Dù bị buộc thu hồi từ hơn 2 năm trước nhưng đến nay, dự án lấn vịnh Nha Trang vẫn chưa giao trả lại đất, trong khi cơ quan chức năng loay hoay xử lý
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có thông báo kết luận của ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh, về việc xử lý đất đai thuộc dự án Công viên văn hóa, giải trí, thể thao Nha Trang Sao (dự án Nha Trang Sao; thuộc phường Vĩnh Thọ, TP Nha Trang). Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu cơ quan chức năng xem xét, giải quyết các hậu quả pháp lý khi ban hành quyết định thu hồi đất.
Lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường
Theo văn bản của UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Tấn Tuân giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) chủ trì, phối hợp với các sở: Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), Tài chính, Xây dựng, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông cùng UBND TP Nha Trang thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc thu hồi đất dự án Nha Trang Sao. Đồng thời, làm việc với chủ đầu tư là Công ty CP Nha Trang Sao để xem xét giải quyết hậu quả pháp lý khi UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi đất dự án theo quy định của pháp luật. Các nội dung này phải báo cáo cho UBND tỉnh trước ngày 30-6.
Dự án Nha Trang Sao có vị trí đặc biệt nằm ở phía Đông đường biển Phạm Văn Đồng, được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 3-2012. Dự án có vốn đầu tư lên đến 33 triệu USD, khởi công vào đầu năm 2014, tổng diện tích trên 103.000 m2, trong đó hơn 44.000 m2 mặt đất và gần 59.500 m2 mặt nước. Từ năm 2015, Báo Người Lao Động đã phản ánh việc chủ đầu tư dự án Nha Trang Sao lấn vịnh Nha Trang trái phép. Đến tháng 1-2016, UBND tỉnh Khánh Hòa xử phạt chủ đầu tư 130 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện chương trình quan trắc, giám sát môi trường trong giai đoạn thi công dự án; xử phạt 70 triệu đồng đối với hành vi đổ đất lấn biển 2,3 ha khi chưa được cấp phép, làm ảnh hưởng đến danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang.
Ngày 19-1-2018, Sở KH-ĐT ban hành Quyết định số 18/QĐ-SKHĐT về việc chấm dứt dự án, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Đến ngày 18-1-2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 187/QĐ-UBND thu hồi đất dự án Nha Trang Sao để giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Khánh Hòa quản lý. Tuy nhiên, từ đó cho đến nay, công tác thu hồi đất vẫn chưa thực hiện được.
Theo UBND TP Nha Trang, dự án này được TP xác định mốc giới khu đất ngoài thực địa để bàn giao đất, mặt nước cho cơ quan nhà nước quản lý nhưng không thành do Công ty CP Nha Trang Sao vắng mặt.
Ghi nhận thực tế tại dự án này đang là bãi đất trống với nhiều xà bần, rác thải. Phần diện tích lấn biển trái phép được ghè đá từ nhiều năm qua khiến cỏ biển, san hô, sinh vật biển hư hại. Ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng Ban Quản lý vịnh Nha Trang, cho biết những khu vực lấp, lấn vịnh Nha Trang khiến hệ sinh thái hư hỏng, rất khó phục hồi. Trong khi đó, việc thu hồi, giải quyết hậu quả vẫn cứ loay hoay, chưa có hướng xử lý.
Dự án Nha Trang Sao đã chấm dứt hoạt động 2 năm nay nhưng địa phương vẫn chưa thu hồi được đất
Nhiều vướng mắc
Theo Sở TN-MT, dự án Nha Trang Sao đang có nhiều vướng mắc trong việc xử lý tài sản, quyền sử dụng đất của dự án đã bị chấm dứt hoạt động. Sở đã có văn bản hỏi ý kiến Bộ TN-MT, tuy nhiên, văn bản hướng dẫn của bộ này không hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục thu hồi đất với trường hợp chấm dứt hoạt động dự án.
Trong thời gian này, ngày 9-10-2019, Công ty CP Nha Trang Sao có văn bản đề nghị cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cấp phép đầu tư cho nhà đầu tư mới đối với dự án Nha Trang Sao. Cùng ngày, Công ty CP Du lịch Khánh Hòa có văn bản kiến nghị mua lại quyền sử dụng đất và gắn liền với đất của dự án trên.
Theo Sở KH-ĐT, từ ngày 19-1-2018, khi bị thu hồi giấy chứng nhận thì Công ty CP Nha Trang Sao có quyền gia hạn 24 tháng để thanh lý tài sản trên đất. Hết thời hạn này, nếu chủ đầu tư không thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, bán tài sản hợp pháp của mình thì nhà nước thu hồi đất theo quy định. “Đến nay, dự án này đã hơn 2 năm, do đó nhà nước có quyền thu hồi đất. Sau khi thu hồi, việc xử lý giao cho nhà đầu tư nào thì đến nay chưa được UBND tỉnh cho chủ trương” – đại diện Sở KH-ĐT giải thích.
Trong khi đó, ông Võ Tấn Thái, Giám đốc Sở TN-MT, trong văn bản tham mưu của sở đưa ra 3 phương án xử lý. Cụ thể, phương án 1: Nhà đầu tư khác (sau khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản hợp pháp trên đất) sẽ tiếp tục đầu tư trên diện tích dự án đã thỏa thuận, quy hoạch trước đây đã được phê duyệt; đăng ký việc biến động quyền sử dụng đất. Phương án 2, nhà đầu tư mới phải lập dự án mới; giao đất, thuê đất theo dự án mới. Phương án 3, nhà nước thỏa thuận về tài sản đã xây dựng trên đất nếu nhà đầu tư không thực hiện việc chuyển nhượng, bán tài sản trên đất. Sở TN-MT chọn phương án 1.
2,3 ha lấn biển làm công viên
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết dự án này có nhiều vấn đề, theo ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thì 2,3 ha dự án lấn biển sẽ làm công viên, phục vụ công cộng. Còn diện tích khác sẽ thực hiện theo quy hoạch. Nhà đầu tư nào kế tục dự án này cũng phải đầu tư theo quy định pháp luật hoặc nhà nước sử dụng đầu tư công để làm việc khác.