Bất động sản nghỉ dưỡng đang hồi phục nhanh
Những năm gần đây, bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam phát triển rất mạnh mẽ, vươn lên trở thành một trong những điểm sáng giúp thị trường bất động sản nói chung hồi phục. Nhiều dự án tầm cỡ khu vực và thế giới đạt tiêu chuẩn cao cấp đã được xây dựng tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là các địa phương trọng điểm như Đà Nẵng, Phú Quốc và gần đây nhất là Vân Đồn, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Mặc dù nửa đầu năm 2020, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đối diện với nhiều khó khăn và thách thức do ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Tất cả các khách sạn, khu nghỉ dưỡng đều phải tạm dừng hoạt động bởi giãn cách xã hội. Hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, các dự án đang xây dựng cũng phải tạm dừng, hoãn kế hoạch kinh doanh.
Tuy nhiên, một khảo sát mới đây của Savills Việt Nam, cho thấy trong tháng 5/2020 phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đã có dấu hiệu hồi phục. Hầu hết các khách sạn, khu nghỉ dưỡng 4 - 5 sao tại các địa phương có du lịch phát triển đều mở cửa trở lại với khoảng 75% số dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng hoạt động bình thường, nhiều dự án đang được triển khai xây dựng và dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong thời điểm cuối năm 2020.
Như vậy, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang khôi phục mạnh mẽ là yếu tố thuận lợi để các nhà phát triển dự án lên kế hoạch xây dựng các tổ hợp nghỉ dưỡng đẳng cấp tại các khu kinh tế đặc biệt.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, sự xác lập lại trật tự của những khu vực nghỉ dưỡng là điều hoàn toàn có thể xảy ra sau khoảng thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các thị trường mới bắt đầu dậy sóng sẽ trở thành điểm dừng chân của các nhà đầu tư. Bởi với yếu tố “mới”, “lạ” cũng như khả năng “tiếp thu kinh nghiệm tốt” từ các điểm du lịch truyền thống trước đó, sẽ tạo ra ưu thế kép cho vùng đất mới.
Ví dụ như tại Phú Quốc, với bãi biển dài 150km, nơi đây được CNN lựa chọn là một trong 20 bãi biển hoang sơ đẹp nhất châu Á, được dự kiến trở thành khu kinh tế đặc biệt, có chủ trương thu hút đầu tư mạnh mẽ, hệ thống hạ tầng giao thông, hàng không phát triển. Hay tại Vân Đồn, Quảng Ninh đã được Chính phủ thí điểm thành lập Ban Quản lý khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc tỉnh, được phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2040, dành 2.700- 2.800ha đất cho du lịch dịch vụ. Đây sẽ là những yếu tố hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong tương lai.
Còn theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia chia sẻ rằng vẫn tin vào “cửa sáng” cho phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian tới.
Vị chuyên gia kinh tế này cho rằng, thế mạnh lớn nhất và còn nhiều dư địa khai thác nhất của Việt Nam hiện nay chính là du lịch, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá - trải nghiệm. Trong đó, du lịch nghỉ dưỡng ven biển có triển vọng phát triển rất tốt do Việt Nam có nhiều rừng, biển. Du khách phương Tây đánh giá Việt Nam có văn hóa ẩm thực độc đáo và lành mạnh nhất thế giới.
Thứ hai, đại dịch Covid-19 một mặt khiến ngành du lịch bị nhiều tác động tiêu cực nhưng mặt khác cũng giúp Việt Nam ghi điểm trong mắt bạn bè quốc tế, trở thành điểm đến không chỉ hấp dẫn mà còn an toàn nhất thế giới. Tạp chí hàng đầu của Mỹ, The Nation đã ghi nhận Việt Nam "có lẽ là quốc gia ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 hiệu quả nhất thế giới”. Đây chính là những thế mạnh để hồi phục ngành du lịch.
Thứ ba, Việt Nam có những khu du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế. Chính sự bùng nổ về xu hướng đầu tư, phát triển các tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng đa chức năng tại nhiều điểm đến như Đà Nẵng, Phú Quốc, Quảng Ninh đã đón đầu được xu hướng mới, đáp ứng được nhu cầu của khách quốc tế đến Việt Nam.
“Trong trung và dài hạn, du lịch sẽ là ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững. Đây cũng là ngành quan trọng nhất, có giá trị lan tỏa rất lớn, trở thành ngành mũi nhọn của nền kinh tế” (TS. Lê Xuân Nghĩa)
Cần hướng đi rõ ràng cho các khu kinh tế trọng điểm
Theo các chuyên gia, tính cơ hội và sinh lời của bất động sản nghỉ dưỡng tại các khu kinh tế như Vân Đồn, Phú Quốc là rất lớn. Hai thị trường này đang trở thành điểm nhắm của các nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại và tương lai. Song cần có những định hướng rõ ràng về quy hoạch, phát triển sản phẩm nghỉ dưỡng tại những khu kinh tế trọng điểm này. Thực tế ghi nhận, đến thời điểm hiện tại, các nhà phát triển bất động sản đã tập trung xây dựng các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp theo mô hình tổ hợp “All in one”. Khái niệm vui chơi giải trí - “All in one” - “điểm đến cho mọi nhu cầu”, mới được phủ sóng mạnh mẽ với các khu vui chơi giải trí phức hợp quy mô hàng chục ha, nhiều doanh nghiệp đang từng bước tạo lập dấu ấn với thế giới.
Điển hình phải kể đến như Tổ hợp bất động sản Nghỉ dưỡng - Vui chơi giải trí - Thương mại dịch vụ Grand World Phú Quốc; NovaWorld Phan Thiết. Hay như mới đây, Sonasea Vân Đồn Harbor City là dự án tổ hợp bao gồm khu khách sạn, căn hộ condotel, biệt thự nghỉ dưỡng và khu nhà phố thương mại, thuộc huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đang được các nhà đầu tư và khách du lịch “chọn mặt gửi vàng”.
Nhiều dự án tầm cỡ khu vực và thế giới, đạt tiêu chuẩn cao cấp đã được xây dựng tại nhiều địa phương trên cả nước
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh: Trên thế giới, những “cỗ máy in tiền” dưới dạng mô hình tổ hợp, quần thể du lịch, nghỉ dưỡng đã xuất hiện từ lâu, như ở Singapore, Malaysia… Ở Việt Nam, mới đây, các tổ hợp du lịch quy mô cũng dần xuất hiện tại Vân Đồn, Hạ Long, Phú Quốc và chứng minh được sức hút. Lượng khách du lịch, đặc biệt là dòng khách hạng sang đến các tổ hợp này rất lớn.
Vì thế, xu hướng đầu tư vào các bất động sản nằm trong tổ hợp du lịch sẽ giúp nhà đầu tư yên tâm về lượng khách ổn định, gia tăng theo thời gian. Các công trình nằm trong tổ hợp sẽ có sự bổ trợ lẫn nhau hiệu quả, đảm bảo khả năng kinh doanh cho các nhà đầu tư. Thêm điểm cộng nữa là nhà đầu tư có thể yên tâm về tính pháp lý khi đầu tư vào bất động sản nằm trong các tổ hợp quy mô, đẳng cấp”.
Ông Nguyễn Trần Nam cũng cho rằng, thời gian tới, ngành du lịch trong nước và quốc tế sẽ tiếp tục có sự tái cơ cấu, chuyển biến và thay đổi rất nhanh, với nhiều cơ hội mở ra cho các chủ đầu tư, không chỉ tăng trưởng nhu cầu phòng mà còn tăng trưởng các đối tượng khách hàng mới. Do đó, nếu đơn thuần chỉ phát triển một dự án theo kiểu truyền thống sẽ không đảm bảo tính cạnh tranh cũng như không còn phù hợp với nhu cầu của khách hàng trong trung và dài hạn. Một dự án cần tạo dựng hệ sinh thái tiện ích - dịch vụ đa dạng mới có thể trở thành điểm đến hấp dẫn. Thị trường bất động sản Việt Nam hiện cũng rất tiềm năng cho những loại hình sản phẩm phức tạp và đa dạng hơn, nắm bắt các xu hướng đang thay đổi trên toàn cầu.
“Để Phú Quốc và Vân Đồn có thể phát triển bất động sản du lịch quy mô lớn thành công, một hệ thống chính sách đồng bộ, xác định rõ cần tập trung vào sản phẩm cụ thể nào… là vấn đề cần được quan tâm” (PGS.TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương)Theo PGS.TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cần phải rút kinh nghiệm của các giai đoạn phát triển 1993 - 1996; 2005 - 2007; 2014 - 2018 với các địa bàn Mũi Né, Nam Sơn Trà - Bắc Cửa Đại, Nha Trang - Cam Ranh, các địa bàn Phú Quốc, Vân Đồn có lợi thế trong việc lựa chọn mô hình, loại hình sản phẩm, quy mô sản phẩm cho mình. Một trong những định hướng có thể là việc lựa chọn các sản phẩm bất động sản tập trung, quy mô lớn thay cho việc phát triển hàng loạt resort liền kề nhau.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh: “Thế giới trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, loại hình tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn - tích hợp nhiều sản phẩm - đang được xem là xu hướng. Với thực tế phát triển kinh tế và cơ chế, chính sách hiện hành, Vân Đồn hay Phú Quốc đều có những ưu thế đặc biệt thuận lợi cho việc phát triển thành một địa bàn phát triển sản xuất, du lịch, đặc biệt là các tổ hợp du lịch lớn”.