phạt qua bốn năm liền lên tới hàng tỷ như vậy chưa đủ sức răn đe, chưa thấm vào đâu so với công ty này? Hay thực sự công ty không còn cách nào khác để khắc phục vấn đề xả thải? Vậy phải cần chế tài như thế nào mới đủ mạnh để chặn đứng những hành vi gây ô nhiễm môi trường của những doanh nghiệp bị “phạt đi phạt lại” nhiều lần?
Phương Nam – Tùng Anh/Theo MT & ĐT