Khu Đông Thành phố dự kiến sẽ có sự bùng nổ về hạ tầng trong thời gian tới. Ảnh: Lê Toàn
Gấp rút hoàn thiện đề án
Sở Nội vụ TP.HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP.HCM về phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2019 - 2021. Trong đó, có bổ sung việc sáp nhập quận 2, quận 9 và Thủ Đức để hình thành đơn vị hành chính là thành phố trực thuộc TP.HCM (tạm gọi là Thành phố phía Đông).
Việc sáp nhập 3 quận ở phía Đông là để xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông Thành phố nhằm phát huy những lợi thế về vị trí mang tính cửa ngõ, các hạ tầng dịch vụ sẵn có sẵn. Đây được xem là một cột mốc làm thay đổi bộ mặt không chỉ TP.HCM mà toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thực ra, ý tưởng này được trình lần đầu tiên trong Đề án chính quyền đô thị năm 2013 với phương án thành lập 4 thành phố vệ tinh nhưng không được Trung ương chấp thuận. Song hiện nay, Thành phố tiếp tục một lần nữa xây dựng đề án lần thứ hai, trong đó việc sáp nhập quận 2, 9, Thủ Đức thuộc Khu đô thị sáng tạo phía Đông theo hướng thành lập Thành phố khu Đông đang được nhiều Bộ, ngành và Chính phủ ủng hộ.
Để chuẩn bị tốt cho việc xây dựng đề án, năm 2018, Thành phố đã tổ chức cuộc thi tuyển quốc tế “Ý tưởng quy hoạch phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao TP.HCM”, thu hút nhiều chuyên gia quốc tế tham dự. Cuối tháng 4 vừa qua, UBND Thành phố cũng đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo về xây dựng đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông Thành phố.
Ban Chỉ đạo gồm 22 thành viên do ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM làm Trưởng ban.
Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo này là tổ chức nghiên cứu lập quy hoạch phát triển tổng thể khu đô thị sáng tạo phía Đông; xây dựng chiến lược phát triển kinh tế tri thức, các chương trình kêu gọi đầu tư phát triển đô thị và thu hút nhân tài đến sống và làm việc; nghiên cứu các chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch và phát triển khu đô thị này...
Để chuẩn bị cơ sở pháp lý và sớm hiện thực hóa để trình ra Quốc hội, TP.HCM cũng đã phân giao nhiệm vụ cho từng sở, ngành. Tất cả phải hoàn thành trước ngày 30/6/2020.
Cụ thể, đối với Sở Quy hoạch và Kiến trúc phải đẩy nhanh tiến độ lập nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó lồng ghép việc định hướng quy hoạch khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông và chuyển một số huyện thành quận. Đồng thời, tham mưu cho Thành phố, báo cáo kết quả rà soát, lập nhiệm vụ đồ án quy hoạch và trình Thủ tướng chủ trương quy hoạch đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông.
Sở Xây dựng có nhiệm vụ tham mưu Thành phố lập chương trình phát triển đô thị và chương trình phát triển từng đô thị song hành với công tác lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thành phố. Đồng thời, tham mưu cho Thành phố báo cáo, rà soát, đánh giá các tiêu chuẩn của từng loại đô thị để xây dựng đề án công nhận loại đô thị tương ứng trình cấp có thẩm quyền xem xét, công nhận.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Thành phố khẩn trương bố trí nguồn kinh phí thực hiện công tác nghiên cứu lập quy hoạch phát triển khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông.
Trong tất cả các đầu việc được giao, động thái mới đây được cho là sự nỗ lực của Ban chỉ đạo là đã hoàn chỉnh đề xuất việc điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 khu Linh Trung, Tam Đa, Trường Thọ để sớm thực hiện các dự án trong Khu đô thị sáng tạo.
Trong đó, khu Linh Trung kết nối Đại học Quốc gia (Trung tâm Công nghệ giáo dục) và Khu công nghệ cao thành phố (Trung tâm sản xuất tự động) dự kiến điều chỉnh cục bộ 4 ô phố thuộc phường Linh Trung, quận Thủ Đức, với tổng diện tích khoảng 28 ha.
Khu Tam Đa (Trung tâm Công nghệ sinh thái) được đề xuất điều chỉnh ô phố 1-36 thuộc phường Trường Thạnh, quận 9 (tổng diện tích khoảng 25 ha) thành Trung tâm khu vực trọng điểm (hotspot) Trung tâm Công nghệ sinh thái Tam Đa.
Khu Trường Thọ (đô thị tương lai) có phạm vi điều chỉnh cục bộ các ô phố A1, A2 và A5 thuộc phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, với tổng diện tích khoảng 8 ha (thuộc đồ án quy hoạch khu đô thị mới Trường Thọ, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức đã được UBND Thành phố duyệt cuối năm 2015).
Theo ông Nguyễn Thành Phong, thời gian tới, Thành phố sẽ xúc tiến, ký kết hợp đồng với các đơn vị tư vấn để cụ thể hóa ý tưởng thành bộ khung pháp lý về quy hoạch. Đồng thời, cũng sẽ rà soát cơ sở pháp lý hiện nay, xây dựng các quy định mới tạo điều kiện thuận lợi nhất hình thành Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông. Đây là tiền đề cho ra đời Thành phố khu Đông thuộc TP.HCM trong tương lai gần.
Diện mạo mới từ cuộc bùng nổ hạ tầng
Theo lộ trình, đề án Khu đô thị sáng tạo phía Đông sẽ được TP.HCM trình ra Quốc hội vào quý III/2020.
“Nếu được thông qua, từ năm 2021 trở đi Thành phố có thể bắt tay triển khai”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Có thể nói, việc thành lập Thành phố phía Đông không chỉ là vấn đề quản lý hành chính, nó còn thể hiện quyết tâm của lãnh đạo Thành phố và sự đồng thuận của Trung ương, nâng tầm khu Đông thành trung tâm kinh tế, tạo động lực phát triển cho TP.HCM và cả vùng trọng điểm kinh tế phía Nam. Vì vậy, ngoài việc thu hút nhân tài, cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư thì việc ưu tiên đầu tư hạ tầng sẽ là những bước đi cần thiết trong lộ trình hiện thực hóa.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, trong thời gian tới, khu Đông Thành phố dự kiến sẽ có một cuộc bùng nổ lớn về các dự án giao thông hạ tầng, tạo nên một diện mạo mới cho khu Đông Thành phố.
Theo ông Châu, ngoài hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu đã tạo cho khu vực này có sức hút đặc biệt như Tuyến metro số 1 dài 19,7 km đang gấp rút hoàn thành để đưa vào vận hành đầu năm 2021; Dự án cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn, nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) với khu trung tâm TP.HCM; Bến xe miền Đông mới... hiện Thành phố đang có hàng loạt công trình giao thông trọng điểm khác đang lên kế hoạch thực hiện.
Chẳng hạn, dự án cầu nối từ Thủ Đức với bán đảo Thanh Đa của quận Bình Thạnh; đường Vành đai 2, Vành đai 3 liên kết toàn vùng. Hay cầu Cát Lái nối quận 2 và Nhơn Trạch (Đồng Nai), một cây cầu khác tại quận 9 nối với Đồng Nai cũng đã có trong kế hoạch… Tất cả đều cho thấy một viễn cảnh phát triển mạnh mẽ của khu Đông, trong đó yếu tố cửa ngõ, kết nối liên vùng đã tạo cho khu Đông một vị thế đặc biệt.
Đặc biệt, sân bay Quốc tế Long Thành đang được gấp rút triển khai sẽ giúp phía Đông của Thành phố mang một diện mạo hoàn toàn mới trong những năm sắp tới.
“Việc xây dựng, quy hoạch một đô thị, khu trung tâm tài chính, kinh tế tại khu vực phía Đông sẽ làm thay đổi bộ mặt đô thị của toàn Thành phố. Tuy nhiên, về hình dáng, tổ chức không gian, cảnh quan đô thị vẫn phải theo nguyên tắc quy hoạch đô thị nhưng với tiêu chí tiếp cận giải pháp đô thị thông minh 4.0, tất cả công trình sẽ phải đạt đến trình độ thuận tiện cao nhất, giúp thay đổi mọi hoạt động, nâng cấp chất lượng cuộc sống của người dân”, ông Châu nói.
Cũng theo ông Châu, nên mở rộng Thành phố phía Đông của TP.HCM một phần sang huyện Long Thành và Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai để có dư địa phát triển. Không những thế, sân bay Long Thành cũng nên sáp nhập vào Thành phố phía Đông này, bởi một sân bay tầm quốc tế không thể để một tỉnh quản lý.
"Thành phố nên xin cơ chế sáp nhập một phần huyện Long Thành và toàn huyện Nhơn Trạch vào Thành phố phía Đông", ông Châu kiến nghị.
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/gap-rut-chuan-bi-cho-thanh-pho-phia-dong-a38425.html