Ảnh: Bitcoin đang trên đà phát triển ở một số quốc gia
Bitcoin hoạt động dựa trên công nghệ blockchain (chuỗi khối)
Bitcoin là một trong những ví dụ về việc sử dụng công nghệ blockchain. Chính xác hơn, blockchain là một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau bằng mã hóa. Thực tế, người ta cho rằng các giao dịch được blockchain trực tiếp ghi chép vào một thanh ghi hoàn toàn minh bạch, đáng tin cậy và an toàn mặc dù không có một cơ quan nào quản lý dữ liệu này. Vì vậy Bitcoin hoạt động dựa trên giao thức mạng ngang hàng trên Internet mà không cần sự giám sát của ngân hàng trung ương.
Nhiều người tự hỏi với cách thức hoạt động như vậy thì liệu tiền điện tử có được cấp bằng sáng chế hay không.
Cách thức hoạt động của bitcoin trong chuỗi blockchain
Luật sáng chế của mỗi quốc gia
Mỗi quốc gia và văn phòng bằng sáng chế đều có những quy định riêng về luật sáng chế. Tuy nhiên, vẫn có những điểm chung được tìm thấy trong tất cả các luật, chúng tạo thành khái niệm cơ bản của bằng sáng chế. Một trong số đó là yêu cầu về bản chất phải là giải pháp kỹ thuật giải quyết một vấn đề. Nó có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau như sáng chế bắt buộc phải có "hiệu ứng kỹ thuật", giải quyết "vấn đề kỹ thuật", sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên,…
Chúng ta không thể cấp bằng sáng chế cho các khái niệm trừu tượng thuần túy này vì ý nghĩa của các khái niệm này là tương tự nhau, nó không phải khái niệm duy nhất như trong khoa học, quy luật tự nhiên, quy luật chuyển động hay toán học. Thêm vào đó, các sơ đồ, quy tắc, chơi game, cách điều hành doanh nghiệp, cũng như các chương trình máy tính thường được coi là vô hình. Chính vì lý do đó, các giải pháp trừu tượng không thể được cấp bằng sáng chế.
Giao dịch tài chính, đặc biệt là trực tuyến, là một khái niệm khá trừu tượng và thật khó để coi chúng là những phát minh mang bản chất kỹ thuật. Đó là lý do tại sao khía cạnh tài chính của Fintech rất khó để được cấp bằng sáng chế. Bản chất đổi mới của các giải pháp đó là sử dụng các công nghệ hiện đại trong mảng tài chính. Tuy nhiên, theo khái niệm truyền thống và quy định của luật sáng chế, việc phân biệt giữa đặc tính kỹ thuật và sự trừu tượng trong công nghệ hiện đại dựa trên trí tuệ nhân tạo, học máy hoặc blockchain rất phức tạp.
Những thách thức trong tương lai
Luật sáng chế với các nguyên tắc cơ bản được tạo ra vào cuối thế kỷ 19 đã không theo kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, các văn phòng bằng sáng chế trên khắp thế giới cần phải có sự điều chỉnh phù hợp với tình hình hiện tại. Thực tế, mỗi văn phòng bằng sáng chế đều có cách tiếp cận riêng biệt để cấp bằng sáng chế cho các phát minh có sự trợ giúp của máy tính, mà cụ thể là sử dụng phần mềm. Ví dụ như luật sáng chế ở Mỹ trong những năm qua đã thay đổi nhanh chóng, chuyển từ cách tiếp cận rất tự do sang phương pháp hạn chế. Văn phòng Bằng sáng chế Châu Âu được cho là có cách tiếp cận ổn định, tự do và cập nhật nhất.
Bằng sáng chế đã được cấp
Ngày càng có nhiều văn phòng bằng sáng chế chấp nhận ứng dụng công nghệ Fintech trong việc giải quyết vấn đề mang tính kỹ thuật cụ thể, mặc dù phần mềm như vậy rõ ràng là không thể được cấp bằng sáng chế. Do đó, nhiều khả năng Fintech sẽ đưa ra các giải pháp phù hợp với yêu cầu chung về bằng sáng chế, chẳng hạn như tăng tính an toàn bằng cách sử dụng mật mã hoặc cài đặt một số kỹ thuật đặc biệt bên trong máy tính. Việc cấp bằng sáng chế cho các phát minh liên quan đến tiền điện tử chủ yếu được tìm thấy ở mục C06Q của bảng Phân loại Bằng sáng chế Quốc tế. Bản phân loại này đề cập đến hệ thống và phương pháp xử lý dữ liệu cho các mục đích tài chính khác như:
US10055715B1: bằng sáng chế về thanh toán di động được USPTO cấp cho công ty SQUARE của Mỹ vào năm 2018. Sáng chế này là một phương thức thanh toán tiền điện tử nhằm giải quyết vấn đề chậm trễ trong xử lý giao dịch truyền thống.
EP3387785B1: bằng sáng chế được cấp cho nChain - một công ty Fintech chuyên về phần mềm tiền điện tử vào đầu năm 2019 bởi Văn phòng Bằng sáng chế Châu Âu (EPO). Phát minh có liên quan đến việc bảo mật hoạt động được thực hiện bằng công nghệ blockchain.
EP3455999B1: bằng sáng chế liên quan đến các kỹ thuật mật mã đảm bảo an toàn giao dịch được cấp cho nChain vào tháng 7/2019.
Vậy câu trả lời cho câu hỏi nên hay không nên cấp bằng sáng chế cho tiền điện tử bitcoin sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào hoàn cảnh trong tương lai. Cấp bằng sáng chế cho Fintech cũng như các loại hình công nghệ mới sẽ là một nhiệm vụ phức tạp và nhạy cảm, đòi hỏi phải có số liệu và phương án cần thiết. Điều quan trọng là tập trung vào đặc tính kỹ thuật của nó theo nghĩa đã được quy định trong luật sáng chế. Đó là lý do tại sao trong một quy trình phức tạp như vậy không thể thiếu sự hướng dẫn của một luật sư có kinh nghiệm về bằng sáng chế.
Kim Anh - Theo Sở Hữu Trí Tuệ
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/ba-lan-nen-hay-khong-nen-cap-bang-sang-che-cho-bitcoin-a41285.html