Ế khách thuê, nhà phố mặt tiền đua nhau bán

Việc cho thuê mặt bằng được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn từ nay đến cuối năm nhưng vẫn không khiến giá nhà phố đi xuống.

Việc cho thuê mặt bằng được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn từ nay đến cuối năm nhưng vẫn không khiến giá nhà phố đi xuống.

Do tác động của dịch COVID-19, chủ nhiều mặt bằng vàng cũng phải thừa nhận khó tìm khách hàng dù đã giảm giá nhiều lần. Cùng với đó, việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn đã khiến họ bắt buộc phải tính toán chuyện bán nhà để xoay xở vốn.

Đua nhau bán ra nhưng hiếm người mua

Sau nhiều tháng dán thông báo cho thuê lẫn đăng quảng cáo trên một số trang web, ông Tiến Hùng vẫn chưa tìm được khách thuê căn nhà mặt tiền trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Theo ông Hùng, từ khi có dịch COVID-19, công ty ông kinh doanh cầm chừng, không có đơn hàng nên buộc phải bán căn nhà phố đang cho thuê để có tài chính duy trì hoạt động. Ông đưa ra mức giá hơn 60 tỉ đồng cho căn nhà phố một trệt ba lầu, diện tích 8 x 16 m nhưng chưa có người hỏi mua. “Có mấy người bạn tôi cũng cho thuê khó quá nên bán ra để đầu tư lĩnh vực khác” – ông Hùng nói.

Tương tự, anh Nguyễn Dũng chủ căn nhà mặt tiền đường Hai Bà Trưng (quận 3, TP.HCM) vừa tìm được người thuê hồi tháng 5 thì khách lại báo tháng 7 sẽ trả nhà vì kinh doanh thua lỗ. Do phải trả nợ ngân hàng nên anh Dũng quyết định rao bán căn nhà đang mang lại số tiền cho thuê đến 200 triệu đồng/tháng cho mình.

“Căn nhà của tôi có diện tích lớn, bốn lầu chắc chắn, mặt tiền tới 8 m nên rất dễ cho thuê. Tôi rao giá khoảng 47,9 tỷ đồng, biết trước sẽ bán ra chậm nên phải quảng cáo, nhờ môi giới” – anh Dũng chia sẻ.

Theo dữ liệu của batdongsan.com.vn, tính riêng trong quý I/2020 và các tháng đầu quý II/2020, nhu cầu giao dịch nhà phố, nhà lẻ tại TP.HCM liên tục giảm mạnh, dự báo các chủ nhà còn phải hạ giá thêm nếu muốn bán nhanh.

Trong những tháng đầu năm, mức độ quan tâm nhà phố giảm 33% so với quý trước, giá chào thuê cũng giảm gần 11% trong khi giá bán có xu hướng đi ngang hoặc giảm 2%-3% tại một số quận trung tâm như quận 1, quận 3, quận 7, quận 10.

Trong hai tháng của quý II, giá bán nhà lẻ, nhà phố chưa có dấu hiệu cải thiện. Nếu so với giá bán cao điểm giữa năm 2019, nhà mặt phố tiếp tục hạ nhiệt trung bình 2%. Trong khi nhà riêng, nhà hẻm có giá bán đi ngang thì các tuyến đường chính lại chào bán giá thấp hơn 3%-5% so với cùng kỳ.

Hoạt động kinh doanh ảm đạm khiến việc cho thuê mặt bằng gặp khó, làn sóng rao bán nhà phố sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.

Nhiều mặt bằng nhà phố lớn treo biển bán hoặc cho thuê hàng tháng trời. Ảnh: QUANG HUY

Thị trường giao dịch sẽ chậm lại

Theo ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, thị trường bất động sản hiện nay chỉ tốt lên ở một vài nơi ít ỏi. Vì vậy, các nhà đầu tư lớn phải cân đối lại tài sản, những căn nhà phố có giá cao trên 20 tỷ đồng sẽ được họ ưu tiên bán ra.

Hiện nay, số lượng nhà phố mặt tiền có giá trị lớn được rao bán tương đối lớn. Tuy nhiên, do cho thuê mặt bằng suy giảm nên rất khó giao dịch. Nhà phố giá trị cao vài chục tỷ trở lên bán ra rất khó vì nguồn cung thì lớn nhưng nhu cầu lại ít.

“Thị trường phân khúc nhà phố sẽ chậm lại, giá nhà nói chung là khó giảm vì đa số gia chủ đều có tiềm lực tài chính tốt, họ có thể chịu đựng được. Tuy nhiên, thời điểm này người mua vẫn có nhiều cơ hội để thỏa thuận giá tốt với người bán. Trong năm nay, nhà phố dưới 10 tỷ đồng sẽ giao dịch tốt hơn là các căn quá nhiều tiền” – ông Quang dự báo.

TS Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế, cho rằng dù Việt Nam kiểm soát dịch bệnh tốt nhưng kinh tế vẫn bị ảnh hưởng. Bằng chứng là GDP nước ta đã giảm trong quý I, xuất nhập khẩu hầu hết các mặt hàng đều giảm. Do đó, dòng tiền đầu tư cho bất động sản cũng eo hẹp theo.

Cùng với đó, giá thuê mặt bằng mặt tiền phố lớn rất cao, việc kinh doanh sau dịch lại chưa hồi phục nên chủ cơ sở khó mà trụ nổi. Các chuyên gia dự đoán nhu cầu thuê sẽ tiếp tục giảm.

Theo TS Nhân, thời điểm này các chủ nhà nào cần vốn, bán ra ào ạt sẽ khó càng thêm khó vì khách có nhu cầu và khả năng tài chính rất ít. Bán nhà vào giai đoạn này chắc chắn chủ nhà sẽ phải giảm giá nhiều, có giá cạnh tranh thì may ra mới đẩy hàng được.

“Trong năm nay, bất động sản trung cấp, cao cấp, đặc biệt là sản phẩm nhà phố trung và cao cấp sẽ khó bán vì dòng tiền không có” – TS Nhân đánh giá.

Khách thuê lo ngại kinh doanh nửa cuối năm đi xuống

Theo khảo sát mới đây của CBRE Việt Nam, tác động kinh tế của dịch COVID-19 đã có ảnh hưởng mạnh đến tình hình kinh doanh, 79% khách thuê tham gia khảo sát lo ngại môi trường kinh doanh sáu tháng cuối năm sẽ trở nên xấu hơn.

Ngoài ra, 43% khách thuê cho rằng doanh thu sẽ giảm 10%-30% trong năm 2020 và có tới 61% khách thuê cho biết chưa được nhận các hỗ trợ từ chủ nhà.

Theo CBRE Việt Nam, việc trả mặt bằng tại các trung tâm thương mại diễn ra không nhiều do khách thuê nhận được hỗ trợ về việc giảm hoặc miễn giá thuê trong thời gian giãn cách xã hội. Tuy nhiên, việc trả mặt bằng kinh doanh nhà phố diễn ra phổ biến hơn, chủ yếu là từ những đơn vị kinh doanh nhà phố nhỏ lẻ, không đủ tiềm lực duy trì kinh doanh dài hạn. Những thương hiệu kinh doanh theo chuỗi cùng với việc cho đóng cửa một số cửa hàng còn thực hiện tái cấu trúc, cắt giảm lương nhân viên. Đây cũng là một giải pháp ngắn hạn nhằm ổn định lại nguồn ngân sách đang gặp nhiều khó khăn.

Theo PLO

Link gốc

 

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/e-khach-thue-nha-pho-mat-tien-dua-nhau-ban-a41070.html