Đặc biệt thời điểm COVID-19 khiến các doanh nghiệp nội khó khăn, dễ tổn thương hơn, cũng tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tranh thủ gia tăng thâu tóm.
Trên trang web của Công ty cổ phần Cáp điện Thịnh Phát mới đây thông báo công ty đã chính thức sáp nhập vào Tập đoàn Stark của Thái Lan. Điều này có thể hiểu lịch sử 33 năm hình thành của công ty cáp điện lớn thứ hai trên thị trường Việt Nam đã bước sang một trang mới, trở thành công ty con của người Thái.
Lo ngại làn sóng thâu tóm với giá rẻ
Cách đây gần 1 tháng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã cảnh báo tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa thể khắc phục ngay sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới nhiều doanh nghiệp. Ông cho rằng hiện tượng mua bán, sáp nhập thời gian tới còn diễn ra mạnh mẽ hơn dẫn đến nguy cơ các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam có thể bị thâu tóm với giá rẻ.
Giữa cuộc chiến thương mại của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, cùng với diễn biến dịch bệnh phức tạp, không chỉ riêng Hàn Quốc, nhiều tập đoàn đa quốc gia cũng quan tâm nhiều hơn trong việc tăng đầu tư tại Việt Nam.
Trước đó, vào tháng 3/2020, lúc đỉnh điểm dịch COVID-19, Tập đoàn Super Energy của Thái thông báo mua lại bốn dự án điện mặt trời tại Việt Nam với tổng công suất 750 MW. Đây là các dự án điện mặt trời nằm ở tỉnh Bình Phước, đang được ngành điện lực mua điện với giá 7,09 USD/KWh trong vòng 20 năm. Tổng số tiền bỏ ra để mua lại các dự án này là 457 triệu USD.
Không chỉ có các ông lớn Thái Lan nhìn thấy sự hấp dẫn từ các doanh nghiệp Việt giữa bối cảnh họ đang lao đao vì đại dịch. Công ty SK Lubricants của Hàn Quốc đã mua 49% cổ phần Công ty cổ phần Hóa dầu Mekong với giá 42,1 triệu USD. Một tập đoàn điện lực khổng lồ của Philippines là Aboitiz Power cũng đã mua một nhà máy điện gió Việt Nam với giá 46 triệu USD.
Đồng thời, số liệu thu hút đầu tư từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận những bất thường khi các vụ mua bán sáp nhập gia tăng mạnh. Tính đến ngày 20/4/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài 4 tháng đầu năm 2020 đạt 12,33 tỷ USD, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, 4 tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp Trung Quốc có tới 557 lượt góp vốn mua cổ phần vào doanh nghiệp Việt với số vốn 230 triệu USD.
Dẫn đầu việc mua lại cổ phần của các doanh nghiệp trong nước là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc khi các doanh nghiệp của quốc gia này đã có tới 1.042 lượt góp vốn vào doanh nghiệp Việt trong thời gian này và tổng vốn đổ vào cổ phần doanh nghiệp Việt là 356 triệu USD. Tuy nhiên, nếu xét về tổng vốn mua cổ phần doanh nghiệp Việt thì Nhật Bản lại là nước đi đầu, tuy chỉ thực hiện gần 300 lượt góp vốn mua cổ phần song các doanh nghiệp Nhật lại chi tới 743 triệu USD để đầu tư vào doanh nghiệp Việt. So với năm 2019, các doanh nghiệp FDI đến từ các quốc gia trên đều gia tăng việc mua lại cổ phần của doanh nghiệp Việt.
Nhìn lại những thương vụ M&A trong quá khứ, nhiều người ví von, việc chúng ta bán đi những thương hiệu mạnh như Sabeco, Kinh Đô, Highland… “chẳng khác nào vừa hì hụi đào móng xong lại để người khác đến xây nhà…”.
Mất nhiều hơn được
Về mặt luật pháp, nếu các thương hiệu bị bán vẫn được niêm yết trên sàn chứng khoán của Việt Nam thì có thể vẫn được tính là thương hiệu Việt, chỉ khác là chủ sở hữu là người nước ngoài thôi. Những thương hiệu sản phẩm đó được xuất phát từ Việt Nam thì nó vẫn được coi là thương hiệu Việt và vẫn được tính như là đầu vào chỉ số sức mạnh của Việt Nam. Vấn đề này thoạt nhìn có thể thấy nó không ảnh hưởng tới nền kinh tế, nhưng lâu dài “sẽ mất nhiều hơn được”.
Nói như ông Lại Tiến Mạnh - Đại diện Brand Finance tại Việt Nam (Công ty Tư vấn Chiến lược và Định giá thương hiệu độc lập hàng đầu thế giới) thì việc mua bán này chỉ giải quyết được bài toán ngắn hạn về cân đối vốn, về lâu dài thì rõ ràng là Nhà nước sẽ mất đi nguồn thu trực tiếp từ kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến ngân sách thụ hưởng sau này.
Ngoài ra, cũng theo ông Mạnh, còn một hệ lụy nữa là việc quản lý thuế đối với các doanh nghiệp đó chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Kinh nghiệm cho thấy, nhiều công ty nước ngoài tìm nhiều cách để trốn thuế nên khi công ty đã rơi vào tay họ thì họ được quyền làm các động tác về giấy tờ, sổ sách, khả năng thu được các nguồn thuế sẽ bị giảm đáng kể. Do đó, kinh tế Việt Nam sẽ thiệt hại khá nhiều khi các thương hiệu lớn lần lượt rơi vào tay các ông chủ ngoại. Đấy là còn chưa kể việc có thể ảnh hưởng đến nền sản xuất của Việt Nam. Ví dụ, các nguồn nguyên vật liệu đầu vào, trước đây các nguồn này có thể lấy từ các nhà cung cấp Việt Nam nhưng khi đã vào tay của nước ngoài thì họ có quyền thay đổi các nhà cung cấp để đảm bảo tối đa hóa lợi ích của của họ.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, việc các doanh nghiệp FDI “nhăm nhe” vào các doanh nghiệp nội đang thiếu vốn cũng là điều rất bình thường trong quy luật thị trường.
Đơn cử, cuối năm 2019, Samsung SDS trở thành cổ đông lớn nhất, sở hữu 25% vốn điều lệ Công ty CP Tập đoàn Công nghệ CMC (CMC Group - mã CMG). Nhờ giá phát hành gấp 3,4 lần mệnh giá, thặng dư vốn cổ phần của CMC Group cũng tăng thêm 600 tỷ đồng, củng cố thêm vào vốn tự có của doanh nghiệp công nghệ này.
Ở chiều ngược lại, dự án góp vốn mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào Công ty TNHH Vietnam Beverage thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, trị giá 3,85 tỉ đô la, nhằm sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tại Hà Nội vào năm 2019, lại phản ánh mặt trái bức tranh đầu tư nước ngoài năm 2019. Bởi bia không phải là ngành, lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích đầu tư, chưa kể dự án sẽ tạo ra sự cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp sản xuất bia trong nước.
Trên thực tế, hiện các chính phủ đều đang đưa ra biện pháp ngăn chặn nguy cơ thâu tóm doanh nghiệp trong thời gian khủng hoảng nhằm để bảo vệ các ngành kinh tế quan trọng, doanh nghiệp trọng điểm hoặc có liên quan đến an ninh quốc gia...
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài:
Các nước như Đức, Italia, Tây Ban Nha, New Zealand thời gian đã qua cũng đã có cảnh báo về nguy cơ thâu tóm doanh nghiệp qua M&A. Việc góp vốn, mua cổ phần tại những doanh nghiệp bình thường thì nên để diễn ra tự nhiên, nhưng với những doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực mang tính cốt lõi, chiến lược, có tác động xã hội lớn thì cần phải có sự kiểm soát.
Hiện, Cục Đầu tư nước ngoài chưa có thống kê, cập nhật cụ thể về các lĩnh vực doanh nghiệp FDI thực hiện góp vốn mua cổ phần, nhưng nhìn chung nguồn vốn này đa dạng về loại hình đầu tư (gồm BĐS, sản xuất, dịch vụ...) cũng như quy mô đầu tư. Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT đang tập hợp nghiên cứu các làn sóng đầu tư từ các nước trên thế giới không chỉ riêng Trung Quốc để có thể đón đầu dòng vốn này.
Ông Trần Đình Phương, chuyên gia tài chính:
Việc mua các công ty Việt của ông lớn ngoại là cách nhanh nhất để vượt qua các thủ tục đầu tư rắc rối, nhanh chóng hưởng thụ hệ thống phân phối, tận dụng được cơ sở khách hàng, chuỗi cung ứng, nguồn nhân lực… để đưa sản phẩm vào kinh doanh trên thị trường Việt Nam. Thậm chí, họ hưởng lợi ngay kết quả kinh doanh thông qua việc chia cổ tức.
Nhìn sâu hơn, Tập đoàn Stark cũng rất mạnh trong lĩnh vực cáp điện nên với việc mua công ty Việt Nam cùng lĩnh vực là cơ hội để người Thái mở rộng quy mô tăng trưởng.