Cho vay qua ứng dụng (app) là hình thức cho vay ngang hàng, tức là một doanh nghiệp công nghệ dùng app làm trung gian kết nối người cho vay và người vay. Trong suốt thời hạn vay, hai bên không tiếp xúc trực tiếp. Các tính năng của app thu thập, đánh giá thông tin do người vay cung cấp để xét duyệt khoản vay, thu phí dịch vụ sau khi hai bên giao dịch thành công. Nhưng trên thực tế, hoạt động cho vay qua app biến tướng, dụ người vay với lãi suất "cắt cổ".
Vay 1,5 triệu đồng, trả lãi 60%/tháng
Cơ quan công an vừa qua đã khám xét Công ty TNHH Cashwagon (quận 1, TP HCM) chuyên cho vay qua ứng dụng (app Cashwagon). Theo đó, tất cả giao dịch của người vay và bên cho vay đều được thực hiện qua mạng internet và điện thoại di động. Tuy nhiên, đây lại là hình thức cho vay có dấu hiệu liên quan đến tín dụng đen với lãi suất "cắt cổ".
Anh Minh (quận Phú Nhuận, TP HCM) - người vừa vay 5 triệu đồng qua app Vaymuon - cho biết trước khi nhận được tiền, anh phải cung cấp thông tin của cá nhân và người thân. Đặc biệt, app Vaymuon đòi hỏi người vay cho phép chủ app truy cập vào danh bạ điện thoại, yêu cầu người vay bật tính năng định vị trên điện thoại, chụp hình khuôn mặt người vay để hệ thống nhận diện, cập nhật… Sau khi nhận đủ thông tin, app thông báo cho anh trong 30 ngày, bên vay phải trả vốn và lãi là 6.595.000 đồng.
Công an khám xét Công ty TNHH Cashwagon bên trong một tòa nhà cho thuê ở quận 1, TP HCM Ảnh: TỰ SANG
Phóng viên Báo Người Lao Động cũng từng thử vay 1,5 triệu đồng, thời hạn vay 10 ngày từ app của Công ty TNHH MTV Tư vấn Tài Chính LGC. Theo đó, app này thu thập thông tin người vay, phê duyệt khoản vay để thu phí dịch vụ 27.000 đồng/ngày. Còn bên cho vay (giải ngân) là Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Vạn An Phát, thu phí quản lý khoản vay 3.000 đồng/ngày. Tổng cộng, người vay phải trả chi phí vay 30.000 đồng/ngày (2%/ngày, 720%/năm).
Tuy nhiên, trước thời hạn thanh toán 5 ngày tổng đài tự động Doctor Đồng liên tục gọi điện, gửi tin nhắn yêu cầu thanh toán đúng thời hạn với số tiền 1,8 triệu đồng. Đến hạn thanh toán, một người lạ xưng là nhân viên Doctor Đồng gọi điện yêu cầu trả nợ tại các điểm giao dịch của một nhà mạng, đơn vị thu hộ.
Chúng tôi cũng từng tiếp cận app Cashwagon để vay 3 triệu đồng, thời hạn 90 ngày. Theo đó, người vay phải trả phí tư vấn 585.000 đồng, phí dịch vụ 630.000 đồng và tiền lãi 61.000 đồng. Với mức lãi chia nhỏ, người vay ban đầu thấy mức phí và lãi không nhiều, nhưng khi tính tổng chi phí (lãi suất) khoản vay 3 triệu là 1.276.000 đồng, tương ứng 40%/3 tháng. Trong khi đó, app Finizi cho vay trong ngày với số tiền từ 1- 4 triệu đồng, lãi suất 19,8%/năm và không đưa ra mức phí tư vấn dịch vụ, lãi phạt... Tuy vậy, khi tính tổng chi phí khoản vay 3 triệu đồng, thời hạn 20 ngày, bên vay phải trả lãi 243.786 đồng, tương đương lãi suất 148%/năm.
Theo cảnh báo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), một số đơn vị công nghệ tạo app cho vay chỉ để làm kênh phân phối, tìm kiếm khách hàng cho các công ty tài chính, cầm đồ; hoặc kết hợp xây dựng app cho vay để công ty cầm đồ tìm kiếm người vay và thực hiện cho vay. Mặt khác, một số đối tượng có thể lợi dụng app cho vay để hoạt động tín dụng đen, cho vay cầm đồ biến tướng, hoạt động tài chính đa cấp..., gây bất ổn đến an ninh kinh tế và ổn định xã hội. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết loại hình cho vay qua app ngày càng mở rộng, kéo theo tình hình khiếu nại trong nhóm dịch vụ tài chính tăng lên. Ở một số vụ việc, đối tượng đòi nợ còn sử dụng hình ảnh, thông tin liên hệ của người dân, người thân đăng tải công khai trên mạng xã hội với nội dung xuyên tạc, bịa đặt nhằm gây áp lực để thu nợ.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP HCM, để thực hiện các nghiệp vụ ngân hàng như huy động và cho vay, bao gồm cả các hình thức huy động và cho vay ngang hàng, đơn vị đó phải được NHNN cấp phép. Những doanh nghiệp thực hiện huy động và cho vay khi chưa được cấp phép đều là hoạt động không hợp pháp.
Không bị tường lửa phát hiện
Việt Nam là một trong những nước hàng đầu thế giới về việc phổ cập internet và người dùng di động, các app di động trở thành phương cách hữu hiệu để tiếp cận mọi đối tượng mọi lúc mọi nơi. Vì vậy, một số kẻ xấu bất chấp luật pháp, tình cảnh khó khăn của người dân đã khai thác triệt để loại hình cho vay này.
Theo chuyên gia công nghệ Phạm Hồng Phước, các app cho vay nặng lãi này không thể tự động cài vào các thiết bị của người dùng mà chính người dùng tự cài đặt sau khi bị "mờ mắt" bởi những chào mời hấp dẫn. Lợi thế của các app cho vay này là nhanh, gọn và dễ dàng. Do không phải là mã độc hay các ứng dụng nguy cơ, các app cho vay này hầu như không sợ bị các ứng dụng phòng chống virus, mã độc (tường lửa) phát hiện. Không phải bất cứ nguy cơ công nghệ nào cũng có thể dùng công nghệ để loại trừ.
Vì thế, để không còn nhiều người bị trở thành nạn nhân, người dùng và cộng đồng phải tự nhận biết và khi phát hiện các app cho vay nặng lãi nên báo cho nhà quản lý các chợ, kho ứng dụng như Apple (App Store), Google (Play Store); cũng như cho cơ quan chức năng. Vấn nạn app cho vay nặng lãi và các app có hại khác chỉ có thể giảm nhẹ được khi chính người dùng chủ động phòng tránh.
Không nên vay nóng qua mạng
Theo chuyên gia an ninh mạng Võ Đỗ Thắng, ngoài cách buộc người vay phải cung cấp đủ thông tin theo yêu cầu, các app cho vay nặng lãi còn cài phần mềm gián điệp ngầm để thu thập thông tin. Trước khi vay, người dùng điện thoại phải tải app về máy, trong đó app sẽ đưa ra những yêu cầu như phải cho phép truy cập vào danh bạ, tin nhắn, vị trí, những cuộc gọi đến và đi, dữ liệu truy cập internet (gồm cả các ứng dụng mạng xã hội)... Nếu không đáp ứng những yêu cầu trên, người dùng không thể kích hoạt app để sử dụng. Cũng có trường hợp, trong lần tải đầu tiên về máy, app chưa yêu cầu các quyền truy cập nhưng với phiên bản cập nhật sau đó không lâu, app sẽ cập nhật thêm phần mềm gián điệp vào thiết bị mà người dùng không hề hay biết để lấy cắp thông tin, dữ liệu ngầm. Để tránh tình trạng này, tốt nhất không nên vay nóng qua mạng.
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/tranh-xa-app-cho-vay-nang-lai-a40342.html