Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC – đã nói như vậy tại toạ đàm “Thăng trầm bất động sản 2010-2020 và những xu hướng sắp tới” diễn ra chiều 6.6.
Khi được hỏi về những nhận định về tương lai của ngành bất động sản, Chủ tịch HĐQT FLC Trịnh Văn Quyết nhấn mạnh: “Dù là nói trong hội trường lớn, hay ở quán cà phê tôi cũng có thể tự tin nói rằng bản thân luôn luôn lạc quan về thị trường bất động sản”.
“Từ trước đến nay, dù đã trải qua nhiều khủng hoảng, tôi vẫn lạc quan và vượt qua khủng hoảng 2008, 2013 với kết quả tích cực", ông Quyết tự tin nói.
Đưa ra lời khuyên, vị đại diện FLC nhận định, bất động sản không lý do gì mà trầm lắng và không lạc quan.
“Bây giờ là thời điểm vàng để những người từ tích lũy ít đến đầu tư lớn mua bất động sản. Giờ phải chấp nhận rủi ro, nhưng phải lạc quan để tránh việc khi xuống tiền mua là quá muộn”, ông Quyết nói.
Phản hồi về xu hướng bất động sản công nghiệp đang diễn ra sôi động trong thời gian qua, ông Quyết nhận định: Nhiều người nói bất động sản công nghiệp là xu thế chuyển dịch của các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam.
"Nhà nhà đua nhau làm bất động sản công nghiệp là rất nguy hiểm. Bất động sản công nghiệp là phải có nhà ở cho công nhân, là một quần thể, khu công nghiệp. Tôi không lạc quan quá vào bất động sản công nghiệp", ông Quyết nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Cảnh Hồng - Tổng Giám đốc Công ty Eurowindow - nhận xét, Việt Nam đang chào đón xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang một cách ồ ạt tạo nên làn sóng đầu tư bất động sản công nghiệp. Từ đó, thị trường sẽ có sự sàng lọc tự nhiên, loại bỏ những doanh nghiệp bất động sản yếu kém.
Trong thời gian tới, các chính sách sẽ dần hoàn thiện hơn, đây là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp bất động sản "rộng đường" phát triển.
Ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam- chia sẻ: Người dân tâm lý vẫn chờ bất động sản xuống giá. Tuy nhiên bất động sản vẫn có cơ hội từ dân số trẻ, nhu cầu nhà ở nhiều, mức sống người dân tăng cao. Riêng bất động sản du lịch là kênh có tốc độ tăng giá nhanh nhất.
Một doanh nhân đến từ phía Nam, ông Nguyễn Văn Sơn, đến từ Hiệp hội Bất động sản Đồng Nai, người kinh doanh phân khúc trung bình và thấp nói: Phân khúc nhà ở bình dân này từng bị coi là "con ghẻ", trải qua nhiều thăng trầm, khó khăn trong giai đoạn từ 2010-2020. Năm 2010, doanh nghiệp này từng chuyển hướng sang sản xuất rượu và sản phẩm chức năng để đủ tiền trả lương nhân viên và trả nợ ngân hàng và chuẩn bị phục hồi lại năm 2014. Hiện công ty phát triển thêm các dự án cho phân khúc trung bình, thu nhập thấp và hoạt động tốt trước các tác động của Covid-19.
"Tôi muốn dành lời khuyên các doanh nghiệp bất động sản trẻ, cần có bản lĩnh để vượt qua khó khăn", doanh nhân này nói.