Tìm động lực tăng trưởng thị trường địa ốc nửa cuối năm

Bối cảnh hiện tại, các diễn biến kinh tế vĩ mô và hoạt động kiềm chế dịch bệnh trong và ngoài nước có yếu tố quyết định đến hoạt động của doanh nghiệp và sự sôi động hay không của các thị trường như bất động sản hay chứng khoán.

Bối cảnh hiện tại, các diễn biến kinh tế vĩ mô và hoạt động kiềm chế dịch bệnh trong và ngoài nước có yếu tố quyết định đến hoạt động của doanh nghiệp và sự sôi động hay không của các thị trường như bất động sản hay chứng khoán.

Thị trường ấm lên…

Trong khoảng gần 1 tháng trở lại đây, các diễn biến tích cực của công tác chống dịch tại Việt Nam đã phần nào tác động đến tâm lý, cũng như các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp địa ốc. Nếu gần như cả quý I, thị trường bị đóng băng vì Covid-19, thì từ khoảng đầu tháng 5, đâu đó đã có những chương trình giới thiệu sản phẩm, bán hàng. Dù chưa có nhiều sự kiện quy mô lớn, nhưng các chương trình “warm up” thị trường đâu đó vẫn được các đơn vị thực hiện, đặc biệt với các dự án đất nền, nghỉ dưỡng ven đô hoặc ven biển.

6 tháng cuối năm có vai trò quan trọng, then chốt với mỗi doanh nghiệp để lấy lại được sự thăng bằng, duy trì tăng trưởng. Thậm chí, có những doanh nghiệp đã chủ động điều chỉnh kế hoạch, mục tiêu để phù hợp với bối cảnh mới.

Chia sẻ với phóng viên, ông Vũ Kim Giang, Tổng giám đốc Hải Phát Land cho biết, trong trường hợp dịch bệnh kiểm soát tốt từ nay tới cuối năm, hoạt động kinh doanh của Hải Phát Land kỳ vọng vẫn sẽ đạt kết quả khả quan với mức tương đương 80% so với thực hiện của năm ngoái.

Và để đảm bảo cho kế hoạch này, đại diện Hải Phát Land cho biết, doanh nghiệp đã có các phương án dự phòng, đảm bảo các kế hoạch kinh doanh không bị ảnh hưởng. Trong thời gian vừa qua, ngoài kiện toàn hệ thống quản trị nội bộ, Hải Phát Land cũng gấp rút chuẩn bị sẵn nguồn hàng phục vụ cho các giai đoạn kinh doanh tiếp theo. Đây được coi là điều cốt lõi giúp đảm bảo vận hành của doanh nghiệp không bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, nhìn nhận về triển vọng thị trường, ông Giáp Văn Kiểm, Chủ tịch HĐQT AVLand Group lại cho rằng, có đến 99% nhu cầu nhà ở là thật, nhiều khách hàng chỉ mua nhà một lần trong đời. Và trong tương lai, nhu cầu về nhà ở vẫn là rất lớn khi hàng năm, cư dân đô thị đều tăng thêm rất nhiều. Ông Kiểm cho rằng, khó khăn do dịch bệnh gây ra chỉ là nhất thời và không thể triệt tiêu nhu cầu mua bất động sản của người dân, do đó, tiềm năng, động lực cho sự tăng trưởng vẫn còn.

Niềm tin trở lại

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, động lực tăng trưởng của thị trường phụ thuộc vào các yếu tố: Mức độ phục hồi của nền kinh tế, của doanh nghiệp; hiệu quả của các gói hỗ trợ; khả năng chuyển mình của các doanh nghiệp.

Theo ông Thành, thị trường có phục hồi, tăng trưởng được hay không phụ thuộc nhiều vào mức độ phục hồi của cả nền kinh tế, các doanh nghiệp. Mà câu chuyện phục hồi lại phụ thuộc vào cả tình hình trong nước và thế giới. Rồi hiệu quả các gói hỗ trợ không chỉ của Việt Nam mà cả ở các nước.

“Sự phục hồi của thị trường sẽ phụ thuộc vào khả năng chống dịch, rồi nới lỏng, mở cửa kinh tế của các nước, hiệu lực, hiệu quả của các chính sách hỗ trợ. Yếu tố thứ 3 rất quan trọng là khả năng chuyển đổi, chuyển mình của các doanh nghiệp. Nếu cả ba điều này mà tích cực thì thị trường sẽ đi lên”, ông Thành nhấn mạnh.

Cùng chung nhận định, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam cho rằng, sẽ có những yếu tố mang tính khách quan, chủ quan cùng tác động lên thị trường bất động sản. Thứ nhất, khi chúng ta đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước, việc mở lại các đường bay quốc tế là một tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, điều này cũng phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh của các nước trên thế giới.

Thứ hai, về những vấn đề về pháp lý của dự án, đã có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ gỡ bỏ những khó khăn liên quan đến phát triển dự án mới và khởi động lại các dự án bê trễ vì thủ tục tại TP.HCM.

Thứ ba, sẽ là việc giảm tiền lãi, tiền góp cho các doanh nghiệp của nhiều nền kinh tế nói chung. Như vậy, đây là ba yếu tố sẽ giúp cho thị trường bất động sản từ nay đến cuối năm 2020 có biến chuyển tích cực.

Các ý kiến nhận định đều cho rằng, công tác chống dịch sẽ có vai trò quyết định hàng đầu, làm ảnh hưởng đến thị trường địa ốc. Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết, điều quan trọng nhất cho thị trường vẫn phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh và phục hồi hoạt động sản xuất, xã hội bình thường. Ngoài ra, động lực tăng trưởng còn đến từ việc Việt Nam có thể khai thác được một số cơ hội mới như: tăng giải ngân đầu tư công; các cơ hội dịch chuyển chuỗi sản xuất từ Trung Quốc đại lục, Hồng Kông (Trung Quốc) sang các quốc gia lân cận – trong đó có Việt Nam.

“Ngoài ra, các hiệp định thương mại (FTA) hay mô hình kinh tế số đang trên đà phát triển cũng đều là những cơ hội, là những tiềm năng phát triển chung của Việt Nam, trong đó có lĩnh vực bất động sản”, ông Lực cho biết.

Cũng theo ông Lực, việc đẩy mạnh đầu tư công và dịch chuyển chuỗi cung ứng sẽ tác động mạnh đến bất động sản công nghiệp, bất động sản hậu cần (nhà ở cho chuyên gia thuê). Ngoài ra, bất động sản nhà ở vẫn còn nhiều dư địa phát triển, nhất là các phân khúc gắn với nhu cầu thực.

Tác động của chính sách vĩ mô

Nhìn nhận về tác động của các chính sách điều hành chung nền kinh tế, ông Khương đánh giá, khi một chính sách vĩ mô được điều chỉnh, nếu nhằm mục đích hỗ trợ thì doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi là đương nhiên, nhưng cũng không nên chờ đợi một tác động tức thời bởi sẽ mất khá nhiều thời gian để chính sách đi vào cuộc sống và tác động đến từng doanh nghiệp, từng dự án. Tuy nhiên, nếu là chính sách liên quan đến việc thắt chặt, như tăng lãi suất hay siết chặt cho vay đến một ngành hành nào đó, các doanh nghiệp sẽ ngay lập tức bị ảnh hưởng.

Do vậy, trong trường hợp này, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần chủ động với kế hoạch kinh doanh của mình. Hơn nữa, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần được quan tâm và hỗ trợ nhiều hơn do họ mang lại rất nhiều lợi ích cho quốc gia.

Phân tích sâu hơn về chính sách điều hành, ông Thành cho biết, có 3 chính sách: chính sách chung là hạ một số lãi suất điều hành như cấp vốn, khoảng 1,5 điểm phần trăm, qua cơ chế lan truyền có thể sẽ tạo ra mặt bằng cho vay thấp hơn. Và nếu điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định như hiện tại thì rất có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hạ lãi suất điều hành.

Thứ hai là giãn hoãn khoanh nợ, tức giảm lãi suất đã vay để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó.

Thứ ba là những gói vốn hàng trăm ngàn tỷ đồng của các ngân hàng thương mại đang ở trạng thái chờ, có thể cho vay với lãi suất ưu đãi hơn, từ một vài điểm phần trăm.

Các chính sách này đóng góp khía cạnh tích cực cho tất cả các lĩnh vực, trong đó có ngành bất động sản. Tức là hiện tại, doanh nghiệp có điều kiện tốt hơn để giảm chi phí, nhưng cần lưu ý rằng ngân hàng sẽ không hạ chuẩn cho vay nên một kế hoạch kinh doanh khả thi là điều cần phải chuẩn bị.

Đồng thời, về sức cầu, khi dòng vốn rẻ hơn chảy mạnh ra thị trường, kinh nghiệm cho thấy hoạt động kinh doanh không thể thẩm thấu hết mà một phần sẽ chảy sang hoạt động kinh doanh chứng khoán, đầu tư bất động sản, là nhân tố góp phần kích thị trường này lên.

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/tim-dong-luc-tang-truong-thi-truong-dia-oc-nua-cuoi-nam-a38400.html