Đó là nghi vấn của ông Phạm Vũ Hồng – Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang về hàng loạt sai phạm được Thanh tra Chính phủ chỉ ra trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản ở tỉnh này.
Trong kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP), đến nay, Kiên Giang đã đưa hơn 6.984ha đất rừng chuyển đổi sang mục đích khác, trong đó có hơn 3.321ha rừng bị chuyển đổi phải lập phương án trồng rừng thay thế. Đến thời điểm thanh tra, chỉ hơn 211 ha/3.321ha diện tích rừng được lập phương án trồng thay thế với tổng số tiền các chủ đầu tư phải nộp để trồng là hơn 35 tỷ đồng. Trong số này, các chủ đầu tư mới chỉ nộp hơn 20,2 tỷ đồng, còn nợ gần 15 tỷ đồng.
Còn lại diện tích hơn 3.109ha đất rừng đã giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư nhưng các chủ đầu tư chưa lập phương án trồng rừng thay thế trình cấp thẩm quyền thẩm định và phê duyệt để tổ chức trồng hoặc nộp tiền rừng thay thế, vi phạm Chỉ thị số 02 ngày 24/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Trách nhiệm chính là vai trò quản lý Sở NN&PTNT và Ban Quản lý khu kinh tế Phú Quốc và một số cơ quan chức năng khác.
Ngoài ra, từ năm 2011 đến 2017, UBND tỉnh Kiên Giang thu hồi gần 895 ha rừng do Vườn quốc gia Phú Quốc quản lý để giao cho các nhà đầu tư thực hiện 13 dự án, trong đó có 8 dự án có kiểm kê khối lượng gỗ đường kính từ 28cm trở lên có giá trị để tận thu gỗ với khối lượng 21.428m3; 5 dự án không kiểm kê, tận dụng thu hồi gỗ với các lý do khác nhau như chủ đầu tư không kiểm kê hiện trạng rừng do không có gỗ có giá trị, dự án không khai thác cây rừng tự nhiên…
Tại cuộc họp thành viên UBND tỉnh cuối tháng 5, ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, đặt nghi vấn có dấu hiệu thông đồng từ bên trong cơ quan quản lý trong việc lấn chiếm đất rừng vì ranh rừng, cột mốc rừng chuẩn bị đưa ra khỏi quy hoạch tới đâu, người dân vào chặt cây lấn chiếm tới đó, chính xác từng vị trí. Ông Hồng nói: “Tôi không biết người dân làm sao mà biết chính xác tọa độ như vậy. Bây giờ ranh rừng loại tới đâu là dân chiếm tới đó, trồng cây tới đó hết, thậm chí là chặt phá cây rừng, chiếm đúng tọa độ, không sai ly nào thì liệu có bên trong bên ngoài hay không?”.
Theo báo cáo của BQL rừng phòng hộ Phú Quốc, có 60 hộ dân đang sử dụng đất trong ranh rừng, trong đó 9 hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng BQL rừng phòng hộ Phú Quốc không nắm rõ nguồn gốc, thời gian sử dụng của người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khi đó, đối với Vườn quốc gia Phú Quốc, đã có nhiều hộ dân vào ở, sử dụng ở những diện tích rừng dự kiến chuyển mục đích quy hoạch theo Quyết định 633 và 868 của Thủ tướng Chính phủ.
Việc BQL rừng phòng hộ Phú Quốc không nắm rõ cụ thể số hộ, diện tích, nguồn gốc từng hộ dân đang sử dụng đất rừng cho thấy việc quản lý, bảo vệ rừng chưa chặt chẽ, có dấu hiệu buông lỏng quản lý và tiềm ẩn nguy cơ bị lấn chiếm tiếp tục, không có điểm dừng, gây khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.