Quang cảnh chung quảng trường Mai Hắc Đế đang bị bỏ hoang. |
Dang dở, xuống cấp
Dự án đầu tư xây dựng công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử - văn hóa Đền thờ, tượng đài và quảng trường Mai Hắc Đế (Vua đen - tên thật là Mai Thúc Loan) do UBND huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh) làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần xây dựng Thăng Long, tại TP Hà Tĩnh thi công.
Dự án gồm hai hạng mục: Đền thờ vua Mai Hắc Đế (tại xã Mai Phụ) và Tượng đài, quảng trường vua Mai Hắc Đế (tại xã Thạch Bằng và xã Thịnh Lộc), với tổng số vốn hơn 105 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động xã hội hóa đầu tư và chủ đầu tư huy động các nguồn vốn hợp pháp.
Phần đền thờ đã về đích đúng hẹn, nhưng phần Quảng trường và tượng đài Mai Hắc Đế được đầu tư gần 44 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng trên 35 tỷ đồng tại khu vực giáp ranh giữa xã Thịnh Lộc và Thạch Bằng (huyện Lộc Hà) trên diện tích 4,58 ha thì vẫn... ngổn ngang.
Bên cạnh bức tượng "Vua đen", các cấu kiện bê tông như bó vỉa, nắp cống thoát nước để phục vụ dự án được vứt ngổn ngang và chưa rõ ngày hoàn thành dự án. |
Theo thiết kế, tượng đài vua Mai Hắc Đế (đã lắp dựng-PV) đúc bằng đồng liền khối cao 10,8m, phía trước tượng đài có bài trí lư hương bằng đá tự nhiên. Đế chân tượng bằng bê tông cốt thép vuông 4,8m, cao 1,45m.
Khối tượng nằm trên đế bệ hình vuông kích thước 23,45m, cao 1,35m chia làm 9 bậc. Khối đế bệ vuông đặt trên khu bậc cấp gồm 8 bậc cao 1,2m so với sân quảng trường, tạo thành bậc cấp và hình bồn hoa ôm lấy bệ chân tượng đài. Thời gian thực hiện từ 2016 - 2018.
Theo đề án, việc xây dựng công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử - văn hóa Đền thờ, tượng đài và quảng trường Mai Hắc Đế nhằm nâng cao, bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa và nghệ thuật của di tích đã được xếp hạng, đảm bảo sự tôn nghiêm, thể hiện đúng mục đích tri ân, tôn vinh nhân vật lịch sử Vua mai Hắc Đế;
qua đó góp phần phục vụ đời sống văn hóa tâm linh cho nhân dân trong vùng, giáo dục truyền thống cho các thế hệ hiện nay và mai sau, đồng thời thúc đẩy và phát triển du lịch trên địa bàn huyện Lộc Hà nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung.
Cảnh nhếch nhác của khu vực tâm linh văn hóa lịch sử |
Tuy nhiên, đến nay (sau gần 2 năm phải kết thúc dự án theo quy định) hạng mục tượng đài và quảng trường của dự án vẫn còn dang dở, nhiều hạng mục chưa hoàn thành. Những hạng mục đã xây dựng bị xuống cấp hư hỏng, tạo nên một khung cảnh nhếch nhác, không phát huy được hiệu quả như mong muốn của dự án.
Tại quảng trường trường, mặc dù nằm cạnh tuyến đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê, nhưng không mấy ai chú ý đến công trình tâm linh này bởi nó như một vùng đất hoang, cỏ dại mọc um tùm. Màu đen của bức tượng hòa lẫn với màu xanh của dãy núi phía sau khiến công trình như chìm trong cỏ hoang.
Hệ thống đường giao thông nội bộ kết nối các hạng mục trong quảng trường còn dang dở, đoạn đi vòng ôm lấy phía sau tượng đài chưa được thi công. Phần đế và các công trình phụ trợ xung quanh tượng đài vẫn chưa hoàn thiện.
Cỏ mọc um tùm, hoang hóa che kín các lối đi. |
Trong khuôn viên quảng trường cỏ dại um tùm, không được cắt tỉa, chăm sóc trở nên um tùm. Hệ thống đèn chiếu sáng (có trên 30 cột) thì có khoảng 20 cột đã bị vỡ bóng đèn, có cột bị vỡ hoàn toàn.
Bên cạnh bức tượng "Vua đen", các cấu kiện bê tông như bó vỉa, nắp cống thoát nước để phục vụ dự án được vứt ngổn ngang, tạo nên sự nhếch nhác, làm mất vẻ tôn nghiêm đối với một vị vua từng có công đánh đuổi giặc Đường xâm lược của dân tộc.
Chủ đầu tư nói gì?
Trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Xuân Trường, Trưởng ban Quản lý các dự án xây dựng cơ bản huyện Lộc Hà cho biết, nguyên nhân khiến dự án chưa thể hoàn thành là do thiếu vốn.
Hệ thống chiếu sáng hư hỏng tới 2/3. |
Ông Trường thông tin: “Phần Đền thờ Mai Hắc Đế được xây dựng ở xã Mai Phụ do doanh nghiệp tài trợ, họ tự làm và đã hoàn thành từ năm 2017. Huyện chỉ hỗ trợ giải phóng mặt bằng một số hộ dân để mở rộng khuôn viên”.
“Tại quảng trường, doanh nghiệp cho tượng và bệ đứng, còn hạ tầng do huyện làm chủ đầu tư gồm đường vào, mương thoát nước, gạch lát sân, điện chiếu sáng, cây cảnh và trồng cỏ...
Có cột đèn bị vỡ bóng hoàn toàn. |
"Đến nay công trình đã thi công trên 70% rồi, chỉ còn thiếu tuyến đường đi vòng phía sau cùng cây xanh, cây cảnh và trồng cỏ”, ông Trường nói tiếp.
Cũng theo ông Trường, nói là quảng trường hơn 43 tỷ đồng nhưng ngân sách nhà nước mới bỏ ra 17 tỷ đồng để làm hạ tầng và 5 tỷ để giải phóng mặt bằng, còn lại là của nhà tài trợ. Huyện đã trình HĐND xin thêm 6 tỷ đồng để hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng. Dù đã được nhất trí chủ trương, nhưng hiện vẫn chưa có vốn để triển khai tiếp.
Phần đường vòng phía sau bức tượng và cây xanh, cây cảnh chưa hoàn thiện. |
Nói về hệ thống chiếu sáng bị hư hỏng rất nhiều, ông Trường cho biết: “Do ý thức của người dân chưa cao, đặc biệt là trẻ em chăn trâu thường bắn vào bóng đèn gây hư hỏng. Chúng tôi đã đề nghị đơn vị thi công tháo đưa về để bảo quản nhưng họ bảo để vậy, cái nào vỡ thì họ sẽ thay mới. Nếu có nguồn kinh phí thì chỉ khoảng 4 tháng thi công là xong. Phấn đấu đến giữa năm 2020 sẽ hoàn thiện”.
Hướng bảo vệ quảng trường sau khi dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, ông Trường cho biết: “Chúng tôi cũng lường được những khó khăn nên đã có kế hoạch bàn giao cho Ban quản lý cụm công nghiệp trông coi, bảo quản”.
Mai Hắc Đế tên thật là Mai Thúc Loan, quê gốc ở xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh). Ông mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Năm 713, chứng kiến cảnh người dân cực khổ dưới ách thống trị của nhà Đường, ông đứng ra lãnh đạo nhân dân tổ chức dựng cờ khởi nghĩa ở Hoan Châu, giải phóng vùng đất rộng lớn ở Nghệ An. Sau sự kiện này, ông được suy tôn làm hoàng đế. Đến năm 722, quân Đường quay trở đàn áp cuộc khởi nghĩa, bị vây hãm, Mai Hắc Đế lánh tạm vào rừng chờ thời cơ nhưng rồi mất ở đó. Theo Infonet https://infonet.vn/nhech-nhac-xuong-cap-kho-tin-tai-quang-truong-gan-50-ty-dong-vua-den-mai-hac-de-post317010.info |