Đây là chia sẻ của TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Bộ phận Đầu tư Công ty Savills Việt Nam, tại toạ đàm "Thị trường bất động sản thế nào sau dịch Covid-19?" do Báo Thanh Niên vừa tổ chức.
Theo TS Sử Ngọc Khương, ông và Savills đều tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư nước ngoài và hầu như họ không thể tham gia rót vốn vào các dự án bất động sản được vì thiếu quy hoạch chi tiết 1/500, chưa hoàn tất hành lang pháp lý... Điều này khiến việc kêu gọi vốn nước ngoài tham gia vào bất động sản rất khó.
Ông Sử Ngọc Khương nhấn mạnh thị trường bất động sản Việt Nam phát triển quá nhanh và khung pháp lý chưa theo kịp. Mới đây, TP HCM đã trình Chính phủ 63 dự án nhà ở cần tháo gỡ khó khăn, hiện các doanh nghiệp vẫn chưa biết giải quyết đến đâu.
Nhà đầu tư nước ngoài khó rót vốn vào thị trường bất động sản Việt Nam do thủ tục phức tạp. Ảnh minh hoạ: Linh Anh
"Nếu kéo dài khó khăn, sản phẩm bất động sản dự kiến bán 25 - 30 triệu đồng/m2 sẽ phải bán lên 35 triệu đồng/m2. Ngay với bất động sản nhà ở, người mua đã thanh toán xong chỉ còn 5% nhưng muốn cầm cố cũng khó vì không có sổ hồng. Chuyện này đã xảy ra 7 - 8 năm trước, đến nay vẫn không khác nhiều" - TS Sử Ngọc Khương nói.
Chia sẻ tại toạ đàm, có doanh nghiệp cho biết còn mất tới 15 năm để xin thủ tục triển khai một dự án bất động sản.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, kể khoảng 20 năm về trước, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng khi đầu tư nhận được rất nhiều sự hậu thuẫn từ phía chính quyền để hoàn thiện các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, khi Đại Phúc Land đầu tư các dự án quy mô lớn tới gần 200 ha, doanh nghiệp này đã phải mất 15 năm. Thời gian từ khi xin thủ tục đến lúc triển khai dự án quá lâu, dẫn đến sự "lệch pha" giữa thiết kế ban đầu của dự án đối với nhu cầu thị trường.
Thế nên, sau khi đã hoàn thành tất cả thủ tục về mặt pháp lý quy hoạch, nghĩa vụ tài chính, doanh nghiệp lại phải điều chỉnh cục bộ về mặt sản phẩm cho phù hợp yêu cầu thực tế thị trường nhưng rất e ngại vì phải làm lại các thủ tục từ đầu…
Ông Trần Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, cho rằng dự án "đắp chiếu" lâu năm đương nhiên giá bất động sản sẽ tăng lên vì các chi phí tài chính phát sinh buộc doanh nghiệp phải cộng vào. "Lúc này, giảm giá bất động sản rất khó. Nếu có giảm là do doanh nghiệp giảm lợi nhuận để bình ổn thị trường. Còn nếu doanh nghiệp vẫn giữ kỳ vọng lợi nhuận như trước dịch Covid-19, giá bất động sản sẽ tăng" - ông Trần Quốc Dũng nói.
Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Phát triển nhà và Thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng, cho biết một trong những giải pháp thời gian tới là Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết khuyến khích nhà ở thương mại giá thấp bởi hiện nay, bất động sản cao cấp nhiều, nhà giá thấp ít. Đồng thời, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, không chỉ của Bộ Xây dựng mà còn các bộ, ngành khác để đẩy mạnh phân khúc nhà giá thấp.
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/goi-von-ngoai-vao-bat-dong-san-gap-kho-vi-thu-tuc-a39813.html