Mới đây Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt lại ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp quản lý phù hợp đảm bảo an ninh quốc gia và an ninh năng lượng về dự án điện mặt trời Lộc Ninh đang gây xôn xao dư luận….
Câu chuyện Tập đoàn Super Energy Corporation của Thái Lan đang bung tiền để thâu tóm các dự án điện mặt trời Lộc Ninh 1,2,3,4 tại tỉnh Bình Phước không chỉ gây xôn xao trong dư luận mà mới đây Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt lại ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp quản lý phù hợp đảm bảo an ninh quốc gia và an ninh năng lượng.
Không đủ năng lực triển khai vì sao vẫn xin được dự án khủng?
Theo tìm hiểu của phóng viên, cụm Dự án nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh do Tập đoàn Hưng Hải làm chủ đầu tư, gồm 5 nhà máy, ký hiệu từ Lộc Ninh 1-5, đều có quy mô rất lớn, với công suất mỗi nhà máy là 200MW (trừ Lộc Ninh 3 là 150 MW và Lộc Ninh 5 là 50MW). Tổng công suất các dự án khoảng 800 MW và đã đều được ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vào trung tuần tháng 3/2019.
Khu nhà điều hành tạm cụm dự án điện mặt trời Lộc Ninh (Ảnh: Trần Tú)
Tuy nhiên ngay từ tháng 2/2019, khi Tập đoàn Hưng Hải công bố đầu tư 12.000 tỷ đồng làm điện mặt trời ở Bình Phước nhiều người đã hết sức quan ngại. Bởi với giới đầu tư trong nước, Hưng Hải không phải một tên tuổi đủ tầm cỡ, tương xứng với khoản đầu tư hơn nửa tỷ USD, bên cạnh đó còn một loạt lùm xùm về chậm triển khai, bị thu hồi dự án ở Lai Châu.
Nhưng bất ngờ là không chỉ “xin” thành công dự án Lộc Ninh 1-5, nỗi lo đầu ra cũng nhanh chóng được gạt bỏ khi Hưng Hải được Bình Phước chỉ định thực hiện dự án công trình đường dây và trạm biến áp 220 kV đấu nối các nhà máy điện mặt trời trên địa bàn huyện Lộc Ninh vào hệ thống điện lưới quốc gia. Dự án có chiều dài đường dây gần 30km, tổng mức đầu tư trên 1.200 tỷ đồng.
Pháp lý hoàn chỉnh, đầu ra đảm bảo là những yếu tố giải thích vì sao Super Energy Corporation lại trả cái giá rất cao cho 4 dự án của Hưng Hải. Cụ thể, Super Energy tham gia góp vốn với tỷ lệ 49% tại doanh nghiệp trung gian là Công ty cổ phần SSE Việt Nam 1 (SSEVN1). Tiếp đó, công ty mua lại 51% cổ phần còn lại từ 2 cá nhân là ông Tạ Xuân Thắng và bà Châu Mộng Như với số tiền tối đa 17,8 triệu USD để nắm giữ 100% vốn tại SSEVN1. Cách thức thâu tóm các dự án còn lại cũng được Super tiến hành tương tự. Cụ thể, công ty mua 100% cổ phần tại Công ty cổ phần SSELN2 và Công ty cổ phần SSEBP3 để sở hữu 100% vốn tại dự án Lộc Ninh 2 và Lộc Ninh 3; mua 100% cổ phần trong pháp nhân New Hold Co 4 (vốn 50 tỷ đồng), qua đó sở hữu 80% dự án Lộc Ninh 4.
Thương vụ “khủng” của công ty Thái Lan này có tổng giá trị tới 456,7 triệu USD, trong đó, khoản chi phí để mua lại cổ phần là 76,05 triệu USD. Hiện quá trình Super Energy “thâu tóm” các dự án Lộc Ninh 1, Lộc Ninh 2 và Lộc Ninh 3 đã hoàn tất và công ty này đang triển khai các bước cần thiết để hoàn thành các dự án trên vào cuối năm 2020.
Để tìm hiểu thông tin cụ thể, ngay khi Thủ tướng vừa có ý kiến liên quan, phóng viên đã có mặt tại khu vực đang triển khai dự án và ghi nhận thực tế. Hiện tại ngoài vài căn nhà tạm bằng container dùng làm văn phòng phía ngoài treo biển “Công ty Cổ phần Tập đoàn Hưng Hải – Ban quản lý các dự án nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh” thì xung quanh khu vực cụm dự án chỉ có lác đác vài ba chiếc xe cuốc cùng không đến chục công nhân đang làm việc cầm chừng. Vật tư cũng chỉ có lèo tèo vài ba cái cọc. Nhiều người dân ở đây cho biết: từ khi nghe thông tin dự án đến nay, chẳng hề thấy thi công gì cả, nhưng từ hôm báo chí bắt đầu đăng bài phản ánh việc dự án bán cho nước ngoài thì từ cuối tháng 5.2020 đến nay bắt đầu thấy có xe cuốc và công nhân vào làm, nhưng làm cho có mà thôi.
Theo ghi nhận của phóng viên hiện chỉ có khu vực của dự án Lộc Ninh 1, Lộc Ninh 3 là đang thi công được vài ba hàng trụ và đang san ủi mặt bằng. Còn khu vực Lộc Ninh 2 và 4 thì mặt bằng vẫn còn nguyên hiện trạng cây cối. Tuy nhiên tuyến đường dây 220kV thì lại đang được Hưng Hải thi công cấp tốc. Nhiều người cho rằng đây là động thái tiên quyết để nhà đầu tư Thái Lan rót vốn vào cụm dự án.
Rõ ràng nhìn lộ trình Hưng Hải Group xin dự án – làm cầm chừng – dọn đường – bán 4 dự án Lộc Ninh cho doanh nghiệp nước ngoài mặc dù đúng theo luật đầu tư như phát biểu gần đây của một đại diện lãnh đạo bộ Công thương, nhưng lại khiến cho dư luận và đặc biệt là nhiều nhà đầu tư có năng lực trong nước bức xúc. Nếu không đủ năng lực để triển khai dự án thì vì sao chủ đầu tư không sang nhượng, bán các dự án nói trên cho các nhà đầu tư trong nước mà bán cho nước ngoài? Ngoài việc lợi ích kinh tế quốc gia không được tối ưu hóa bên cạnh đó còn rất nhiều trăn trở cùng những hệ lụy !
An ninh quốc gia, an ninh năng lượng – xin đừng xem nhẹ!
Trao đổi với phóng viên về việc cụm dự án điện mặt trời Lộc Ninh nằm quá sát biên giới Campuchia, một cán bộ phòng quản lý năng lượng, sở Công thương tỉnh Bình Phước cho biết, khi doanh nghiệp xin dự án, đơn vị này chỉ tham mưu cho tỉnh về kỹ thuật còn về mặt gần biên giới thì chắc chắc các đơn vị quốc phòng phải kiểm tra và đồng ý thì dự án mới được phê duyệt.
Những chia sẻ trên hoàn toàn hợp lý đối với trường hợp dự án do doanh nghiệp Việt làm chủ đầu tư và nhà thầu Việt thi công. Tuy nhiên trong bối cảnh thông tin về việc cá nhân, doanh nghiệp Trung Quốc nắm giữ đất đai tại các vị trí “đắc địa” và có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ quân sự đã trở thành vấn đề nóng được dư luận và cử tri rất quan tâm trong thời gian gần đây, thì việc tập đoàn Thái Lan thâu tóm cụm dự án điện mặt trời lớn nhất nhì cả nước nằm ngay sát biên giới bỗng trở nên nóng không kém, đặc biệt hơn nữa khi truyền thông Trung Quốc đưa tin ngày 28/5, Tập đoàn kiến thiết điện lực Trung Quốc ký kết hợp đồng hạng mục Điện mặt trời 550MW Lộc Ninh Việt Nam với Super Energy. Cụ thể: “dự án nói trên có địa điểm đặt ở huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Tổng cộng phân thành 3 giai đoạn triển khai. Lộc Ninh 1 sẽ lắp đặt 200MW. Lộc Ninh 2 sẽ lắp đặt 200MW và Lộc Ninh 3 sẽ lắp đặt 150MW. Trạm biến áp 220kv. Hợp đồng yêu cầu hoàn thành không được muộn hơn ngày 31/12/2020.
Động thái này khiến nhiều người cực kỳ quan ngại về vấn đề an ninh quốc gia bởi dự án có quy mô rất lớn và nằm trải dài sát biên giới. Phóng viên khi đến đây cũng hết sức bất ngờ bởi khi vừa đặt chân đến cổng dự án thì điện thoại đã nhận được thông báo :”Chào mừng bạn đến với Campuchia”, và vừa rời khỏi thì nhận được tin nhắn:”Xin chào mừng Quý khách đã trở về Việt Nam”.
An ninh năng lượng quốc gia cũng là một vấn đề được nhiều người dân và nhà đầu tư Việt hết sức quan tâm và trăn trở, bởi cũng trong buổi ký kết hợp tác với Super Energy để thi công tại cụm dự án điện mặt trời Lộc Ninh thì Tập đoàn kiến thiết điện Trung Quốc tuyên bố tại Việt Nam tính đến tháng 4/2020 Tập đoàn này đã hoàn thành xây dựng hơn 70 hạng mục về điện, chiếm 65% tổng các hạng mục triển khai tại Việt Nam về điện. Trong đó các hạng mục về năng lượng mới đã vượt quá 2.5GW. Số liệu mà nhà thầu Trung Quốc này đưa ra mặc dù chưa được cơ quan chức năng tại Việt Nam xác thực tuy nhiên cũng khiến nhiều người phải giật mình suy ngẫm!
Nhìn chung, hiện tượng các nhà đầu tư không rõ năng lực xin dự án rồi bán lại kiếm lời không phải cá biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo còn nhiều lỗ hổng.Tuy nhiên để đảm bảo về an ninh quốc gia, an ninh năng lượng việc này cần phải được các ban ngành chức năng can thiệp, chấn chỉnh kịp thời, bên cạnh đó góp phần tối ưu hóa lợi ích kinh tế quốc gia, góp phần đưa doanh nghiệp Việt, thương hiệu Việt đủ tiềm năng và năng lực phát triển xứng tầm với thế giới.
Trần Tú - Theo Thương hiệu & Công luận